Tin ngân hàng ngày 1/4: Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngành
Tin ngân hàng ngày 31/3: Phát hiện nhiều sai phạm về bảo hiểm liên kết với ngân hàng Tin ngân hàng ngày 30/3: Ngân hàng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết |
Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngành
Năm 2022, HDBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt gần 22.000 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tín dụng cùng các mảng dịch vụ, thẻ, ngân hàng số cùng tăng trưởng cao, số lượng thẻ tín dụng kích hoạt gấp hơn 4 lần, giá trị giao dịch thẻ tăng gấp gần 3 lần, số lượng giao dịch qua kênh số cao gấp gần hai lần cùng kỳ và giá trị giao dịch đạt trên 761 nghìn tỷ đồng, gấp gần 6 lần.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2021, hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận được cổ đông giao. Chỉ số ROE năm 2022 đạt 23,5%, ROA đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của HDBank năm 2022 cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,3%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,67%, mức thấp so với toàn ngành nhờ chính sách cấp tín dụng có chọn lọc và quản trị rủi ro hiệu quả. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR theo Basel II) lên đến 13,4% và thuộc nhóm những ngân hàng an toàn vốn cao nhất.
Tổng tài sản hợp nhất đạt 416.273 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021. Dư nợ cấp tín dụng đạt 268.157 tỷ đồng, tăng 25,6%. Ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuỗi cung ứng và phân phối, tín dụng xanh, hộ gia đình, tiểu thương. HDBank nắm giữ chỉ có 4.300 tỷ đồng TPDN, tương đương chỉ 1,6% tổng dư nợ. Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết số trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo và được thanh toán đầy đủ, đúng hạn. HDBank cũng là ngân hàng có tỉ lệ cho vay kinh doanh bất động sản thấp chỉ ở mức 7,9% tổng dư nợ.
Tại 31/12/2022, HDBank có 347 chi nhánh/phòng giao dịch và gần 24.500 điểm giao dịch tài chính. Số lượng cán bộ công nhân viên của ngân hàng mẹ và công ty con là 16.326 người, chưa bao gồm lực lượng bảo vệ gần 2000 chiến sỹ, với mức thu nhập bình quân đạt 26,7 triệu đồng/tháng, tăng mạnh 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thù lao của các TV HĐQT đã giảm xuống còn 8,4 tỷ đồng từ mức 10,9 tỷ đồng của năm trước. Được biết một số lãnh đạo HDBank tự nguyện giảm thù lao hoặc dành cho các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng.
Vì sao MSB được cấp hạn mức tín dụng cao nhất ngành ngân hàng?
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank cho biết, MSB có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành nhờ tham gia vào các dự án hỗ trợ NHNN, tiết chế cho vay bất động sản và mở rộng cho vay các ngành nghề hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, MSB đã được cấp mức room tín dụng lần đầu năm 2023 cao nhất ngành là 13,5% và ước tính có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 16% trong 2023.
Trước đó, chứng khoán VnDirect cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số ngân hàng.
Trong đó, MSB được cấp room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%. HDBank được cấp room là 11%, ACB (9,8%), VCB (9,8%), VIB (9,5%), TCB (9,5%), TPB (9,1%), VPB (9%), MBB (9%), BID (8,3%), LPB (8%).
Theo nhóm phân tích, các ngân hàng này có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như VCB, ACB, HDB… Trong đó, MSB có được hạn mức tốt nhất, chủ yếu do hệ số cho vay/huy động (LDR) thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác.
Cơ chế kiểm soát trần tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Trong năm 2022, NHNN cũng đã cấp room tín dụng ban đầu cho các ngân hàng vào quý I và có 3 đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm.
Năm 2023, NHNN cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
Bộ Tài chính chấn chỉnh hiện tượng “ép” khách hàng mua bảo hiểm
Liên quan đến đường dây nóng phản ánh tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, sau hơn một tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng gồm số điện thoại, email tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, đơn vị đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này.
“Việc xử lý thông tin kiến nghị phản ánh được Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm thực hiện theo quy định của Nhà nước. Cục đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu”, ông Doãn Thanh Tuấn nói.
Theo đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm đã tổ chức 4 đoàn thanh tra về bảo hiểm qua ngân hàng. Hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, trong thời gian ngắn nhất sẽ ban hành kết luận. Sau khi có kết luận sẽ công bố. Nếu thanh tra phát hiện sai phạm nhất định sẽ xử lý theo quy định luật.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.
Thứ trưởng khẳng định, để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.
MB giảm mạnh lãi suất huy động, không còn kịch trần kỳ hạn dưới 6 tháng
MB mới đây đã thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi từ ngày 30/3 với mức giảm đồng loạt 0,4-1,2 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng giảm 5,8% xuống còn 5,3%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng giảm từ mức cao nhất được phép là 6% xuống còn 5,4 - 5,5%/năm.
Với kỳ hạn 6 - 8 tháng, MB áp dụng mức lãi suất 7%, giảm 0,4 điểm % so với trước đó. Kỳ hạn 9 - 11 tháng cũng giảm 0,4 điểm % xuống còn 7,1%.
Kỳ hạn 12 - 13 tháng hưởng mức 7,4%, giảm 0,4 - 0,5 điểm. Trong khi, kỳ hạn 15 - 24 tháng giảm 0,5 - 0,6 điểm xuống còn 7,5%/năm.
Kỳ hạn 36 - 60 tháng cùng được áp dụng mức 7,2%, giảm 1 - 1,2 điểm % so với trước đó và tương đương nhóm Big4.
Với khách hàng cá nhân gửi tiền ở các chi nhánh tại miền Trung và miền Nam, MB cộng thêm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất nêu trên tại các kỳ han từ 1 tháng trở lên.
Hiện mức lãi suất huy động cao nhất mà MB áp dụng là 7,6%/năm dành cho các kỳ hạn 15 - 24 tháng tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Như vậy, hiện MB là ngân hàng tư nhân có biểu lãi suất huy động thấp nhất thị trường và chỉ nhỉnh hơn so với nhóm Big4.
Trước MB, một loạt ngân hàng tư nhân cũng đã điều chỉnh lãi suất trong tuần qua.
ACB vừa cập nhật biểu lãi suất mới và giảm ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh khoảng 0,2 điểm %.
Trước đó, ngày 27/3, Techcombank, Kienlongbank và LienVietPostBank cũng đã giảm lãi suất huy động, mức điều chỉnh phổ biến là 0,2 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 1/4: Tỷ lệ nợ xấu của HDBank thấp so với toàn ngành