Tin ngân hàng ngày 5/7: Vì sao tình trạng "ế tiền" vẫn tồn tại dù lãi suất giảm?
Tin ngân hàng ngày 4/7: PGBank thay đổi loạt nhân sự cấp cao Tin ngân hàng ngày 3/7: Vạch trần các chiêu trò rửa tiền thông qua ngân hàng |
Vì sao tình trạng "ế tiền" tại ngân hàng vẫn tồn tại dù lãi suất giảm?
Lý giải nguyên nhân này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên nhu cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trả lời về vấn đề tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/7, ông Đào Minh Tú cho biết năm nay lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần.
Tính đến hết tháng 6, tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7-0,8%, lãi suất cho vay bình quân giảm 1-1,2%. Thậm chí, nhiều ngân hàng có gói lãi suất giảm sâu cho đối tượng, lĩnh vực có sự ưu đãi của Nhà nước.
Về dư nợ tín dụng, ông Tú cho biết từ đầu năm NHNN xác định tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, nhưng đến nay mới tăng được khoảng 4,2%, đạt hơn 12 triệu tỷ đồng. Room tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay.
"Thanh khoản của ngân hàng thương mại đang thừa chứ không hẳn 'ế tiền'. Một số nước tăng trưởng tín dụng còn âm, dù Việt Nam hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng, nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh", ông nói.
Lý giải nguyên nhân, ông Tú cho rằng do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp nên nhu cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, nhiều dự án chưa triển khai được dù ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng bất động sản.
"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đây rất khó tiếp cận tín dụng nay càng khó hơn. Để gỡ khó, các hiệp hội doanh nghiệp và NHNN đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với các doanh nghiệp này", ông nói.
Tuy nhiên, theo Phó thống đốc, cũng có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.
Lãnh đạo NHNN cho biết NHNN đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm.
Nhiều ngân hàng thanh lý xe ô tô chở tiền, giá khởi điểm ngang giá xe máy
VietABank vừa qua thông báo thanh lý 1 chiếc xe ô tô chở tiền hiệu Mitsubishi Pajero sản xuất năm 2005, 5 chỗ ngồi, màu Bạc. Xe có giá khởi điểm 40 triệu đồng, thực hiện bán thanh lý theo hình thức chào giá cạnh tranh trực tiếp, lựa chọn đơn vị trả giá cao nhất (cao hơn giá khởi điểm công bố).
PGBank cũng thông báo thanh lý 1 chiếc xe ô tô chở tiền hiệu Mitsubishi Pajero 5 chỗ ngồi, màu Bạc. Xe sản xuất năm 2007 và đã qua sử dụng hơn 500.000 km. Theo mô tả của ngân hàng, xe hiện bị hỏng, có thể nổ máy nhưng không chạy được. Giá khởi điểm chiếc xe là 135 triệu đồng. Đối tượng tham gia chào mua bao gồm cán bộ nhân viên ngân hàng và các cá nhân, tổ chức bên ngoài có nhu cầu mua.
Nhiều chiếc xe chở tiền qua sử dụng lâu năm cũng được các ngân hàng khác đưa ra thanh lý, với giá khởi điểm thường trên 100 triệu đồng. Chẳng hạn như VietinBank chi nhánh 12 Tp.HCM sẽ đấu giá xe chở tiền Mitsubishi Pajero V6 với giá từ 146 triệu đồng trong tháng 7 này.
Agribank Nam Định đang bán đấu giá chiếc ô tô chở tiền 5 chỗ ngồi hiệu Mitsubishi màu xanh, sản xuất năm 2008 với giá khởi điểm 121,5 triệu đồng. Hồi tháng 4, Agribank chi nhánh Hà Tĩnh cũng đưa ra đấu giá 3 chiếc xe ô tô chở tiền, đều hiệu Mitsubishi Pajero sản xuất năm 2008. Giá khởi điểm những chiếc xe này là 129 – 146 triệu đồng.
Khi xe ô tô chuyên dụng chở tiền sử dụng được một thời gian dài, ngân hàng thường sẽ thanh lý để đổi sang xe mới an toàn và có trang bị hiện đại hơn. Xe chuyên dụng chở tiền tại Việt Nam thường là Mitsubishi Pajero, Hyundai, Ford Everest, Toyota Fortuner… có đặc điểm chung là rộng rãi, thích hợp để có khoang chở tiền đủ rộng và an toàn.
