Tin ngân hàng ngày 2/5: Ngân hàng không được “ép” nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp
Tin ngân hàng ngày 1/5: Quý I/2023, ACB lãi trước thuế hơn 5.156 tỷ đồng Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN |
Ngân hàng không được “ép” nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không được gây áp lực đối với nhân viên, đơn vị kinh doanh trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin cho khách hàng, nhà đầu tư mua TPDN, chứng chỉ quỹ để đạt chỉ tiêu đánh giá hiệu quả công việc.
NHNN cũng nêu rõ: Khi cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khách hàng, nhà đầu tư hiểu rõ sự khác biệt giữa đầu tư TPDN, chứng chỉ quỹ với việc gửi tiết kiệm tại ngân hàng; các rủi ro phát sinh, vấn đề cần lưu ý khi đầu tư, đặc biệt là rủi ro không trả được nợ lãi, gốc TPDN phát hành…; quyền lợi, trách nhiệm của khách hàng, nhà đầu tư, bao gồm việc tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch TPDN; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với các hoạt động cung cấp dịch vụ TPDN, chứng chỉ quỹ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm.
Ngoài ra, NHNN yêu cầu các TCTD chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống rà soát, kịp thời có biện pháp giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến hoạt động tư vấn giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp của TCTD cũng như trách nhiệm của TCTD đối với khách hàng, nhà đầu tư theo hợp đồng (nếu có).
Đồng thời, các TCTD đẩy mạnh công tác phổ biến, truyền thông nội bộ để nhân viên, cán bộ hiểu rõ các quy định nội bộ, quy trình nghiệp vụ, chỉ đạo của NHNN và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng cường ý thức tuân thủ, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình thực hiện.
SeABank lãi trước thuế gần 1,070 tỷ đồng trong quý I/2023
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, cho thấy lãi trước thuế gần 1,070 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I, nguồn thu chính tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,796 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 38 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, nhờ thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ gần 357 tỷ đồng (+72%).
Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ giảm 57%, chỉ còn gần 119 tỷ đồng, do giảm thu từ dịch vụ ngân quỹ (-30%), dịch vụ đại lý bảo hiểm (-55%).
Một số nguồn thu ngoài lãi khác cũng giảm như lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh (-8%), lãi từ chứng khoán đầu tư (-53%), lãi từ hoạt động khác (-20%).
Ngân hàng trích hơn 363 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 1, tương đương cùng kỳ, do đó SeABank lãi trước thuế gần 1,070 tỷ đồng, giảm 18%.
Nếu so với mục tiêu lãi 5,633 tỷ đồng lãi trước thuế đề ra cho năm 2023, SeABank đã thực hiện được 19% kế hoạch sau quý đầu tiên.
Tổng tài sản tính đến cuối quý I của Ngân hàng đạt hơn 245,169 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 85% (còn 1,505 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 19% (49,514 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 3% (159,281 tỷ đồng).
Về phía nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ và NHNN giảm 44% (còn 2,131 tỷ đồng), tiền vay các TCTD khác tăng 32% (20,378 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2% (117,695 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/03/2023 của SeABank gần 2,547 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 1,6%.
Eximbank đạt giải Sao Khuê về ngân hàng số
Dịch vụ Eximbank EDigi mang đến trải nghiệm liền mạch trên Internet và mobile, nhận giải Sản phẩm xuất sắc lĩnh vực ngân hàng số của Sao Khuê 2023.
Đại diện Eximbank cho biết, giải thưởng từ VINASA ghi nhận sự đóng góp của Eximbank trong lĩnh vực ngân hàng số nhằm phát triển hệ sinh thái số chất lượng cao để phục vụ người dùng.
Cụ thể, trên EDigi, thay vì dùng hai tên đăng nhập, hai mật khẩu riêng cho dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking thì người dùng chỉ cần một tên đăng nhập và một mật khẩu. Tên đăng nhập là số điện thoại đăng ký dịch vụ với ngân hàng hoặc có thể chủ động đổi tên theo nhu cầu, sở thích.
