Tin ngân hàng ngày 29/7: BIDV lãi hơn 13.800 tỷ trước thuế trong 6 tháng
Tin ngân hàng ngày 28/7: Yêu cầu thanh tra, làm rõ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng trong tháng 7 Tin ngân hàng ngày 27/7: Vì sao ngân hàng tích cực mua lại đồng thời phát hành mới trái phiếu? |
BIDV lãi hơn 13.800 tỷ trước thuế trong 6 tháng
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận trước thuế đạt 6.943 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022.
BIDV lãi hơn 13.800 tỷ trước thuế trong 6 tháng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong nửa đầu năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV ghi nhận giảm trong quý II, tuy nhiên nhờ cắt giảm gần 30% chi phí dự phòng rủi ro (tương đương hơn 4.100 tỷ đồng), ngân hàng vẫn ghi nhận tăng trưởng dương về lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Việc sụt giảm lợi nhuận là do một số mảng kinh doanh ghi nhận tăng trưởng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) của BIDV chỉ tăng 1,2% nhưng chi phí hoạt động lại tăng 17,7%.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 1,1% (do sụt giảm trong quý II); lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 56% mang về gần 29 tỷ đồng. Trong khi đó ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối ghi nhận tăng trưởng 14,8% và 20,5% lần lượt mang về 3.189 tỷ đồng và 1.457 tỷ đồng.
Riêng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lãi gần 180 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 67,8 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ngân hàng tăng nhẹ 0,2% lên 2,124 triệu tỷ đồng. Số dư cho vay khách hàng đạt hơn 1,629 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và thực hiện được một nửa hạn mức tín dụng được NHNN phân bổ mới đây. Tiền gửi khách hàng của BIDV tăng trưởng 4,9% trong nửa đầu năm đạt hơn 1,54 triệu tỷ đồng.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trong cơ cấu tín dụng, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 7,2%.
Vietbank huy động vốn tăng trưởng gần 10% trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - mã chứng khoán VBB) vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 369 tỷ đồng, giảm nhẹ 19 tỷ so với cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản đạt 115.699 tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm và đạt 102% kế hoạch. Cấu trúc danh mục tài sản được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 69.251 tỷ đồng; trong đó cho vay khách hàng đạt 68.532 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thời điểm 30/06/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank được kiểm soát dưới mức 3% theo quy định. Tổng huy động khách hàng đạt 89.000 tỷ đồng, tăng 9,7% so với đầu năm, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo tốt các tỷ lệ an toàn thanh khoản.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 1.131 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 919 tỷ đồng, chiếm hơn 81% tỷ trọng và là nguồn thu nhập chủ yếu của Ngân hàng. Thu nhập ngoài lãi chưa có sự cải thiện đáng kể, vẫn duy trì quanh mức 19 - 20% tổng thu nhập. Chi phí dự phòng ghi nhận 68 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2022 do Ngân hàng đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu và kiểm soát tốt chất lượng các khoản nợ phát sinh trong kỳ.
Trong thời gian qua, Vietbank đã thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro tín dụng, thực hiện thẩm định khách hàng trước cho vay, tăng cường kiểm tra giám sát khi cho vay và sau cho vay để đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu. Ngân hàng cũng đã hướng tín dụng vào các khoản vay nhỏ lẻ, hiệu quả và kỳ hạn ngắn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Vietbank cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay ở mức hợp lý; đồng thời chú trọng cung ứng vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Chính phủ ưu tiên để tăng cường đồng hành và hỗ trợ các khách hàng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh doanh.
SHB liên tục được các tổ chức quốc tế vinh danh
Mới đây, tại Singapore, Tạp chí The Asian Banking and Finance (ABF) - tạp chí tài chính quốc tế uy tín của châu Á đã vinh danh SHB ở 3 hạng mục quan trọng nhất trong năm: Ngân hàng có sáng kiến tài chính tác động xã hội tốt nhất Việt Nam 2023 (Hạng mục ngân hàng bán buôn); Hợp tác chiến lược của năm - Hợp tác với IFC và Ngân hàng với giải pháp cho phụ nữ của năm (Hạng mục ngân hàng bán lẻ).
