Tin ngân hàng ngày 31/3: Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 30/3: Ngân hàng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết Tin ngân hàng ngày 29/3: Nhiều ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm về dưới 9% |
Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng
Ngày 30/3, tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, ông Doãn Thanh Tuấn - Cục phó quản lý, giám sát bảo hiểm - cho biết, năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
“Khi thanh tra, Cục Quản lý giám sát đã phát hiện sai phạm nhất định. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, chúng tôi xin hứa sẽ công bố rộng rãi theo quy định”, ông Tuấn nói.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi yêu cầu, sau khi có kết luận thanh tra hoạt động bảo hiểm liên kết với ngân hàng, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm công khai quyết định theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, trong tháng đầu tiên công khai số điện thoại đường dây nóng đã tiếp nhận phản ánh của người dân phân phối bảo hiểm qua ngân hàng 178 cuộc gọi và 218 e-mail của người dân. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cử cán bộ tiếp nhận, phân loại và xác minh thông tin ban đầu. Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được thực hiện theo quy định pháp luật.
Bộ Tài chính nhận định, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hoạt động này chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Việc thanh tra, kiểm tra dự kiến thực hiện ở doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.
Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; Đặc biệt, tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Từ tháng 9/2022 đến nay, báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng người dân bị ép mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng, gửi tiết kiệm bị nhân viên ngân hàng tư vấn lập lờ chuyển sang mua bảo hiểm nhân thọ...
MSB xác nhận "không loại trừ khả năng nhận sáp nhập thêm ngân hàng khác"
Mới đây, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cho biết, ngân hàng này đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng để trình Đại hội cổ đông thông qua và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo gợi ý của cơ quan này.
"Xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn", vị này nói.
Lãnh đạo MSB không nhắc tới tên ngân hàng cụ thể sẽ nhận sáp nhập. Tuy nhiên, để ý trên thị trường cho thấy thời gian qua nhà băng này có "mối liên hệ" khá nhiều với PGBank ở phương diện nhân sự cấp cao.
Cụ thể, vào tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp từ MSB sang đầu quân cho PG Bank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.
Tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc của PG Bank và hiện nay là Tổng Giám đốc của ngân hàng này.
Trên website của PGBank cũng giới thiệu, tháng 04/2021, ông Nilesh Banglorewala, cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank.
Ông Oliver Schwarzhaupt, cựu Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý Rủi ro của MSB được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị của PG Bank từ ngày 26/4/2022.
Ông Đỗ Thành Công, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và Phê duyệt, người vừa gia nhập PG Bank ngày 01/02/2023 cùng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như: Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...
Theo công bố thông tin, dự kiến MSB sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên ngày 21/4/2023 để báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và thông qua nhiều kế hoạch quan trọng cho năm 2023.
Petrolimex sẽ bán đấu giá 40% cổ phần tại PG Bank vào ngày 7/4 tới.
Ngày 21/3 vừa qua, Petrolimex đã tổ chức buổi hội thảo "Cơ hội đầu tư Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank)" tại TP HCM để giới thiệu về PG Bank tới nhà đầu tư, chuẩn bị cho cuộc đấu giá công khai cổ phần của tập đoàn này tại PG Bank.
Doanh nghiệp có thể được giãn, hoãn nợ ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước muốn tái khởi động chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Ngày 30/3, tại hội nghị "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh", nhiều doanh nghiệp phản ánh đang rất khó khăn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng thấp kỷ lục. Dệt may, thuỷ sản xuất khẩu, gỗ đều tăng trưởng thấp cùng với kênh bất động sản "đóng băng". Hệ lụy là một loạt lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng dừng tới 90% hoạt động kinh doanh.
"Các doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh lực cầu giảm, nên thực tế không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh. Nhu cầu vay hiện nay của chúng tôi là để cầm cự", ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, hai nguyện vọng lớn nhất với ngành ngân hàng hiện nay là có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất vay. "Với những doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn, lãi suất trên 10% cũng không bên nào dám vay".
Phản hồi tới doanh nghiệp, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trình lên cấp thẩm quyền chính sách cho hoãn, giãn nợ với khách vay. "Tôi hiểu đây là điều mà nhiều doanh nghiệp đang rất mong chờ", ông Tú nói.
Chính sách này từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022. Trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn, việc tái khởi động giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, theo ông Đào Minh Tú, là điều nên làm.
Nhưng ông lưu ý đây chỉ là giải pháp tình thế để hỗ trợ trong thời gian ngắn. Nút thắt lớn nhất để doanh nghiệp trụ vững vẫn là bài toán về thị trường cũng như các chính sách tài khóa khác.
Phó thống đốc cũng thừa nhận, lãi suất hiện nay vẫn cao với người đi vay. Tuy nhiên, ông mong doanh nghiệp và người dân hiểu đây là thực tế khách quan trong môi trường kinh tế chung hiện nay chứ không phải điều ngân hàng mong muốn.
Vietbank ưu đãi lãi suất vay cho doanh nghiệp
Từ nay đến ngày 30/6/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 10,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trên toàn quốc.
Vietbank ưu đãi lãi suất vay cho doanh nghiệp/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bên cạnh đó, khách hàng còn được miễn phí mở tài khoản thanh toán số đẹp lên đến 10 triệu đồng, được trải nghiệm miễn phí sản phẩm tài khoản thanh toán VB PRO trong vòng 3 tháng đầu sau khi mở tài khoản.
Theo đó, khách hàng doanh nghiệp SMEs không những được áp dụng mức lãi suất vay ưu đãi tại Vietbank mà khi mở tài khoản thanh toán VB PRO, còn được miễn phí đăng ký tài khoản doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh, phí quản lý tài khoản. Khi thực hiện giao dịch tại quầy sẽ được miễn hoàn toàn các loại phí như: chuyển khoản trong và ngoài hệ thống Vietbank, nộp/rút tiền mặt, kiểm đếm, sao kê tài khoản/sao lục chứng từ, phí chi hộ lương trong hệ thống Vietbank và thanh toán theo lô…
Bên cạnh chương trình ưu đãi lãi suất, Vietbank cũng đang triển khai sản phẩm "Cho vay siêu tốc VB Super" với hạn mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng, thời gian xét duyệt nhanh chóng trong 48 giờ. Và sản phẩm "Tái cấp nhanh dành cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ". Với thời gian phê duyệt nhanh, quy trình thực hiện tinh giản, giải ngân nhanh chóng, các gói vay tại Vietbank sẽ giúp doanh nghiệp có ngay nguồn tài chính, phục hồi hoạt động sản suất kinh doanh và nắm bắt các cơ hội để gia tăng hiệu quả hoạt động.
Vietbank cũng đưa vào hệ sinh thái các giải pháp số, dịch vụ ngân hàng điện tử giúp doanh nghiệp thực hiện giao dịch từ xa mọi lúc mọi nơi mà không cần tới quầy; an toàn và bảo mật với chứng từ điện tử, hỗ trợ miễn phí thường niên; phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống cũng như miễn phí chi lương khi khách hàng thực hiện giao dịch trên kênh internet banking.
Đặc biệt, chủ doanh nghiệp khi mở thẻ tín dụng Vietbank được miễn phí phát hành và phí thường niên năm đầu cùng với hạn mức tín dụng tối đa lên đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, khách hàng cũng được miễn phí sử dụng dịch vụ đưa đón và phòng chờ cao cấp tại các sân bay không giới hạn, được bảo hiểm du lịch toàn cầu cho bản thân, chồng/vợ, con trị giá lên đến 21 tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 31/3: Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng