Tin ngân hàng ngày 3/4: Sau kiểm toán, lợi nhuận của Vietbank tăng lên 656 tỷ đồng
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: NHNN hạ trần lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 1/4: Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngành |
Sau kiểm toán, lợi nhuận của Vietbank tăng lên 656 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo báo cáo đã kiểm toán, lợi nhuận trước thuế của Vietbank tăng lên 656 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021 (báo cáo trước kiểm toán là 649 tỷ đồng); tổng tài sản đạt 111.307 tỷ đồng, tăng 7,67% so với đầu năm; cấu trúc danh mục tài sản tiếp tục được cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng tài sản có sinh lời.
Năm 2022, tổng huy động vốn của Vietbank đạt gần 100.000 tỷ đồng; trong đó, huy động vốn từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 81.110 tỷ đồng. Cho vay khách hàng của Vietbank đến ngày 31/12/2022 đạt 63.633 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ nợ xấu của Vietbank là 2,48% trên tổng nợ áp dụng theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thu nhập lãi thuần sau kiểm toán cũng tăng lên 1.811 tỷ đồng (báo cáo trước kiểm toán là 1.802 tỷ đồng), tăng 21,8% so với năm 2021. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng lên 121 tỷ đồng, tăng 28,4%; đồng thời hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lãi gấp gần 5 lần so với năm 2021 đạt 55,6 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết, năm 2023, Vietbank tiếp tục hoạt động theo hướng an toàn bền vững và đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vietbank sẽ tập trung vào việc nâng cao chuẩn mực hoạt động và hiệu quả quản trị điều hành; nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu giá trị cho khách hàng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với cơ chế đãi ngộ nhân tài.
Cùng với đó, Vietbank sẽ chú trọng phát triển hệ khách hàng truyền thống theo định hướng bán lẻ; đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ để đồng hành cùng sự phục hồi của nền kinh tế. Hiện tại ngân hàng này đang triển khai gói cho vay ưu đãi với doanh nghiệp SME với lãi suất chỉ 10,5%/năm, bên cạnh hàng loạt các ưu đãi khác liên quan đến tài khoản và phí giao dịch.
Lãi suất huy động sẽ về 7%/năm?
Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và có thể duy trì quanh ngưỡng 7%, tương ứng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10% (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm, nhờ các yếu tố hỗ trợ sau: (1), Lạm phát được kiểm soát dưới 4,5%; (2), Thanh khoản ngân hàng ổn định; và (3), Fed đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kì vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý 2/2023.
Cụ thể, lạm phát bình quân được kiểm soát tốt trong ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của Chính phủ, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 - 2022, KBSV nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4 -5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7,0-8,0% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11,0%/năm.
Ngoài ra, thanh khoản 3 tháng đầu năm 2023 của hệ thống ngân hàng đã ổn định, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ việc giảm mặt bằng lãi suất, nhờ nghiệp vụ mua 3,5 tỷ USD gia tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tương ứng bơm khoảng 82 nghìn tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Năm 2023, nhóm phân tích kì vọng thanh khoản sẽ tiếp tục được cải thiện khi cung tiền M2 mở rộng hơn so với năm trước, ước tính tăng 14% do: (1), NHNN có thể thực hiện lại nghiệp vụ mua USD - kỳ vọng 10 đến 12 tỷ, tương ứng 15% phần tăng thêm của cung tiền M2 trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ thặng dư thương mại, kiều hối và FDI, vay nợ ròng nước ngoài; và (2), Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch (so với mức 75% của năm 2022), giúp khơi thông nguồn vốn bị tắc nghẽn ở kho bạc, tương ứng 3-4% phần tăng thêm của cung tiền M2.
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,12%
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động quý 1/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức chiều 31/3, đại diện Vụ Thanh toán cho biết hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực.
NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số theo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ TT&TT.
95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 50,14% về số lượng; qua kênh Internet tăng 90,21% về số lượng và 10,01% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 60,29% về số lượng và 13,89% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 142.06% về số lượng và 49,42% về giá trị; qua POS tăng 36,65% về lượng và 29,72% về giá trị.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.
Mạo danh ngân hàng dọa người dùng đóng phí quảng cáo
Thời gian gần đây, nhiều người chia sẻ màn hình những đoạn tin nhắn (SMS) mạo danh ngân hàng thông báo về việc đóng phí quảng cáo trên Tiktok khiến người dùng Tiktok giật mình.
Ảnh minh hoa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Nội dung tin nhắn như sau: "Tai khoan cua ban da dang ky chuong trinh quang cao tren TikTok, moi thang thu phi 3,250,000 (hoặc 2,250,000) VND. Vui long vao https://msb[.]vn-cvs[.]xyz de kiem tra hoac huy" - tức "Tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng mất phí 3.250.000 (hoặc 2.250.000) VNĐ. Vui lòng vào https://msb[.]vn-cvs[.]xyz để kiểm tra hoặc hủy" - website đã được PV thêm ký tự [ ].
Đáng chú ý, tên người gửi là MSB - trùng tên một ngân hàng nhưng khác địa chỉ website. Đặc biệt, một người còn chia sẻ đoạn tin nhắn cho thấy tin nhắn trên lọt vào đoạn hội thoại chung với ngân hàng khi thông báo SMS mã OTP.
Chưa thấy người dùng nào lên tiếng về việc đã bị mất tiền, có người còn nói sau khi chụp màn hình điện thoại đã nhanh tay xóa tin nhắn luôn.
Tuy nhiên, nhiều người dùng đang tỏ ra khá lo lắng bởi họ thường xuyên thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại, internet... thông qua tài khoản ngân hàng hay tài khoản ví điện tử.
Theo Ngô Minh Hiếu, nếu người dùng bấm vào vào đường link thì có khả năng sẽ bị mất thông tin tài khoản ngân hàng và mất tiền trong tài khoản.
"Nếu người nhận tin nhắn đang là khách hàng của MSB thì tin nhắn giả này sẽ lọt vào đoạn hội thoại chung. Bởi lẽ, kẻ xấu đã dùng thiết bị công nghệ cao phá sóng, mạo danh ngân hàng nhắn tin cho nạn nhân. Thủ đoạn của đối tượng là đánh vào tâm lý rằng nạn nhân vừa bị mất tiền trong tài khoản qua dịch vụ TikTok, làm nạn nhân hốt hoảng rồi bấm vào link độc hại" - Hiếu PC phân tích.
Hiếu PC khuyến cáo người dùng nên bình tĩnh. Bởi, kẻ lừa đảo sẽ tạo ra tình huống có cảm giác cấp bách khiến nạn nhân răm rắp làm theo theo hướng dẫn của chúng mà không nhận ra mình đang bị lừa.
"Một nguyên tắc cơ bản là người dùng không click vào bất kỳ đường link lạ hay vội chuyển tiền ngay, nên chậm lại để kiểm chứng để tránh bị mất tiền oan!" - Hiếu PC nói.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 3/4: Sau kiểm toán, lợi nhuận của Vietbank tăng lên 656 tỷ đồng