Tin ngân hàng ngày 29/6: Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồng
Tin ngân hàng ngày 28/6: Siết cho vay đặt cọc dự án hình thành trong tương lai Tin ngân hàng ngày 27/6: Miễn lãi suất cho khách hàng vay mua ô tô tại TPBank |
Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group trong tháng 5/2022 đã ra thông báo tổ chức bán đấu giá không tách rời 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án khu công nghiệp (KCN) Phong Phú.
Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồng |
Tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá này tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỉ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỉ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỉ đồng.
Đây là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định.
Theo mức giá bán Sacombank đưa ra, khởi điểm sẽ là 11.810 tỉ đồng, thấp hơn 4.386 tỉ đồng so với tổng giá trị khoản nợ. Đồng nghĩa, Sacombank chấp nhận mất khoản tiền lãi hơn 4.300 tỉ để thanh lý khoản nợ xấu này.
Tuy nhiên, việc Sacombank chấp nhận mất hàng nghìn tỉ đồng tiền lãi chỉ nhằm bán được tài sản thu hồi cũng không khiến tài sản này dễ bán, hay giá đã “rẻ” đến mức có thể hấp dẫn ngay người mua. Bởi KCN Phong Phú là một dự án treo đã bỏ hoang suốt 20 năm qua không thể triển khai, và cơ quan Thanh tra TP HCM đã vào cuộc điều tra toàn diện khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong thực hiện dự án.
Trước đó, được biết khu đất dự án KCN Phong Phú đã bị phân lô làm hàng chục mảnh, mang đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam và sau này là Sacombank để vay vốn, hoặc bảo đảm nghĩa vụ cho một bên thứ 3. Sacombank cũng đã từng đưa dự án này đấu giá vào cuối 2018 nhưng sau đó UBND TPHCM chỉ đạo tạm ngưng đấu giá và yêu cầu thanh tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án tại đây.
Sacombank cũng đã rao bán dự án này nhiều lần với các giá bán khác nhau, như đợt rao tháng 9/2021 và gần nhất là tháng 3/2022.
Quá trình Sacombank đấu giá phát mãi dự án KCN Phong Phú để thu hồi nợ, giới chuyên môn cho rằng sẽ rất khó để kiếm được người mua, “Trong bối cảnh mà Nhà nước đang quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo công bằng cho mọi nhà đầu tư và không có “vùng đen, vùng cấm” trong điều tra, dự án phát mãi cho dù có hấp dẫn về giá, về giá trị tương lai, song vẫn có "dính chàm pháp lý" trước đây, nên sẽ khó kiếm được người mạnh dạn xuống tiền sở hữu. Chưa kể, đây là dự án gắn với khoản nợ "tiền quá to" cũng sẽ rất hiếm có doanh nghiệp hay nhà đầu tư bỏ tiền tươi để thâu tóm”, một chuyên gia phân tích.
Tùy tiện mở thẻ, nhiều người vô tình thành “con nợ” của ngân hàng
Với nhiều tiện ích đem lại, thẻ ngân hàng đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người. Không chỉ vậy, hiện nay việc mở thẻ cũng vô cùng đơn giản, có thể mở online mà không cần đến tận phòng giao dịch như trước đây. Chính vì vậy, một người có thể sở hữu rất nhiều thẻ ATM của nhiều ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp đã lâm vào cảnh éo le khi tự nhiên có thể những khoản nợ từ những thẻ ATM, Visa, thẻ tín dụng mà không thường xuyên được sử dụng.
Trường hợp của anh Minh Tiến (Hà Nội) cho biết năm 2019, anh quyết định mở thêm thẻ ở ngân hàng V để nhận lương. Nhưng sau đó một thời gian anh Tiến có chuyển công tác và cũng không dùng gì đến chiếc thẻ đó nữa. Bẵng đi một thời gian dài, anh Tiến nhận được thông báo thu hồi nợ từ phía ngân hàng, yêu cầu thanh toán 180 nghìn đồng tiền phí quản lý tài khoản. Lúc này anh mới ngã ngũ thì ra thẻ của mình vẫn "hoạt động ngầm" trong suốt thời gian qua.
Ngoài ra cũng có không ít người dễ dàng gật đầu với những lời chào mời mở thẻ vì nghĩ "có mất gì đâu, cứ mở nhiều ngân hàng biết đâu sau này cần vì cùng lắm thì cũng chỉ mất vài đồng tiền phí duy trì".
