Tin ngân hàng ngày 5/1: HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho công nhân vay với lãi suất cực thấp đón Tết
Tin ngân hàng ngày 4/1: Mạo danh ngân hàng huy động gửi tiền với lãi suất hơn 16%/năm Tin ngân hàng ngày 3/1: Hơn 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số |
HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho công nhân vay với lãi suất cực thấp đón Tết
Nhằm hỗ trợ công nhân, người lao động đón Tết, HDBank, HD SAISON dành 10.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất cực thấp, chỉ bằng 50% so với lãi suất hiện hành, giúp công nhân, người lao động đón năm mới vui tươi.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, HD SAISON sẽ hỗ trợ tài chính cho người lao động, công nhân làm việc tại khu công nghiệp, chế xuất thông qua hình thức cho vay tiền mặt qua ứng dụng và mở thẻ tín dụng.
Với nhiều tiện ích: vay qua App HD SAISON dễ dàng 24/7, giải ngân nhanh, kỳ hạn vay lên tới 24 tháng, lãi suất vay ưu đãi cực thấp…, đây là cơ hội đặc biệt cho người lao động thu nhập thấp thoải mái mua xe máy, xe ô tô, đồ dùng gia đình, vé máy bay, vay tiền mặt… dịp cuối năm.
Đặc biệt, khi dùng app HD SAISON, người dùng chỉ cần chưa đến 5 phút để tạo thành công đơn vay. Với công nghệ nhận dạng ký tự quang học OCR tiên tiến, người dùng không cần nhập liệu mà hệ thống sẽ tự cập nhật thông tin qua hình chụp chứng từ giúp thời gian thẩm định hồ sơ sẽ diễn ra nhanh chóng.
Ngoài ra, app HD SAISON được phát triển dựa trên thuật toán AI thông minh nhận diện khuôn mặt, giúp loại bỏ được việc giả mạo người vay và hành vi sử dụng giấy tờ không chính chủ. App HD SAISON chính là yếu tố cộng hưởng cùng với mạng lưới hơn 24.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên cả nước, giúp nhiều khách hàng dễ dàng tiếp cận gói vay.
Ngay khi công bố, đã có hơn 1 triệu công nhân, người lao động tại 11 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Nghệ An, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh đã được tiếp cận nguồn vốn vay 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất từ HDBank và HD SAISON.
Có thể nói, gói vay này đã giúp nhiều công nhân giải được bài toán chi tiêu dịp cuối năm. Được biết, HDBank sẽ đồng hành HD SAISON gấp rút triển khai gói vay ưu đãi lãi suất tốt nhất thị trường này đến các người lao động trên toàn quốc.
Ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng năm 2023
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, mục tiêu ưu tiên cao nhất của điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc NHNN, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế vừa mới nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái, và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với một năm 2023 khó khăn hơn.
Trong nước, lạm phát cơ bản đang có xu hướng tăng cao trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, những khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản.
Bởi vậy, lãnh đạo NHNN cho hay, năm 2023, NHNN sẽ tập trung vào một số mục tiêu lớn.
Mục tiêu đầu tiên là tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Thứ ba, điều hành tín dụng phù hợp, góp phần duy trì đà phục hồi của nền kinh tế; hướng dòng vốn tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ tư, phối hợp các Bộ, ngành để tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường.
Quét mã QR lọt top 3 thanh toán được chấp nhận nhiều nhất năm 2022
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Công nghệ (SAPO), quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và giãn cách xã hội đã tác động và tạo ra nhiều thay đổi trong lĩnh vực thanh toán và vận chuyển.
Tiền mặt quay trở lại ngôi vị số 1 trong nhóm phương thức thanh toán được người mua hàng sử dụng nhiều nhất và nhà bán hàng chấp nhận, chiếm gần 29,5% tỷ trọng. Năm 2021, hình thức thanh toán không tiền mặt - chuyển khoản lần đầu tiên vượt qua Tiền mặt và lên vị trí top 1.
Tuy nhiên, năm 2022, chuyển khoản đã lùi xuống thứ 2, chiếm gần 28% tỷ trọng. Sự bùng nổ của hình thức quét mã QR ngân hàng trong năm 2022 đã đưa phương thức này lên top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất, chiếm gần 16,7% tỷ trọng, vượt qua ví điện tử (gần 13,3%). Phong trào ngân hàng số - chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng năm 2022 cũng tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ.
Thế nhưng, chuyển khoản lại được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ tiện lợi, dễ dàng sử dụng và đối soát (8,8/10 điểm). Xếp hạng tiếp theo là tiền mặt (8,5 điểm), ví điện tử (8,3 điểm), quét mã QR ngân hàng (8,2 điểm).
Hình thức mua trước trả sau mới được ra mắt và tích hợp trên sàn thương mại điện tử trong năm 2022 nên chưa được sử dụng nhiều và chỉ đạt 2,6 điểm tiện lợi. Các phương thức thanh toán mới cần thêm nhiều thời gian để chinh phục thị trường bán lẻ.
Về vận chuyển, top 5 hình thức được sử dụng nhiều nhất và ưa chuộng nhất là sử dụng trực tiếp các hãng vận chuyển (29,8%), nhân viên, chủ cửa hàng tự vận chuyển (22,8%), vận chuyển qua đối tác giao hàng của sàn thương mại điện tử (14,9%), gọi shipper lẻ, xe ôm (10,9%), gửi xe khách, tàu hỏa (8,9%).
Đáng chú ý, năm 2022, giá cả đã quay trở lại vị trí top 1 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển. Năm 2021, yếu tố được chú trọng nhất là thời gian giao hàng, do quá trình giao vận bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển được các nhà bán hàng đánh giá khá đồng đều, bao gồm chất lượng giao nhận (26,1%), thời gian giao hàng (24,1%), thái độ shipper và chăm sóc khách hàng (19,1%)
Tháng 2/2022, áp dụng một số quy định mới về hoạt động mua bán nợ
Theo Thông tư 18/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), một số quy định mới về hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ được áp dụng từ tháng 2/2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thông tư 18 không áp dụng đối với hoạt động mua, bán nợ xấu giữa TCTD và Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); hoạt động mua, bán nợ phát sinh từ hợp đồng vay, cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một trong những nội dung quy định trong Thông tư 18 là việc TCTD được NHNN xem xét chấp thuận hoạt động mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Trước khi thực hiện mua, bán nợ theo quy định, TCTD phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Trong đó, nội dung phải quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ, phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ.
TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ thuộc sở hữu của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng quy định một số trường hợp TCTD không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ.
Đó là các trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn; TCTD được kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD hỗ trợ theo phương án phục hồi; ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc… và một số trường hợp khác.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 5/1: HDBank dành 10.000 tỷ đồng cho công nhân vay với lãi suất cực thấp đón Tết