Tin ngân hàng ngày 4/5: Nhiều mảng kinh doanh của BaoVietBank giảm sút trong quý I
Tin ngân hàng ngày 3/5: Nghiên cứu gói tín dụng 10.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm - thủy sản Tin ngân hàng ngày 2/5: Ngân hàng không được “ép” nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp |
Nhiều mảng kinh doanh của BaoVietBank giảm sút trong quý I
Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, theo báo cáo, BaoVietBank ghi nhận một kỳ kinh doanh khá ảm đạm. Nguồn thu chính là lãi thuần tại ngân hàng này tăng trưởng âm 34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn gần 120 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Các mảng kinh doanh khác cũng ghi nhận sự sụt giảm với lãi từ dịch vụ còn 15,5 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 111 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 63 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, BaoVietBank vẫn có một số mảng kinh doanh khởi sắc như lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt hơn 9 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 18 tỷ đồng cao gấp 2,3 lần. Hoạt động khác cũng lãi hơn 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 12 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, chi phí hoạt động tại BaoVietBank tăng 20%, ghi nhận hơn 186 tỷ đồng, do tăng chi phí cho nhân viên và chi quản lý công vụ. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại ngân hàng này giảm 23%, chỉ còn gần 7 tỷ đồng.
Cũng trong quý I/2023, BaoVietBank không trích dự phòng rủi ro tín dụng. Lũy kế 3 tháng đầu năm, lãi trước thuế tại ngân hàng này là gần 7 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản BaoVietBank thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn 75.211 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước sụt giảm 61% còn 450 tỷ đồng, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 35% đạt 15.784 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 1% tương ứng 33.547 tỷ đồng.
Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác giảm 23% còn 17.531 tỷ đồng, tiền vay các tổ chức tín dụng khác tăng 10% tương ứng 6.319 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 7% tương ứng 44.085 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/03/2023 của BaoVietBank là hơn 1.573 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.349 tỷ đồng, tương đương 86% trong tổng nợ xấu. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69%, cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lợi nhuận Vietcombank tăng trưởng gần 13%
Theo báo cáo tài chính quý I, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và sau thuế của Vietcombank đạt 11.221 tỷ đồng và 8.992 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông Vietcombank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, ban lãnh đạo ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành và vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra.
Tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank trong quý I đến từ diễn biến tích cực của của hoạt động kinh doanh cốt lõi và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Cụ thể, trong kỳ vừa qua, thu nhập lãi thuần của Vietcombank đạt hơn 14.200 tỷ, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ bất ngở giảm mạnh hơn 46%, xuống còn 1.456 tỷ đồng.
Tổng hợp các mảng kinh doanh, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 18.517 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2022. Trong khi chi phí hoạt động tăng 17% lên 5.274 tỷ đồng, với chi lương và phụ cấp cho nhân viên chiếm một nửa (2.626 tỷ đồng).
Sau khi khấu trừ chi phí hoạt động, lãi thuần của Vietcombank trong quý I đạt 13.243 tỷ đồng, tăng 8,3%. Đây là cầu phần chính giúp lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trong quý I
Trong kỳ vừa qua, Vietcombank đã trích 2.022 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm hơn 11% so với quý I/2022. Qua đó, đóng góp 252 tỷ trong 1.271 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng thêm của ngân hàng.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,174 triệu tỷ, tăng 2,5%. Trong đó, nợ xấu tăng 27,1% lên 9.942 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85%.
NHNN nói gì về việc các ngân hàng thương mại lãi “khủng”?
Báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đề cập đến thực trạng các ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận cao trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất ở mức cao
Theo NHNN, chênh lệch thu nhập - chi phí của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng trong thời gian qua (năm 2022 tăng 10% so với năm 2021).
Tuy nhiên, tốc độ tăng của chênh lệch thu nhập - chi phí thấp hơn tốc độ tăng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nên ROA (tỉ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của hệ thống các ngân hàng giảm so với năm 2021, đạt mức 1,13% và 14,67% tại thời điểm tháng 12/2022.
