Tin ngân hàng ngày 6/3: Agribank hạ lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến
Tin ngân hàng ngày 5/3: Lãi suất liên ngân hàng quay đầu giảm mạnh Tin ngân hàng ngày 4/3: IFC muốn đầu tư thêm 150 triệu USD vào OCB |
Agribank hạ lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến
Theo khảo sát, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa giảm 0,2%/năm lãi suất huy động đối với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng và kỳ hạn 24 tháng; đưa lãi suất áp dụng tại các kỳ hạn này xuống còn lần lượt là 3%/năm và 4,8%/năm.
Agribank hạ lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Các kỳ hạn khác, Agribank giữ nguyên lãi suất huy động như trước đó là 1,7%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng, 2%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng và 4,8%/năm với kỳ hạn 12-18 tháng.
Đây là ngân hàng đầu tiên trong nhóm các ngân hàng lớn "big 4" điều chỉnh lãi suất kể từ đầu tháng 3 tới nay.
Không riêng Agribank, một số ngân hàng cũng đã có điều chỉnh như: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank)...
ACB giảm từ 0,1-0,4%/năm lãi suất nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng. Trong đó, lãi suất giảm mạnh nhất ở kỳ hạn 3 tháng, từ 3,2%/năm xuống 2,8%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng cũng giảm 0,2%/năm, xuống còn 2,5-2,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1%/năm còn 3,9%/năm.
BVBank cũng hạ lãi suất tiết kiệm đối với tất cả các kỳ hạn, bước giảm từ 0,15-0,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-4 tháng giảm mạnh nhất 0,4%/năm xuống còn dao động từ 3,3-3,45%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 6 tháng được BVBank giảm 0,25%/năm xuống 4,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,15%/năm xuống còn 4,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên dao động từ 5,3-5,6%/năm, giảm từ 0,1-0,15%/năm so với trước đó.
Tại BaoVietBank, bước điều chỉnh lãi suất ghi nhận giảm 0,2-0,3%/năm. Biểu lãi suất mới nhất đang áp dụng ở mức 3,3-3,55%/năm với kỳ hạn 1-3 tháng; 4,6-4,7%/năm kỳ hạn 6-9 tháng; 5%/năm kỳ hạn 12 tháng.
PGBank có cùng bước điều chỉnh đưa lãi suất kỳ hạn từ 1-3 tháng xuống dao động từ 2,9-3,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 9 tháng 4,2%/năm.
Tính đến sáng 5/3, lãi suất niêm yết cao nhất trong hệ thống ngân hàng ghi nhận ở mức 10%/năm tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), áp dụng khi khách hàng gửi mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Mức cao tiếp theo là 9,65%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), dành cho các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng, lãi cuối kỳ và phải có phê duyệt của Tổng Giám đốc.
Khẩn trương hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc 3 ngân hàng
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc đối với 03 ngân hàng mua bắt buộc, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2024; khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tăng cường khả năng tiếp cận và thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; nghiên cứu, chỉ đạo nâng quy mô cho vay của gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Tích cực triển khai, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2024, sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách rà soát tăng cường (Danh sách Xám) trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Khẩn trương hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc đối với 03 ngân hàng mua bắt buộc, trình Chính phủ trong tháng 3/2024; khẩn trương xây dựng phương án xử lý đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng mạnh
Theo khảo sát, ngày 5/3, giá USD mua vào phổ biến ở mức 25.550 đồng, tăng khoảng 50 đồng so với ngày 4/3. Giá bán ra tại nhiều điểm giao dịch trên thị trường phi chính thức lên đến 25.700 đồng, tăng khoảng 100 đồng so với 4/3. Trước đó, trong ngày 4/3, giá USD tự do cũng đã tăng 100-150 đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 900 đồng.
Giá USD tại các ngân hàng sáng nay điều chỉnh nhẹ so với hôm qua. Tại Vietcombank, tỷ giá USD sáng nay có thời điểm tăng lên 24.870 đồng chiều bán, hiện đã được điều chỉnh xuống 24.850 đồng. Hiện giá USD tại Vietcombank cũng đã gần với đỉnh lịch sử (ghi nhận cuối năm 2022) là 24.890 đồng.
