Tin ngân hàng ngày 4/9: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Tin ngân hàng ngày 2/9: Cảnh báo chiêu lừa để tránh mất tiền dịp nghỉ lễ Tin ngân hàng ngày 1/9: Vì sao FE Credit lỗ gần 3.000 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2023? |
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao so với thế giới.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho biết hiện đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.
Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ bằng 1/3 mục tiêu cả năm và ở mức thấp nhất 10 năm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay doanh nghiệp, nhưng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6 mới chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-2 điểm % so với cuối năm 2022, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục.
Bình luận về nghịch lý doanh nghiệp thiếu vốn song dư nợ tín dụng lại tăng rất thấp, tiền “ế” tại hệ thống ngân hàng, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp hiện rất khó tiếp cận tín dụng bởi không còn đủ năng lực, điều kiện vay vốn theo chuẩn ngân hàng. “Thiếu vốn hiện đang là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp, thứ hai là thị trường, đầu ra do nhu cầu trên thế giới giảm, nhiều ngành hàng xuất khẩu đang giảm rất mạnh”, ông Tuấn đánh giá.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa khiến doanh nghiệp không mặn mà với chuyện đi vay là do lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao so với mặt bằng thế giới và khu vực. Khi lãi suất cao thì bài toán kinh doanh, lợi nhuận sẽ không được đảm bảo. Theo đó, việc tiếp tục hỗ trợ lãi suất, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn như hiện nay cần những chính sách đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Nhiều ngân hàng bán thanh lý ô tô với giá rẻ
Để thu hồi nợ vay, nhiều ngân hàng như MSB, VietinBank, VIB... đang tổ chức đấu giá, bán thanh lý tài sản bảo đảm là ô tô các loại. Khá nhiều xe được giới thiệu giá thanh lý thấp hơn so với giá thị trường.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, là ô tô 5 chỗ Nissan Sunny 1.5AT màu trắng, có xuất xứ Việt Nam, đăng ký lần đầu năm 2019. Đây là tài sản bảo đảm của khách hàng nhằm thu hồi nợ vay.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đang rao bán tài sản là ô tô Ford Transit, đăng ký lần đầu năm 2019. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá 522,4 triệu đồng, chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí. Người mua được tài sản phải chịu tất cả khoản thuế, phí, lệ phí... theo quy định.
Một ngân hàng khác đang rao bán hàng loạt ô tô đã qua sử dụng là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Trên website của ngân hàng này, loạt ôtô đủ thương hiệu từ BMW, Chevrolet, Ford, Honda… với nhiều mức giá khác nhau được thanh lý, bán đấu giá. Trong đó, nhiều xe được giới thiệu giá thanh lý thấp hơn so với giá thị trường. Như chiếc BMW 730l biển số 51F, sản xuất năm 2016, đã sử dụng được hơn 107.000km, được VIB rao bán giá khởi điểm hơn 1,22 tỉ đồng, trong khi giá thị trường hơn 2,28 tỉ đồng.
Một chiếc BMW GT 528l biển 61A được VIB thanh lý với giá khởi điểm hơn 666 triệu đồng, giá thị trường là khoảng 790 triệu đồng. Đây là chiếc xe được sản xuất năm 2014, đã qua sử dụng.
Không chỉ xe của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, một số ngân hàng còn thanh lý cả xe chở tiền. Như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Bắc Giang rao bán đấu giá xe chở tiền đã qua sử dụng, sản xuất tại Hàn Quốc năm 2009. Xe có giá khởi điểm 128,8 triệu đồng, không bao gồm các loại thuế, phí…
BIC ưu đãi 20% phí bảo hiểm tai nạn mở rộng
Chào mừng Quốc khánh 2/9, từ ngày 1/9/2023 đến ngày 15/09/2023, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) triển khai chương trình khuyến mại “Ưu đãi tưng bừng, mừng Quốc khánh 2/9”, giảm 20% phí bảo hiểm tai nạn mở rộng.
Bảo hiểm tai nạn mở rộng bảo vệ khách hàng trước những rủi ro với thân thể, tính mạng do ốm đau, bệnh tật, tai nạn. So với sản phẩm bảo hiểm tai nạn tiêu chuẩn của BIC, sản phẩm này được bổ sung các quyền lợi mở rộng hơn như trợ cấp nằm viện và phẫu thuật do ốm đau, bệnh tật…
Bảo hiểm tai nạn mở rộng gồm 04 chương trình có mức phí và quyền lợi linh hoạt, phù hợp với khách hàng có độ tuổi từ 01 đến 65 tuổi. Tổng mức chi trả của sản phẩm lên tới 100.000.000 đồng, trợ cấp nằm viện tới 60 ngày/năm. Đặc biệt, bảo hiểm tai nạn mở rộng có mức phí rất hấp dẫn, chỉ từ 5.000 đồng/tháng.
Để tham gia bảo hiểm tai nạn mở rộng và tận hưởng những ưu đãi của chương trình, khách hàng có thể liên hệ các phòng kinh doanh, công ty thành viên hoặc đại lý của BIC trên toàn quốc. Đặc biệt, khách hàng cũng có thể lựa chọn các kênh bảo hiểm trực tuyến của BIC như website mybic.vn, ứng dụng BIC Online hoặc BIDV SmartBanking (miễn phí trên iOS và Android) để mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ trong vài phút với những thao tác đơn giản, khách hàng có thể hoàn thành toàn bộ việc mua bảo hiểm và nhận giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử ngay sau khi đặt mua thành công. Đặc biệt, BIC cũng hỗ trợ khách hàng khai báo hồ sơ bồi thường và nhận tiền bảo hiểm tai nạn mở rộng đơn giản và nhanh chóng qua các kênh online.
Ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 8, có tới 10 đợt phát hành trái phiếu của các ngân hàng với giá trị phát hành lên tới hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, ACB có 3 đợt phát hành với tổng giá trị 6.500 tỷ đồng, MSB phát hành 1.000 tỷ đồng, OCB 2.000 tỷ đồng, BacABank 800 tỷ đồng, BIDV 700 tỷ đồng…
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Hội đồng quản trị HDBank cũng vừa thông qua phương án phát hành ra công chúng tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu được phát hành nhằm mục đích bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn và phục vụ nhu cầu vay của khách hàng.
Như vậy, phát hành trái phiếu ngân hàng bất ngờ nóng trở lại 2 tháng gần đây sau khi “đóng băng” suốt nửa đầu năm nay. Nguyên nhân là nhiều đơn vị kiểm toán từ chối xác nhận tình hình sử dụng trái phiếu của các ngân hàng, khiến việc phát hành mới bế tắc.
Cụ thể, theo quy định của Nghị định 65 của Chính phủ quy định mua bán trái phiếu, tất cả doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình sử dụng vốn trái phiếu còn dư nợ được kiểm soát bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
Sau phát hành số tiền mà các ngân hàng huy động được từ trái phiếu với nguồn khác (tiền gửi dân cư, chứng chỉ tiền gửi…) được hòa làm một, nên kiểm toán khó xác định “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương”.
Tuy nhiên, khó khăn này đã được tháo gỡ cuối quý II/2023 khiến phát hành trái phiếu ngân hàng hai tháng gần đây tăng trở lại.
Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn. Cụ thể, OCB là ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất với 3.000 tỷ đồng, chia làm 3 đợt. Các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn tiếp theo là Sacombank (1.300 tỷ đồng, chia làm 2 đợt), HDBank (1.000 tỷ), MSB (1.000 tỷ), VIB (300 tỷ, chia làm 2 đợt).
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 4/9: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn