Tin ngân hàng ngày 29/8: Nhiều nhân sự cấp cao của PG Bank xin từ nhiệm
Tin ngân hàng ngày 28/8: Hơn 91 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn Tin ngân hàng ngày 26/8: ABBank sắp phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ |
Nhiều nhân sự cấp cao của PG Bank xin từ nhiệm
Ngày 25/08/2023, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) thông báo nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt nhân sự cấp cao.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, ông Nilesh Ratilal Banglorewala có đơn xin từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập; ông Oliver Schawarzhauupt từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT vì lý do cá nhân.
Riêng bà Dương Ánh Tuyết có đơn xin từ nhiệm vị trí Trưởng BKS PG Bank.
Thời điểm có hiệu lực sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.
Ngày 23/10/2023, PG Bank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm kiện toàn nhân sự thuộc HĐQT và BKS. Cũng tại Đại hội này, PGBank sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ, thay đổi tên thương mại và địa điểm đặt trụ sở chính. Đồng thời, phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch hành động Ngân hàng sẽ được trình tại ĐHĐCĐ bất thường.
Trước đó, PG Bank thông báo ngày 15/08/2023 sẽ chốt danh sách cổ đông, nhóm cổ đông thực hiện quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT và BKS.
Cũng trong thông báo này, PG Bank dự kiến thay đổi số lượng nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 giảm từ 9 thành viên còn tối đa 7 thành viên (trong đó dự kiến tối thiểu 1 thành viên độc lập). Số lượng thành viên HĐQT dự kiến bầu tối đa là 6 thành viên (trong đó dự kiến ít nhất 1 thành viên độc lập).
Dự kiến thay đổi số lượng nhân sự thuộc BKS nhiệm kỳ 2020-2025 giảm từ 4 xuống còn 3 thành viên. Số lượng thành viên BKS dự kiến bầu là 2 thành viên.
Được biết, bà Dương Ánh Tuyết chỉ mới được bổ nhiệm vị trí Trưởng BKS PG Bank từ ngày 31/07/2023, thay cho ông Nguyễn Tuấn Vinh xin từ nhiệm.
Trước đó, từ đầu tháng 5, ông Nguyễn Mạnh Hải cũng đã có đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT PGB vì lý do cá nhân.
Nếu như tất cả các đơn xin từ nhiệm đều được thông, HĐQT PG Bank chỉ còn 3 thành viên gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Phi Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Tiến Dũng và thành viên HĐQT Đinh Thành Nghiệp.
Biến động thượng tầng tại PG Bank diễn ra sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái toàn bộ 40% vốn góp tại PG Bank nên thôi cử người đại diện vốn tại Ngân hàng.
Ngân hàng SCB đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chi nhánh Tân Định vừa chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Thanh Đa từ ngày 25/8. Việc giải thể Phòng giao dịch này là căn cứ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và Hội đồng quản trị SCB.
Phòng giao dịch Thanh Đa có địa chỉ tại số 774 (số cũ 632) Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM). SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại phòng giao dịch này đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác.
Hồi cuối tháng 7, SCB đã đóng cửa 2 phòng giao dịch, gồm: Phòng giao dịch An Đông Plaza thuộc chi nhánh Sài Gòn đóng tại Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (số 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5) và Phòng giao dịch Trần Quang Khải thuộc chi nhánh Tân Định (số 170 Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1).
Ngoài ra, kể từ ngày 14/7, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Minh Khai thuộc chi nhánh Cống Quỳnh (số 316-318 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3).
Trong một thông cáo phát đi, SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng tại các phòng giao dịch nói trên đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch hiện hữu của SCB.
Trước đó, SCB cũng đã phát đi thông cáo về việc chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch tại TPHCM.
Cụ thể, căn cứ theo các công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/5, SCB chấm dứt hoạt động và giải thể Phòng giao dịch Bàu Cát thuộc chi nhánh Thống Nhất, Phòng giao dịch Nhà Rồng thuộc chi nhánh Sài Gòn và Phòng giao dịch Cô Giang thuộc chi nhánh Cống Quỳnh.
