Tin ngân hàng ngày 30/7: Doanh nghiệp mong được kéo dài nợ hết năm 2022
Tin ngân hàng ngày 29/7: Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh Tin ngân hàng ngày 28/7: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 10,8% |
Doanh nghiệp mong được kéo dài nợ hết năm 2022
Vừa qua, ngân hàng dừng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi sau ngày 30/6/2022 khiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong khi doanh nghiệp mong chờ được tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng không cần thiết. Lý do bởi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường.
Mặt khác, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ, vì thế việc dừng thực hiện Thông tư này không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.
Dù vậy, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng sẽ theo dõi, đánh giá diễn biến dịch để đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, người dân.
Việc thực hiện cơ cấu nợ trên thực tế đã có tác động lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, luỹ kế giá trị nợ đã cơ cấu theo các Thông tư 01, 03 và 14 là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng; luỹ kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 490.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.
Theo giới phân tích, nếu kéo dài mãi việc giãn, hoãn nợ không hẳn là giải pháp tốt cho các bên. Đối với ngân hàng, điều này có thể khiến nhóm nợ không được đặt đúng chỗ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về phía doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực vươn lên. Tuy vậy, tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các ngành nghề, lĩnh vực có sự khác nhau. Do đó, việc xem xét từng nhóm ngành hàng, từng lĩnh vực để có chính sách cụ thể cũng là điều cần được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc và có giải pháp thiết thực.
“Ngân hàng Nhà nước nên xem xét kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết năm 2022 để trợ lực cho doanh nghiệp, từ đó ổn định việc làm cho người lao động”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang kiến nghị.
Lãnh đạo Ngân hàng Đông Á làm giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa ký quyết định về việc tiếp nhận và bổ nhiệm ông Võ Minh Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á - giữ chức vụ giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM từ ngày 1/8.
Như vậy sau gần một năm rưỡi kể từ ngày ông Tô Duy Lâm thôi làm giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cơ quan này mới có tân giám đốc.
Được biết ngày 1/8, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước sẽ trao quyết định cho ông Võ Minh Tuấn.
Ông Võ Minh Tuấn sinh năm 1967, nguyên quán tỉnh Quảng Ngãi. Ông là cử nhân tài chính tín dụng - Đại học Ngân hàng TP.HCM, thạc sĩ kinh tế phát triển (Viện Nghiên cứu Hà Lan).
Trước khi làm chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á, ông từng là phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế từ tháng 9/2014. Ông là một trong số ít người của ngân hàng thương mại cổ phần về làm lãnh đạo cấp vụ tại Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó ông là phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông và từng có 23 năm làm việc tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Ngày 26/8/2015, thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ định ông tham gia hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á nhiệm kỳ 2010-2015, sau khi ông Cao Sĩ Kiêm thôi làm thành viên và chủ tịch Ngân hàng Đông Á.
Sau đó ông được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á từ tháng 8/2015 đến nay.
Về phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng ban hành quyết định về việc cho thôi giữ chức vụ và thôi việc theo nguyện vọng với ông Tô Duy Lâm - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, kể từ ngày 15/3/2021 đến nay, nơi này chỉ có phó giám đốc điều hành.
Sau khi ông Nguyễn Hoàng Minh về hưu, ông Trần Đình Cường làm phó giám đốc điều hành Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đến nay.
Ngân hàng rút ròng 1.400 tỷ ra khỏi các dự án bất động sản trong tháng 6
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Xây dựng cho biết dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 30/6/2022 đạt 784.575 tỷ đồng. Trước đó, con số này tính đến thời điểm 31/3 là 783.942 tỷ.
Ngân hàng rút ròng 1.400 tỷ ra khỏi các dự án bất động sản trong tháng 6/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Còn theo số liệu gần nhất được NHNN công bố, dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh BĐS tính đến ngày 31/5 đạt hơn 786.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Như vậy, trong quý II vừa qua, dư nợ tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ tăng thêm 633 tỷ đồng, tương tăng 0,08% so với cuối quý I. Riêng trong tháng 6, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này giảm hơn 1.400 tỷ.
Trong quy mô 784.575 tỷ đồng nêu trên, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở hiện đạt 182.263 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 23,2% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 141.308 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 78.861 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,1% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 56.864 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 46.667 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,95% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 36.343 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 34.618 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 207.651 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,5% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ
Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2022 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) ghi nhận mức lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành hơn 75% kế hoạch cả năm.
6 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đây là lần đầu tiên Eximbank tạo ra được con số lợi nhuận nghìn tỷ chỉ trong 2 quý đầu năm, kể từ 2013 tới nay. Trong gần chục năm nay khi các ngân hàng bạn cùng quy mô bứt phá thì lợi nhuận của Eximbank chỉ quanh quẩn mức 1.000 tỷ mỗi năm
Nhìn chung, trong quý 2, các hoạt động kinh doanh của Eximbank đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động chính đem về gần 1,418 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 44%.
Các nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng so cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (+47%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+16%), lãi từ hoạt động khác (gấp 4.4 lần)…
Quý này, Ngân hàng chỉ tăng 6% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (130 tỷ đồng), do đó Eximbank báo lãi trước thuế gần 1,094 tỷ đồng, gấp 3.2 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Eximbank giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 288 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế gần 1,903 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ.
So với kế hoạch 2,500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm 2022, Eximbank đã thực hiện được 76% sau nửa đầu năm.
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản Eximbank tăng 5% so với đầu năm, lên mức 174,582 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 9% (124,528 tỷ đồng) và tiền gửi khách hàng tăng 3% (141,494 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu tính đến ngày 30/06/2022 tăng 4% so với đầu năm, ghi nhận 2,343 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ 1.96% đầu năm xuống còn 1.88%.
Nguồn; Tin ngân hàng ngày 30/7: Doanh nghiệp mong được kéo dài nợ hết năm 2022