Tin ngân hàng ngày 20/4: Lợi nhuận của PGBank đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% trong quý I
Tin ngân hàng ngày 19/4: SHB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 10 năm Tin ngân hàng ngày 18/4: Lãi suất liên ngân hàng tăng lên mức cao nhất 11 tháng |
Quý I/2024, lợi nhuận của PGBank đạt 116 tỷ đồng, giảm 24%
Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế là 93 tỷ đồng, giảm 24%.
Ảnh minh họa |
Trong khi tổng thu nhập hoạt động quý I/2024 của PGBank giảm 3,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 376 tỷ đồng, thì chi phí hoạt động lại tăng 16,8% lên 218 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 17,6%, ở mức 42 tỷ.
Nguyên nhân chính khiến tổng thu nhập hoạt động sụt giảm đến từ các mảng kinh doanh phi tín dụng. Ngân hàng ghi nhận lỗ thuần 9 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ có lãi 14 tỷ. Thu nhập lãi thuần trong khi đó tăng 11,3%, đạt 378 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản PGBank là 58.764 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4,2% lên 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu cuối quý I là 1.033 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,85% lên 2,93%.
Trong khi kết quả kinh doanh quý I kém tích cực, PGBank vẫn lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh so với năm 2023. Cụ thể, ngày 20/4 tới đây, PGBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, trình cổ đông thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với năm 2023. Ngân hàng dự kiến tổng thu thuần kỳ vọng đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2024, tổng tài sản PGBank dự kiến tăng lên 63.503 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng dự báo tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng. Huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%.
MB ước tính lợi nhuận quý I/2024 gần 5.800 tỷ đồng
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 19/4, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB thông tin sơ bộ về kết quả kinh doanh của MB, ngân hàng ước tính doanh thu tập đoàn đạt khoảng 12.000 tỷ, lợi nhuận gần 5.800 tỷ đồng. Doanh thu Ngân hàng mẹ đạt 9.782 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 5.258 tỷ đồng. Doanh thu các công ty thành viên đạt 5.218 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 550 tỷ đồng.
Quý I/2023, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 6.500 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận quý I/2024 khả năng tăng trưởng âm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo MB dự kiến trình kế hoạch lợi nhuận tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng 16% của năm 2023.
Cụ thể, ngân hàng dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 - 8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu tổng tài sản, ngân hàng đặt mục tiêu tăng 13%, tức đạt gần 1,068 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024, trở thành ngân hàng tiếp theo vượt qua cột mốc 1 triệu tỷ sau nhóm Big4.
Tín dụng được dự báo tăng trưởng 15 - 16% trong năm 2024, tùy thuộc theo hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Huy động trong năm 2024 tùy thuộc nhu cầu sử dụng vốn.
Về các chỉ số như ROE, ROA hay CIR, ngân hàng dự kiến sẽ thuộc top đầu trong ngành. Tới cuối năm 2024, MB đạt được 30 triệu khách hàng và sẽ cán mốc 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Lý giải về việc đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 6-8% trong năm nay, ông Lưu Trung Thái cho biết: "Ngân hàng phân tích năm 2023 NIM toàn ngành giảm sẽ tác động đến 2024 như thế nào. Chúng tôi dự phòng NIM sẽ tiếp tục giảm trong năm 2024. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I năm nay chậm. Thông thường quý I tăng trưởng tín dụng 4-5%, nhưng năm nay không tăng, đến thời điểm này chỉ tăng khoảng 0,23%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 tăng mạnh do đó áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Do đó, ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn, thận trọng với kế hoạch lợi nhuận tăng 6-8%, phấn đấu đạt 10%. Năm nay, chúng ta bình tĩnh và chuẩn bị các điều kiện để bền vững hơn trong giai đoạn tới".
Ngân hàng VPBank vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm
Lãi suất tiết kiệm tại VPBank vừa thay đổi, chính thức áp dụng từ ngày 19/4. Theo đó, ngân hàng này điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 1-5 tháng đối với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, mức tăng 0,2-0,3 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng hiện niêm yết ở 2,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 2-5 tháng là 3%/năm. Mức lãi suất cũ là 2,4%/năm.
VPBank giữ nguyên lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn còn lại. Lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 4,2%/năm, kỳ hạn 12-18 tháng là 4,8%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng là 5,2%/năm.
Với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, VPBank cộng thêm 0,1%/năm lãi suất. Nhà băng này cộng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên.
VPBank áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy với lãi suất thấp hơn tương ứng với biểu lãi suất tiết kiệm online 0,1%/năm.
Trước đó, ngày 10/4, VPBank cũng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn vào ngày 10/4. Nhà băng này tăng thêm 0,3 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12-36 tháng.
Ngày 27/3, VPBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm %, trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 - 36 tháng đồng loạt tăng 0,2 điểm %.
Các ngân hàng cam kết giải ngân 7.500 tỷ đồng cho vay mới tại TP HCM
Ngày 19/4, tại hội nghị Đối thoại và Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do UBND quận 3, 10, Tân Bình phối hợp với NHNN Chi nhánh TP HCM tổ chức, 16 ngân hàng thương mại bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BVBank, NamA Bank… cam kết dành hơn 7.500 tỷ đồng cho vay mới, tăng hạn mức, giảm lãi suất khoản vay cũ.
Các ngân hàng cam kết giải ngân 7.500 tỷ đồng cho vay mới tại TP HCM. |
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia ký kết tại chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đều được áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 5 nhóm lĩnh vực (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, SME, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao)… Các khoản vay ngắn hạn được triển khai có lãi suất khoảng 4%/năm, các khoản vay trung dài hạn có lãi suất khoảng 9%/năm.
Ông Trương Minh Tiến, Giám đốc VietinBank chi nhánh quận 10, TP HCM cho biết, Ngân hàng có thể đáp ứng ngay nhu cầu vay mới trả nợ cũ.
Ngoài ra, đại diện VietinBank cho biết, với các doanh nghiệp muốn vay vốn tín chấp, doanh nghiệp phải tạo niềm tin với ngân hàng và đặc biệt phải đảm bảo các tiêu chí năng lực tài chính tốt, khả năng hoạt động… với ngân hàng sẽ được vay tín chấp.
Theo VietinBank, hiện ngân hàng này có gói tín dụng lãi suất 3,2%/năm, ngoài ra các khoản vay ngắn hạn bằng tiền đồng hiện nay ngân hàng đang cho vay từ 3,5-5%/năm đối với các khoản vay mới thông thường.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM đề nghị doanh nghiệp và cá nhân tính toán kỹ trước khi lựa chọn vay của ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác để hạn chế thiệt thòi. Với trường hợp khách hàng vay mới trả nợ cũ, các ngân hàng thương mại phải thực hiện đúng quy định pháp luật về cho vay, mong muốn khách hàng chia sẻ và nắm bắt được các thủ tục yêu cầu cấp tín dụng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 20/4: Lợi nhuận của PGBank đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% trong quý I