Trong đó, hai phòng giao dịch Bàu Cát và Nhà Rồng chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6. Phòng giao dịch Cô Giang chấm dứt hoạt động từ ngày 7/7.
Trong tháng 6, SCB cũng thông báo đóng cửa hoạt động 3 phòng giao dịch, gồm Phòng Giao dịch Hưng Dũng chi nhánh Nghệ An, Phòng Giao dịch Thành Công chi nhánh Hai Bà Trưng (cùng ở TP Hà Nội), Phòng Giao dịch quận 1 chi nhánh Cống Quỳnh.
Đầu tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sắp có những quy định mới về thanh tra giám sát ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) tiếp tục được tăng cường và nâng cao; đặc biệt góp phần nhận diện giải quyết các tồn tại, bất ổn của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cơ quan TTGSNH cũng đã nỗ lực tham mưu cho Thống đốc NHNN triển khai thực hiện công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đồng bộ, bài bản theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Cơ quan TTGSNH được giao thực hiện rất nhiều công việc, trong đó có rất nhiều công việc phức tạp, chưa có đủ cơ sở pháp lý để xử lý, chưa có tiền lệ xử lý, phải phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị để xử lý. Bên cạnh đó, Cơ quan TTGSNH cũng phải xử lý rất nhiều công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát, thanh tra của Cơ quan TTGSNH đã được quan tâm, đẩy nhanh nhưng còn bất cập về nhân sự được đào tạo công nghệ thông tin phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát.
Cục Phòng, chống rửa tiền là đơn vị cấp Cục thuộc Cơ quan TTGSNH do đó tính độc lập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao bị hạn chế so với trường hợp được tách ra trở thành đơn vị cấp Cục thuộc NHNN.
NHNN cũng cho biết, để khắc phục những bất cập trong hoạt động và tổ chức bộ máy, đồng thời để phù hợp với các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền, NHNN thấy cần thiết phải xây dựng Quyết định thay thế Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg (về hoạt động của Cơ quan TTGSNH) để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Các điểm thu đổi ngoại tệ tăng mạnh giá mua USD
Chiều 28/8, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tăng giá mua USD thêm khoảng 200 đồng so với cuối tuần trước, lên mức 24.050 đồng một USD. Giá bán ra cũng tăng gần 100 đồng lên 24.150 đồng. Chênh lệch giá mua bán được thu hẹp về 100 đồng mỗi đôla.
Các điểm thu đổi ngoại tệ tăng mạnh giá mua USD/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Giá USD mua vào tại các điểm thu đổi ngoại tệ sau khi điều chỉnh, đã cao hơn so với ngân hàng.
Hôm qua, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.960 đồng một USD, tăng 18 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5%, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.762 đến 25.158 đồng.
Trên cơ sở này, các nhà băng chiều qua nâng giá mua bán USD thêm 70 đồng so với đầu sáng. Giá USD ngân hàng hiện ở mức cao nhất 8 tháng và tăng hơn 2% so với hồi đầu năm.
Tại Vietcombank, tỷ giá mua bán yết ở 23.850 – 24.220 đồng, tăng 70 đồng cả hai chiều so với cuối tuần qua. Giá USD tại Eximbank là 23.840 – 24.260 đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng tăng giá bán USD tại Sở giao dịch thêm 19 đồng lên 25.108 đồng, giữ nguyên giá mua 23.400 đồng.
Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh - giao dịch trên 104 điểm, gần chạm mức cao nhất ba tháng.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm thứ Sáu cảnh báo, vẫn có thể tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ông Powell đánh giá lạm phát đã có tiển triển tốt hơn nhưng vẫn còn cao hơn vùng Fed "chấp nhận được". Fed sẽ có những điều chỉnh linh hoạt trong thời gian tới và chưa phát tín hiệu sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Bình luận của ông khiến đồng bạc xanh tăng giá mạnh so với rổ tiền tệ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 29/8: Nhiều nhân sự cấp cao của PG Bank xin từ nhiệm