Tin ngân hàng ngày 6/12: Lãi suất tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng giảm
Tin ngân hàng ngày 5/12: Techcombank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 4/12: Ngân hàng Bản Việt hoàn tất mua lại trước hạn 100 tỷ đồng trái phiếu |
Lãi suất tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng giảm
Theo biểu lãi suất niêm yết trên website của nhiều ngân hàng, lãi suất tiếp tục được điều chỉnh theo xu hướng giảm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, ngân hàng Eximbank vừa giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng xuống 4,9%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cũng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất xuống 5,5%/năm.
Các kỳ hạn còn lại, lãi suất giữ nguyên với kỳ hạn 1-2 và 3 tháng lần lượt là 3,6%-3,7% và 3,9%/năm. Kỳ hạn 9 tháng là 5,3%/năm, kỳ hạn 15 tháng là 5,6%/năm. Kỳ hạn 18-36 tháng có lãi suất 5,7%/năm, là mức cao nhất tại Eximbank.
Kể từ đầu tháng 12 đến nay, ba ngân hàng giảm lãi suất huy động là Eximbank, HDBank và Techcombank.
Trong tuần trước, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục điều chỉnh giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 10-30 điểm cơ bản. Lãi suất ở các Ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) giảm về thấp nhất trong lịch sử, chỉ từ 4,3%-4,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Hiện chỉ còn một số ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 6% đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay là 6,5% thuộc về HDBank với kỳ hạn tiền gửi 18 tháng, dành cho khách hàng thông thường.
Tại ACB, lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng đang niêm yết là 4,6%/năm, nhưng “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng gửi tiền từ 200 tỷ đồng trở lên là 5,6%/năm.
MSB đang huy động tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng với lãi suất 5,1%/năm, tuy nhiên khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất lên đến 9%/năm khi số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Lãi suất huy động cao nhất thị trường hiện nay tại PVCombank, kỳ hạn 12 và 13 tháng lên tới 10,5%/năm. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Nếu chỉ gửi 1.999 tỷ đồng, lãi suất nhận về cũng chỉ lần lượt 5,4% và 5,6% cho hai kỳ hạn này.
VietinBank muốn bán khoản nợ xấu gần 1.500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết đang tiến hành các thủ tục để đấu giá công khai khoản nợ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà (Công ty Võ Thị Thu Hà) để thu hồi nợ.
Khoản nợ này bao gồm toàn bộ dư nợ (dư nợ gốc, lãi trong hạn, lãi phạt quá hạn) của khách hàng Công ty Võ Thị Thu Hà tại VietinBank Chi nhánh 7, TP HCM phát sinh từ hai hợp đồng tín dụng được ký lần lượt tháng 10 và 11 năm 2013.
Tổng giá trị khoản nợ tạm tính đến hết ngày 31/10/2023 là hơn 1.494 tỷ đồng (trong đó dư nợ gốc 567,4 tỷ đồng, nợ lãi trong hạn 623,8 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn 303 tỷ đồng).
Đảm bảo cho nghĩa vụ nợ hiện tại là các tài sản theo các Hợp đồng thế chấp còn hiệu lực gồm: 5 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Khu phố 1, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; 4 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; 4 kho, công trình xây dựng, máy móc thiết bị tại tỉnh Đồng Tháp; hàng hóa thế chấp theo các hợp đồng thế chấp dựa trên hợp đồng mua bán, hóa đơn, phiếu nhập kho.
VietinBank đưa ra giá khởi điểm bán đấu giá của khoản nợ này chỉ 142 tỷ đồng, tương đương chỉ 10% giá trị khoản nợ.
Ngân hàng lưu ý các khoản nợ được bán đấu giá theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy. Người tham gia đấu giá có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ pháp lý khoản nợ và tự xác định tình trạng của khoản nợ, tình trạng tài sản bảo đảm của khoản nợ, giá trị ghi sổ của khoản nợ và tự chịu trách nhiệm với các rủi ro xảy ra (nếu có) sau khi đấu giá thành công khoản nợ.