Xe chở tiền của ngân hàng có ưu điểm là đảm bảo các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ. Người mua không phải lo lắng về nguồn gốc của xe hay các vấn đề liên quan chủ sở hữu cũ như những chiếc xe khác. Các loại xe chở tiền thường rộng rãi, có khóa cửa an toàn, đặc biệt phù hợp với những người có nhu cầu mua xe chở đồ. Nhiều chiếc xe có giá khá hời, thấp hơn nhiều so với thị trường. Tuy nhiên, những chiếc xe thanh lý này thường đã qua sử dụng hàng chục năm, bị trầy xước và hao mòn. Nếu mua xe thanh lý của ngân hàng, người mua sẽ phải tham gia đấu giá và thực hiện khá nhiều thủ tục đi kèm.
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm 4 doanh nghiệp bảo hiểm
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm Prudential, MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife và tiếp tục công bố.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều 4/7, phóng viên đặt câu hỏi về Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội có yêu cầu Chính phủ thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Xin Bộ Tài chính cho biết kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của Quốc hội?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, sẽ có kế hoạch triển khai thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, trong đó có tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
“Việc này không phải khi có Nghị quyết của Quốc hội chúng tôi mới làm mà đây là chức năng và nhiệm vụ. Trong thời gian vừa qua, thông qua giám sát và thông tin phản ánh từ thị trường, từ các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính đã triển khai công tác thanh tra”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Theo đó, ngày 30/6 Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính cũng đang triển khai thông qua quy trình thanh tra, sau một thời gian ngắn nữa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của những công ty này và tiếp tục công bố.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, theo kế hoạch năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp, trong đó thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm, 3 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong đó, tập trung vào liên kết trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp này với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại và hướng các nội dung thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để thị trường bảo hiểm hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024.
BIDV được vinh danh về dịch vụ ngoại hối
Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) được tạp chí quốc tế The Asian Banker (TAB) lần thứ 2 bình chọn là Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Giải thưởng ghi nhận kết quả hoạt động của BIDV trong lĩnh vực ngoại hối. Theo đó, ngân hàng đã tạo sự khác biệt trong chiến lược phát triển, hướng đến đa dạng tiện ích công nghệ phục vụ khách hàng, linh hoạt sản phẩm giao dịch, phòng ngừa rủi ro, cũng như không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm tư vấn chuyên biệt theo từng nhu cầu của khách hàng.
Là định chế tài chính lâu đời, có mạng lưới giao dịch trải dài khắp cả nước, BIDV chủ động và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp vào những giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều thách thức, ngay cả trong thời điểm thanh khoản khó khăn.
Không chỉ cung cấp đa dạng giải pháp phòng ngừa rủi ro, biến động bất lợi từ tỷ giá, lãi suất, nhà băng này còn triển khai các chương trình ưu đãi, xây dựng các gói sản phẩm bán chéo linh hoạt, thông qua việc kết hợp giữa mua - bán ngoại tệ với các sản phẩm tiền gửi, tín dụng, tài trợ thương mại, chuyển tiền...
Trong xu thế phát triển nói chung, BIDV tiếp tục kiên định theo đuổi mục tiêu cải tiến công nghệ, triển khai các tính năng nổi bật như hệ sinh thái số Omni BIDViBank. Đây là hệ sinh thái dành cho các tổ chức với trải nghiệm đồng nhất trên hai nền tảng website và mobile app khi thực hiện giao dịch mua bán ngoại tệ, cũng như đa dạng các dịch vụ ngân hàng khác. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng ra mắt tính năng mới trên ứng dụng BIDV Smartbanking, hỗ trợ khách hàng cá nhân mua và chủ động lựa chọn địa điểm nhận tiền mặt phù hợp.
Đến nay, với hai nền tảng công nghệ chủ đạo là BIDViBank và BIDVSmartbanking, khách hàng tổ chức và cá nhân có thể mua, bán nhiều loại ngoại tệ tiền mặt hoặc chuyển khoản theo nhu cầu thanh toán chỉ bằng thao tác trực tuyến đơn giản.
Hiện, BIDV phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng mỗi năm, bao gồm tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nước ngoài... với tổng doanh số mua bán lên tới hàng chục tỷ USD.
The Asian Banker là tạp chí uy tín tại châu Á trong lĩnh vực tài chính ngân hàng với lượng độc giả lớn trong khu vực và trên thế giới.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 5/7: Vì sao tình trạng "ế tiền" vẫn tồn tại dù lãi suất giảm?