Theo con số thống kê từ NHNN, con số cập nhật mới nhất tính đến giữa năm 2021, có khoảng 110 triệu thẻ đang được lưu hành, ứng với 66% dân số trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Điều này có nghĩa là trung bình mỗi người trưởng thành ở nước ta sẽ có từ 2-3 thẻ ngân hàng. Nhưng liệu tất cả mọi người có dùng hết số thẻ mà mọi người đang sở hữu hay không?
Về nguyên tắc, việc khách hàng không sử dụng và phát sinh giao dịch trong một thời gian dài, thẻ không hoạt động thì ngân hàng sẽ tiến hành khóa thẻ. Đây là việc làm của ngân hàng nhằm tránh tình trạng thẻ ảo gây lãng phí tài nguyên. Tuy nhiên thời gian sau bao lâu ngân hàng tiến hành khóa thẻ ở mỗi nhà băng lại khác nhau. Do vậy, dù không sử dụng dịch vụ nhưng nếu thẻ của người dùng chưa được ngân hàng chủ động khóa, hoặc khách hàng yêu cầu ngân hàng khóa thì mọi chi phí phát sinh như phí thường niên đều phải được chi trả bình thường.
Còn riêng trường hợp đặc biệt đối với thẻ tín dụng, không có quy định nào tạm khóa tài khoản ngân hàng khi không sử dụng loại thẻ này. Người dùng vẫn phải đóng phí thường niên cho ngân hàng. Nếu không đóng phí này sẽ dẫn đến tình trạng nợ xấu của khách hàng với ngân hàng.
Do vậy, người dùng cần lưu ý không nên mở quá nhiều thẻ cùng một lúc. Trước khi mở thẻ nên tìm hiểu kỹ các thông tin như: lợi ích, tính năng, biểu phí của từng loại thẻ. Bên cạnh đó, khi không có nhu cầu sử dụng, khách hàng cần chủ động liên hệ với ngân hàng để làm thủ tục khóa thẻ hoặc hủy thẻ để tránh các loại phí phát sinh.
Ông Dominic Scriven không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị ACB
ACB đã nhận được thông báo về việc ông Dominic Scriven sẽ rời khỏi vị trí thành viên HĐQT ngân hàng này do không còn là đại diện góp vốn của DFH tại ACB.
Ngày 27/6/2022, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu đã ban hành Quyết định số 2654/TCQĐ-HĐQT.22 về việc xác nhận việc ông Dominic Timothy Charles Scriven đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Á Châu nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Thông tin chi tiết, ACB cho biết, HĐQT ghi nhận có văn bản của cổ đông Dragon Financial Holdings Limited (DFH) đề ngày 22/6/2022 về việc hủy bỏ ủy quyền cho ông Dominic Timothy Charles Scriven - thành viên HĐQT của ACB nhiệm kỳ 2018 - 2023 - đại diện phần vốn góp của DFH tại ACB, có hiệu lực từ ngày 30/6/2022, và có văn bản của ông Dominic đề ngày 22/6 về việc thông báo ông không còn là đại diện phần vốn góp của DFH tại ACB.
Vì vậy HĐQT xác nhận ông Dominic Timothy Charles Scriven thuộc trường hợp đương nhiên mất tư cách theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 35 Luật các tổ chức tín dụng.
TP HCM tăng cường giám sát gói vay lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp
Trước nhu cầu về vốn của doanh nghiệp ở TP HCM để khôi phục, sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đang triển khai cho vay hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31, của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
TP.HCM tăng cường giám sát gói vay lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp |
6 tháng nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn TP HCM tăng trưởng 9,3% so với cuối năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 03 thực hiện Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM đã nhanh chóng triển khai và tổ chức tập huấn cho các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM cho biết, hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại ở TP HCM đã đăng ký tham gia cho vay gói hỗ trợ lãi suất này như Agribank, BIDV, VietinBank, ACB… Các ngân hàng đã hoàn tất việc triển khai nghiệp vụ, quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn nội bộ cho các tổ chức tín dụng và đang tư vấn cho khách hàng tiếp cận gói hỗ trợ này.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/6: Sacombank mắc kẹt với phát mãi dự án KCN Phong Phú hàng nghìn tỉ đồng