Nền tảng này hỗ trợ các giao dịch cơ bản như quản lý tài sản, chuyển tiền 24/7, thanh toán hóa đơn, đặt lịch thanh toán, gửi tiết kiệm online... Người dùng còn có thể mua vé máy bay, tàu xe, vé xem phim, đặt phòng khách sạn, mua sắm trực tuyến VnShop, giao hàng, đặt hoa, đặt taxi cùng nhiều tiện ích khác như đóng học phí, phí chung cư, thanh toán các loại hóa đơn...
Ứng dụng tích hợp QR Pay - quét mã VNPAY-QR khi mua sắm, ăn uống tại hơn 200.000 cửa hàng. Tính năng nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT (OTT Alert) thay thế cho việc thông báo qua tin nhắn SMS, giúp tiết kiệm chi phí.
Người dùng chưa sử dụng EDigi có thể tự mở tài khoản trực tuyến thông qua hình thức eKYC (định danh điện tử) ngay trên ứng dụng hoặc đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Eximbank để đăng ký.
Trong thời gian qua, nhà băng không ngừng cải tiến và phát triển để mang đến nhiều dịch vụ mới như: thanh toán thuế qua tài khoản, thẻ liên kết với ứng dụng eTax Mobile của Tổng Cục thuế. Ngân hàng vừa ra mắt thêm ứng dụng Mobile Banking Eximbank EBiz dành cho doanh nghiệp. Giải pháp giúp người điều hành công ty dễ dàng phê duyệt các giao dịch và quản lý tài chính mọi lúc, mọi nơi trên điện thoại di động, máy tính bảng. Ứng dụng cũng được hoàn thiện từ giao diện đến tính năng, tối ưu bảo mật.
KienlongBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank, UPCoM: KLB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm.
Tại ngày 31/3/2023, tổng huy động vốn và dư nợ tín dụng của KienlongBank lần lượt đạt mức 77.576 tỷ đồng (tăng 2,3% so với đầu năm) và 46.710 tỷ đồng (tăng trưởng 2,7%). Tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của KienlongBank là 85.739 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm và tăng gần 5.000 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,33%.
Nguồn thu chính của KienlongBank trong quý vừa qua vẫn đến từ lãi. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt 607,6 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận đạt 112,6 tỷ đồng tăng 73,2% so với cùng kỳ nhờ tăng từ thu dịch vụ.
Sau 3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của KienlongBank đạt 202,13 tỷ đồng và sau thuế là 162 tỷ, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Như vậy, tính đến hết quý đầu tiên của năm, KienlongBank đã hoàn thành 28% so với kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra.
Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, trong quý I/2023 KienlongBank còn đẩy mạnh chính sách đãi ngộ cho cán bộ nhân viên với lương và thu nhập bình quân của nhân sự nhà băng này tăng 10% so với kỳ trước.
Với định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để trở thành một ngân hàng số hiện đại, tiên phong trong lĩnh vực số hóa sản phẩm dịch vụ và cung cấp trải nghiệm ưu việt tới các khách hàng, KienlongBank cho biết đã chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh theo xu hướng kỷ nguyên số với chiến lược số hóa toàn diện, tiến hành chuyển đổi môi trường văn phòng số E-Office trên toàn hệ thống. Ngân hàng cũng đã hoàn thành chuyển đổi thành công hệ thống Core Thẻ Smart Vista và chính thức công bố vận hành thành công hệ thống Ngân hàng lõi - Core Banking.
Ở một diễn biến khác, ngày 27/4 vừa qua KienlongBank đã tổ chức ĐHCĐ thường niên. Năm nay nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng; tổng tài sản dự kiến tăng lên 86.000 tỷ; tổng nguồn vốn huy động vốn dự kiến đạt 78.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15,39% và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 2/5: Ngân hàng không được “ép” nhân viên bán trái phiếu doanh nghiệp