Kế hoạch thanh tra năm 2023 của NHNN tập trung thanh tra chuyên đề đối với những vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong quý I/2023, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 371 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về cơ cấu thu nhập của các TCTD, thu nhập từ hoạt động tín dụng đóng góp chính vào tổng thu nhập của các TCTD (chiếm 79,6% tổng thu nhập). Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo đó, tỉ trọng của thu nhập từ hoạt động phi tín dụng so với tổng thu nhập toàn hệ thống có xu hướng tăng dần trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng cuối năm 2022 tăng 21,4% so với cuối năm 2021, có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của các ngân hàng thương mại trong trường hợp các khoản lãi phải thu từ hoạt động tín dụng không thu được theo kế hoạch.
Đồng thời, theo NHNN, các khoản nợ xấu tiềm ẩn vẫn ở mức cao, các ngân hàng phải thực hiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-NHNN có thể sẽ làm giảm lợi nhuận tại một số tổ chức tín dụng. (Thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19).
MB nhận giải thưởng Sao Khuê 2023
Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm giải thưởng Sao Khuê, vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2023 tại Hà Nội. Tại sự kiện, hai sản phẩm số của MB là Chợ ứng dụng Mini App (MB Market Place) và Tính năng Phê duyệt cấp hạn mức tự động trên BIZ MBBank phục vụ khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ thắng giải hai hạng mục tương ứng là "Các nền tảng chuyển đổi số" và "Ngân hàng số".
Chợ ứng dụng Mini App (MB Market Place) ghi danh tại hạng mục "Các nền tảng chuyển đổi số". Ảnh: MB |
Chợ ứng dụng Mini App được xây dựng và phát triển nhằm góp phần chuyển đổi App MBBank thành một nền tảng siêu ứng dụng, tích hợp nhiều dịch vụ non-bank (phi ngân hàng) để phục vụ đa dạng nhu cầu của 20 triệu users.
Thấu hiểu về hành vi người dùng thông qua phân tích dữ liệu, chuyên gia công nghệ của MB giúp người dùng tiếp cận đúng dịch vụ, đúng thời điểm và nhu cầu. Chỉ với thao tác đơn giản, người dùng có thể hoàn tất việc mua sắm online, di chuyển, đặt vé máy bay, đặt khách sạn, ship hàng, mua voucher giải trí, ẩm thực... cùng hệ thống thanh toán bảo mật.
Trong tám tháng đầu ra mắt, chợ ứng dụng Mini App đã nhận được sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp, trong đó có những thương hiệu lớn như Viettel, Medlatec, Sendo... Đơn vị đã kết nối thành công dịch vụ kinh doanh của hơn 50 doanh nghiệp khác nhau đến 20 triệu khách hàng của MB thông qua nền tảng số.
Đối với sản phẩm tính năng Phê duyệt cấp hạn mức tự động được xây dựng trên nền tảng BIZ MBBank - ứng dụng ngân hàng số dành cho khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, ngân hàng muốn tối ưu hóa trải nghiệm thông qua việc chủ động đề xuất cấp hạn mức, đồng thời cắt giảm thời gian phê duyệt cấp hạn mức cho doanh nghiệp.
Cụ thể, hệ thống sẽ tự động tính toán giá trị hạn mức và trả kết quả phê duyệt dựa trên các thông tin khách hàng nhập liệu và nguồn tin sẵn có. Sau đó, doanh nghiệp có thể chủ động cung cấp hồ sơ online 100% trên BIZ MBBank thay vì đến chi nhánh để đưa hồ sơ trực tiếp.
Với hai giải thưởng từ Sao Khuê, MB tiếp tục khẳng định sự tích cực trong công cuộc chuyển đổi số. Đây cũng là lần thứ năm liên tiếp (2019-2023) MB nhận giải thưởng này.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 4/5: Nhiều mảng kinh doanh của BaoVietBank giảm sút trong quý