Các ngân hàng khác cũng niêm yết mức tương tự. Trong đó, Techcombank áp dụng tỷ giá USD ở mức 24.538-24.838 đồng. ACB niêm yết 24.540-24.840 đồng.
Một số nhà băng khác đã đưa giá bán USD tiền mặt lên gần 25.000 đồng. Chẳng hạn như VPBank đang niêm yết giá mua là 24.535 đồng và giá bán lên tới 24.945 đồng.
Từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 400 đồng, tương đương tăng 1,7%.
Chênh lệch giá USD giữa thị trường chính thức và phi chính thức ngày một lớn, trong sáng 5/3 lên tới 850 đồng.
Tỷ giá trung tâm hôm qua (5/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.012 VND/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần trước. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.811 - 25.212 đồng.
Trong thời gian gần đây, giá USD và giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh. Sáng 5/3, giá vàng nhẫn tròn trơn 24k cũng thiết lập kỷ lục mới 68,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cũng đang tiến sát mốc 81 triệu đồng/lượng, là mức cao nhất mọi thời đại.
Nam A Bank đặt mục tiêu ROE 2024-2025 quanh 19%
Ngày 5/3/2024, kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) được ban lãnh đạo chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng ngành ngân hàng và thông tin về NAB trước thềm chào sàn HOSE”.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại tọa đàm, ông Võ Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NAB chia sẻ, dự phóng giai đoạn 2024-2025, chỉ số an toàn vốn (CAR) của NAB dao động quanh 10-12%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%, Hệ số NIM trên 3.3%. Tỷ lệ ROA và ROE lần lượt trên 1,4% và trên 19%.
NAB đặt mục tiêu năm 2024 tổng tài sản đạt 232,000 tỷ đồng (năm 2025 là 260.000 tỷ đồng), huy động đạt 178,000 tỷ đồng (năm 2025 là 202,000 tỷ đồng), cho vay khách hàng 181.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 dự phóng 4,000 tỷ đồng và năm 2025 là 5.000 tỷ đồng.
Ông Võ Hoàng Hải chia sẻ room tín dụng trong năm 2024 được NHNN đưa ra ngay từ đầu năm, xác định theo công thức. Theo điểm xếp loại năm 2022, NAB có hạn mức tín dụng tạm tính là 14,2% trong năm 2024, tương ứng gần 20.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 15-17% nếu dựa trên điểm xếp loại 2023. NAB cũng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng từ mức tối thiểu có thể tăng lên đáng kể và ưu tiên tín dụng vào ngành nông lâm nghiệp và thủy sản.
NAB cố gắng xây dựng gói sản phẩm ưu đãi lãi suất có thể đến 6% cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, NAB định hướng giảm chi phí huy động vốn. Dù CASA của NAB chưa chiếm tỷ trọng lớn, nhưng trong năm 2023, NAB có tốc độ tăng trưởng CASA khá tốt. Trên cơ sở đó, giá vốn đầu vào tốt hơn sẽ xây dựng được mục tiêu tín dụng tốt hơn.
Hiện nay, chủ trương của NAB là tăng trưởng huy động dưới 6 tháng, gần 1/3 danh mục huy động của NAB đã chuyển dịch sang dưới 6 tháng, giúp kéo giảm lãi suất đầu vào. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sẽ thay dổi theo chu kỳ kinh tế và thanh khoản bất động sản trong thời gian tới. Khi thanh khoản và thị trường tốt lên, lãi suất sẽ không thấp như hiện tại.
Ngoại ra, NAB cũng đặt mục tiêu duy trì mức cổ tức tối thiểu từ 20% trở lên dựa trên mức lợi nhuận.
Về kế hoạch tăng vốn, NAB đặt mục tiêu tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Dự kiến cuối năm 2024, vốn điều lệ sẽ đạt khoảng 13.000 tỷ đồng và mục tiêu cho năm 2025, vốn điều lệ sẽ đạt khoảng 16.200 tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/3: Agribank hạ lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến