Tin ngân hàng ngày 5/10: Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt
Tin ngân hàng ngày 4/10: Nhiều nghiệp vụ cơ bản của ngành ngân hàng đã được số hóa 100% Tin ngân hàng ngày 3/10: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với áp lực phá giá VND |
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt
Theo thống kê, trên thị trường 1, ngày 3/10 thị trường đón thông tin lãi suất huy động VND đã có mức cao tới 8,4%/năm áp dụng cho các món gửi nhỏ từ 10 triệu đồng. Đây là hình thức huy động theo chứng chỉ tiền gửi.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngay lập tức đã có thêm một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng thực hiện huy động qua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn, 8,5%/năm, cũng áp cho những khoản tiền gửi món nhỏ.
Điểm được chú ý, qua thông tin nhân viên ngân hàng chào chứng chỉ tiền gửi tới khách hàng, mặc dù kỳ hạn dài và được rút trước hạn nhưng đã có hình thức mời theo lãi suất bậc thang.
Ví dụ khách gửi kỳ hạn 18 tháng lãi suất 8,5%/năm, nhưng rút trước hạn với 6 tháng cộng 1 ngày thì lãi suất sau giảm trừ vẫn được nhận tới 6,7%, 12 tháng cộng 1 ngày vẫn được sau giảm trừ 7,2%/năm…
Trao đổi với báo chí, một số cán bộ ngân hàng băn khoăn khi tiếp nhận thông tin chào gửi và mua chứng chỉ tiền gửi theo hướng bậc thang nói trên, bởi trong gửi tiết kiệm thông thường hiện không được áp dụng mức độ bậc thang như vậy trong trường hợp khách hàng rút tiền trước hạn, còn chứng chỉ tiền gửi như trên lại áp dụng?
Một lãnh đạo NHTM cho biết, khi các ngân hàng khác nâng lãi suất huy động lên tầm 8,4-8,5%/năm thì ngân hàng mình cũng buộc phải nhập cuộc, không hẳn vấn đề thanh khoản và tăng cường huy động vốn bằng mọi giá mà là để giữ chân khách hàng cũ. Theo đó, cạnh tranh lãi suất huy động đã “nóng” dần lên.
Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND sáng ngày 4/10 đã có biến động mạnh, tăng vọt ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất VND qua đêm có những giao dịch chào vay lên tới gần 8%/năm, đột biến so với quanh 5%/năm trong tuần qua; các kỳ hạn khác cũng đã giao dịch quanh 7,5%/năm.
Trước diễn biến này, ngày 3/10, trên thị trường mở (OMO) cũng đã cho tín hiệu về trạng thái căng dần lên của thanh khoản hệ thống. Ngân hàng Nhà nước vẫn phát hành tín phiếu để hút tiền về nhưng hoàn toàn không có khối lượng trúng thầu. Ngược lại, ở kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước đã phải bơm ra hỗ trợ suýt soát 3.000 tỷ đồng và đáng chú ý là lãi suất đã lên tới 6,3%/năm.
Như vậy, tại thời điểm này, thị trường đang chứng kiến cùng lúc lãi suất VND tăng mạnh trên thị trường liên ngân hàng, cạnh tranh nóng lên trên thị trường 1 với huy động vốn dân cư và doanh nghiệp, trong khi tỷ giá USD/VND vẫn tăng lên theo hướng VND xuống giá.
Ngân hàng Quân đội lãi 14.500 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đạt 17% trên tổng hạn mức được cấp 18,2%. NIM tiếp tục cải thiện nhờ kiểm soát chi phí huy động và tập trung cho vay có khả năng trả lãi suất cao. Các công ty con của MB cũng lãi gần 2.000 tỷ đồng.
Về tổng thể, VDSC lạc quan với triển vọng tăng trưởng tổng thu nhập của MB nhờ hạn mức tăng trưởng tín dụng thuộc hàng cao nhất trong ngành và khả năng mở rộng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM). Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đạt 17% trên tổng hạn mức được cấp 18,2%, trong đó 50% hạn mức mới (3,2%) được phân bổ cho phân khúc khách hàng cá nhân phục vụ các nhu cầu sản xuất kinh doanh và mua nhà.
NIM tiếp tục cải thiện trong tháng 7 và tháng 8 nhờ MB kiểm soát chi phí huy động và tập trung cho vay các khách hàng và ngành nghề có khả năng trả lãi suất cao. Trong hai tháng đầu quý III, chi phí huy động ổn định trong khi lợi suất cho vay toàn hàng tăng 10 điểm cơ bản so với quý II. Việc tăng phát hành trái phiếu trung hạn và dài hạn từ đầu tháng 4 đã và sẽ giúp MB giảm áp lực huy động từ khách hàng trong giai đoạn lãi suất tăng từ đầu năm đến nay và có xu hướng tăng mạnh hơn trong các tháng cuối năm.
Đợt nới trần lãi suất tiền gửi trong tháng 9 vừa qua của NHNN đã làm giảm tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MB từ 45% cuối quý II về 43% cuối tháng 8. Với dự báo lãi suất huy động trong các tháng cuối năm sẽ còn tăng mạnh hơn nữa, ban lãnh đạo nhận định sự suy giảm tỷ lệ CASA sẽ rõ ràng hơn trong các tháng tiếp theo khiến NIM trong 6 tháng đến 1 năm tới có thể giảm nhẹ hoặc đi ngang, do kỳ tái định lãi suất trung bình 3 đến 6 tháng tùy khoản vay.
Về dài hạn, NIM sẽ tiếp tục tăng nhờ tỷ lệ cho vay/huy động còn thấp, tỷ trọng cho vay bán lẻ tăng và cho vay mua nhà tăng. MB đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ từ 34% hiện nay lên 50-55% trong các năm tới.
VDSC cũng đồng quan điểm với ngân hàng về khả năng thu nhập phí trong các tháng cuối năm có thể tiếp tục suy yếu.
Tổng Giám đốc HDBank đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu HDB
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM ( HDBank) đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB, dự kiến giao dịch từ 07/10/2022.
Mục đích giao dịch nhằm để đầu tư và sẽ được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Đây là lần thứ hai trong năm nay vị Tổng Giám đốc HDBank đăng ký mua vào. Trước đó hồi tháng 3/2022, ông Thanh đã hoàn tất mua vào 1 triệu cổ phiếu HDB.
Theo tìm hiểu, ông Phạm Quốc Thanh được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc HDBank từ tháng 3/2020, và trong hơn 2 năm qua đã dẫn dắt HDBank ứng phó linh hoạt và hiệu quả trước tác động của đại dịch để tăng trưởng cao, chất lượng tài sản và các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo tốt so với ngành. HDBank cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong các mảng kinh doanh bảo hiểm, thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt, tín dụng xanh, nông nghiệp nông thôn, tài trợ chuỗi.
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.304 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ và hoàn thành 54% kế hoạch năm. Thu thuần từ dịch vụ riêng lẻ tăng trên 113% so với cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 0,93%. Tỷ lệ lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và lãi ròng trên tài sản (ROAA) đạt lần lượt 25,6% và 2,24%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh tích cực, dư địa phát triển còn nhiều trong khi định giá cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị thực khiến cổ phiếu HDB thời gian qua luôn được giới nhà đầu tư. Từ đầu năm 2022 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 20 triệu cổ phiếu HDB và “room ngoại” thường xuyên được lấp đầy.
BIDV tặng nhiều ưu đãi cho khách gửi tiết kiệm
Mới đây, BIDV triển khai chương trình "Tiết kiệm mùa vàng - Rộn ràng tài lộc" dành cho khách gửi tiết kiệm tại quầy, gửi trực tuyến, với tổng giải thưởng gần 9 tỷ đồng. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/10/2022.
BIDV tặng nhiều ưu đãi cho khách gửi tiết kiệm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, khách hàng gửi mới hoặc quay vòng tiền gửi tiết kiệm tại các chi nhánh BIDV kỳ hạn 1-12 tháng, trả lãi cuối kỳ, hàng tháng với số tiền từ 300 triệu đồng sẽ nhận quà tặng tiền mặt. Khách hàng gửi càng nhiều, số lượng quà tặng càng lớn.
Với mỗi tài khoản tiền gửi tiết kiệm đáp ứng điều kiện, khách hàng sẽ nhận một mã số dự thưởng tham gia quay số cuối chương trình.
Khách hàng gửi tiền online trên ứng dụng BIDV SmartBanking sẽ nhận lãi suất cao hơn 0,3% mỗi năm so với lãi suất niêm yết tại quầy. Với một tài khoản tiết kiệm online tối thiểu từ 200 triệu đồng kỳ hạn 1-12 tháng sẽ nhận hai mã dự thưởng tham gia quay số cuối chương trình.
Với mỗi tài khoản tiền gửi Tích lũy online, Tích lũy Ước mơ hoặc Tích lũy An Phú Gia trên BIDV SmartBanking với số tiền gửi lần đầu từ 10 triệu đồng, khách hàng sẽ nhận hai mã dự thưởng tham gia quay số.
Chương trình quay số có hơn 400 giải thưởng với một giải nhất trị giá 500 triệu đồng, ba giải nhì mỗi giải 50 triệu đồng, 65 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng. Ngân hàng cũng trao hàng trăm giải khuyến khích, mỗi giải 500.000 đồng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 5/10: Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng vọt