Các giải thưởng này nằm trong hệ thống giải thưởng ngân hàng định kỳ của ABF. Đây là những giải thưởng danh giá, là sự ghi nhận mà giới chuyên môn cũng như của cộng đồng dành cho các ngân hàng có hoạt động nổi bật theo khu vực và quốc gia.
Hội đồng xét duyệt và các chuyên gia đánh giá cao SHB khi hội tụ đủ các yếu tố: (1) Chiến lược kinh doanh hiệu quả, với các sản phẩm dịch vụ tài chính được "may đo" cho từng phân khúc khách hàng, có tác động tích cực tới doanh nghiệp và xã hội; (2) Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hút nguồn vốn hàng trăm triệu USD để bổ sung nguồn vốn cho vay doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi; (3) Là ngân hàng có nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ; (4) Hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, khả năng sinh lời cao nhưng vẫn bảo đảm các chỉ số an toàn và quản trị rủi ro hiệu quả theo chuẩn quốc tế; (5) Các sản phẩm và dịch vụ chuyên biệt với chất lượng cao; (6) SHB đang triển khai chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện và đạt được những kết quả tích cực trong mảng bán lẻ.
Với nền tảng công nghệ và tiềm lực tài chính vững mạnh, SHB là đối tác tin cậy, thỏa mãn các tiêu chí khắt khe của Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Công ty tài chính quốc tế, Quỹ bảo vệ khí hậu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản, Ngân hàng tái thiết Đức… trở thành cầu nối giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào, tối ưu dòng tiền, nâng cao hiệu quả khai thác, phát triển kinh doanh và kinh tế đất nước.
6 tháng đầu năm, OCB đạt lợi nhuận 2.560 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 với đà tăng trưởng tích cực, cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
OCB đạt lợi nhuận 2.560 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, lũy kế lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 2.560 tỷ đồng, tăng trưởng 47,2% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu thuần đạt 4.453 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi của OCB tăng gấp đôi lên 884 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, góp phần tạo nên kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng. Riêng đối với thu thuần dịch vụ, tăng trưởng 4,2% đạt 374 tỷ nhờ đến từ thẻ và dịch vụ quản lý tài khoản, phù hợp với định hướng đa dạng hóa nguồn thu của ngân hàng. Chỉ tính riêng sản phẩm thẻ, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và ghi nợ quốc tế ghi nhận sự tăng trưởng 142% so với cùng kỳ 2022.
Các sản phẩm như thẻ tín dụng JCB Gold, thẻ tín dụng JCB Platinum, thẻ tín dụng Mastercard Platinum… nhận được sự ưa chuộng rất lớn từ thị trường khi số lượng thẻ phát hành mới trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động cũng được OCB kiểm soát chặt chẽ nhờ chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp tối ưu hóa vận hành. Theo đó, tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) của ngân hàng được cải thiện từ 39,7% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 31,9%.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của OCB đạt 211.292 tỷ đồng, tăng trưởng 8,9% so với cuối năm 2022. Trong đó, hoạt động cho vay khách hàng đạt 127.573 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2022.
Theo số liệu mới nhất, tổng doanh số giải ngân sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 140% kế hoạch lũy kế, số dư sản xuất kinh doanh tăng 67% so với cùng kỳ 2022, quy mô huy động tại OCB tiếp tục tăng trưởng rõ rệt khi tổng huy động thị trường 1 đạt 147.218 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2022.
Tiền gửi khách hàng luôn duy trì kết quả khả quan khi đạt 110.456 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng thị trường 1 tăng 6,8% so với cuối năm 2022, đạt 131.125 tỷ đồng, cao hơn mức trung bình của ngành (4,7%).
Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo đáp ứng theo quy định của NHNN. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) duy trì hiệu quả ở mức 3,8%, tăng so với cùng kỳ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 29/7: BIDV lãi hơn 13.800 tỷ trước thuế trong 6 tháng