Ngoài thông tin liên quan đến khoản nợ do người có tài sản cung cấp, người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tự tìm hiểu, tự xác định tình trạng pháp lý của khoản nợ
Công ty Võ Thị Thu Hà được thành lập năm 2011, từng là điểm sáng trong mô hình phát triển cánh đồng liên kết. Giai đoạn 2011-2015, doanh nghiệp này cùng lúc liên kết với hàng chục HTX ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân. Công ty còn hỗ trợ 20% chi phí về giống và vật tư nông nghiệp cho người nông dân thông qua các HTX.
Dư nợ tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 30/9, dư nợ cấp tín dụng xanh đã đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4 tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” diễn ra ngày 4/12, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.
Đến 30/9, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt hơn 564.000 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong số 12 lĩnh vực xanh, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%).
Hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2,67 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Trong khi đó bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, từ nguồn vốn tài trợ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên cả nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La).
“Doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 30.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Dư nợ đạt 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng”, bà Bình nói.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, Việt Nam cần lượng vốn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh, như năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, xử lý chất thải…
Ước tính gần đây của IFC cho rằng đầu tư cho các hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể lên tới 757 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nguồn vốn tín dụng xanh từ các tổ chức quốc tế đóng vai trò tạo đà cho phát triển thị trường.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, để tín dụng xanh phát triển cần tiếp hoàn thiện hành lang pháp lý. Trong đó, có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh.
VPBank tiên phong triển khai tính năng lãi suất và giải ngân linh hoạt đối với các khoản vay tín chấp
Nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng giai đoạn cuối năm, VPBank chính thức triển khai tính năng lãi suất linh hoạt, giải ngân linh hoạt đối với khách hàng cá nhân vay vốn không tài sản bảo đảm (vay tín chấp) trên ứng dụng Ngân hàng số VPBank NEO.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Lãi suất linh hoạt là cơ chế điều chỉnh lãi suất cho vay dựa trên lịch sử thanh toán khoản vay của khách hàng, áp dụng cho các khoản vay tín chấp theo các sản phẩm VPBank hỗ trợ trong từng thời kỳ và đang không trong thời gian ân hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi.
Cụ thể, đối với các khoản vay không bị nợ quá hạn trong thời gian xét duyệt, lãi suất khoản vay sẽ được giảm 0,5% trên mỗi lần điều chỉnh và tối đa giảm đến 3% so với lãi suất tại thời điểm giải ngân. Thời gian xét duyệt đối với khoản vay có thời hạn vay dưới 12 tháng là 30 ngày và khoản vay có thời hạn vay trên 12 tháng là 90 ngày tính đến ngày điều chỉnh lãi suất. Việc áp dụng lãi suất linh họat sẽ giúp giảm lãi suất vay, thúc đẩy khách hàng thanh toán khoản vay đúng hạn, đảm bảo lịch sử tín dụng của chính khách hàng.
Giải ngân linh hoạt là tính năng cho phép khách hàng được giải ngân khoản vay thành nhiều lần theo tỷ lệ có sẵn nhưng vẫn đảm bảo tổng số tiền giải ngân cho khách hàng bằng số tiền đã được phê duyệt trong vòng 90 ngày, áp dụng đối với các khoản vay từ 50 triệu đồng trở lên và thời hạn vay tối thiểu 12 tháng.
Việc giải ngân linh hoạt không chỉ giúp khách hàng kiểm soát nguồn tiền phù hợp nhu cầu vốn của bản thân, mà còn tiết kiệm được tiền lãi vay vì lãi suất chỉ tính trên số tiền khách hàng nhận nợ thực tế. Ngoài ra, khách hàng không cần nộp lại hồ sơ cho các lần giải ngân tiếp theo của khoản vay này.
Với mục tiêu trở thành một ngân hàng đa năng, dẫn đầu về năng lực triển khai, sáng tạo, đồng thời kiến tạo các giá trị mới thông qua các giải pháp tài chính toàn diện, VPBank luôn nỗ lực phát triển, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Từ đầu năm đến nay, VPBank đã tích cực triển khai hàng loạt chương trình, sản phẩm, dịch vụ thiết thực cho khách hàng cá nhân như: ưu đãi giảm giá, hoàn tiền khi chi tiêu thẻ tín dụng; tặng bảo hiểm giao dịch trực tuyến; ưu đãi cho vay mua nhà, mua ôtô lãi suất cạnh tranh…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/12: Lãi suất tiếp tục điều chỉnh theo xu hướng giảm