Tin ngân hàng ngày 4/3: IFC muốn đầu tư thêm 150 triệu USD vào OCB
Tin ngân hàng tuần qua: SeABank bổ nhiệm loạt nhân sự cấp cao Tin ngân hàng ngày 2/3: ACB ưu đãi nguồn vốn vay linh hoạt cho doanh nghiệp |
IFC muốn đầu tư thêm 150 triệu USD vào OCB
Mới đây, Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC (International Finance Corporation) tiết lộ ý định muốn đầu tư thêm 150 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) - một trong những tập đoàn đầu tư tài chính mạnh nhất thế giới, tập đoàn này đã chuyển xong khoản vay 100 triệu USD (tương đương gần 2.400 tỷ đồng) đến OCB cuối tháng 5/2023.
Tiếp theo, IFC dự kiến cấp thêm khoản vay mới cũng với thời hạn 5 năm như năm ngoái nhưng lớn bằng 1,5 lần.
Theo IFC, ý định mới này cũng thuộc nhóm vốn "tài chính xanh" từ chính IFC để hỗ trợ các khách hàng của OCB theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cũng theo thông tin từ IFC, lãnh đạo IFC sẽ cân nhắc để ra quyết định trong vòng 1 tháng (dự kiến đến ngày 29/3 sẽ có quyết định đầu tư thêm hay không.
Trải qua 12 năm đồng hành với nhiều chương trình cùng IFC, OCB được đánh giá cao bởi tính minh bạch, tốc độ xử lý nhanh về dịch vụ và chính xác trong các nghiệp vụ tài trợ thương mại.
Năm 2021, OCB được vinh danh là "Ngân hàng chuyên nghiệp nhất trong hoạt động tài trợ thương mại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương". Đây là giải thưởng uy tín do IFC trao để ghi nhận những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và nâng tầm dịch vụ từ ngân hàng này.
Thành lập năm 1996, hiện tại, trụ sở chính của OCB đặt tại Tòa nhà The Hallmark, số 15 đường Trần Bạch Đằng, phường Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chía Minh. Mạng lưới của OCB bao gồm khoảng 150 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.
Được biết, tính đến cuối tháng 9/2023, cổ đông chiến lược của OCB là ngân hàng Aozora Bank (Nhật Bản) với tỷ lệ nắm giữ 15% vốn điều lệ của nhà băng Việt Nam, theo thông tin từ IFC.
Techcombank ra mắt tính năng mở tài khoản cho con
Theo đại diện từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương, tính năng này nhằm mục đích truyền đạt quyền lực cho trẻ tự chủ về tài chính và quản lý tài khoản cá nhân dưới sự giám sát và sự cho phép của cha mẹ thông qua ứng dụng ngân hàng số Techcombank Mobile.
Cha mẹ sẽ tự động đăng ký và mở tài khoản cho con (từ 11 tuổi trở lên), thiết lập mức chi tiêu hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng trong tài khoản, đồng thời tự theo dõi báo cáo giao dịch để hướng dẫn con chi tiêu một cách phù hợp. Khi cha mẹ đồng ý cấp quyền sở hữu tài khoản thanh toán thông qua tính năng Techcombank Family, trẻ có thể truy cập tài khoản của mình với thông tin đăng nhập riêng, tự quản lý kế hoạch tài chính và chi tiêu trong hạn mức mà phụ huynh đã đặt ra.
Techcombank Family được thiết kế với một lộ trình từng bước để cha mẹ dễ dàng đồng hành cùng con, bao gồm việc đăng ký, chi tiêu, tiết kiệm và quản lý chi tiêu trên ứng dụng Techcombank Mobile. Mỗi bước điều bao gồm các thao tác đơn giản như chuyển tiền đều đặn vào tài khoản của con theo cài đặt hoặc sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành; linh hoạt cài đặt và thay đổi mức chi tiêu; hỗ trợ con gửi tiết kiệm tích lũy; và dạy con quản lý tài chính qua các tính năng sẵn có.
Với Techcombank Family, cha mẹ sẽ trao quyền cho con sở hữu một tài khoản thanh toán riêng, tạo điều kiện cho trẻ phát triển thói quen chi tiêu tự chủ, dù vẫn có sự giám sát gián tiếp từ phía bố mẹ qua tài khoản liên kết. Việc làm quen với các tính năng giao dịch của tài khoản thanh toán điện tử giúp trẻ học những bài học về trách nhiệm chi tiêu, cách quản lý ngân sách với nguồn thu rõ ràng như tiền tiêu vặt, thưởng làm việc tốt, và nắm bắt nhu cầu chi tiêu hàng ngày cùng số dư tài khoản. Từ đó, trẻ sẽ xây dựng những khái niệm cơ bản về thu chi, lựa chọn chi phí hiệu quả, và cân bằng tài khoản cá nhân.
Dịch vụ này giúp trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của việc lập ngân sách với số tiền hiện có trong tài khoản và khuyến khích suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi chi tiêu. Đồng thời, nó dạy trẻ cách quản lý tài chính thông qua các tính năng như cài đặt hạn mức, thanh toán trực tuyến và quản lý luồng tiền vào ra tài khoản. Việc chi tiêu có trách nhiệm sẽ giúp trẻ tích lũy được một khoản tiết kiệm và tự chủ mở tài khoản tiết kiệm trực tuyến theo nhu cầu. Quan trọng nhất, việc dạy trẻ quản lý tài chính từ khi còn nhỏ giúp họ có nền tảng vững chắc khi bước vào cuộc sống người lớn.
Giá USD thị trường quốc tế tiếp tục giảm
Tuần qua (26/02-01/03/2024), giá USD trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm sau khi dữ liệu kinh tế ảm đạm củng cố kỳ vọng hạ lãi suất Mỹ vào tháng 6/2024.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index giảm 0.1 điểm so với tuần trước, còn 103.89 điểm.
Giá USD trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm sau khi dữ liệu kinh tế ảm đạm củng cố kỳ vọng hạ lãi suất Mỹ vào tháng 6/2024.
Cụ thể dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ tiếp tục sụt giảm trong tháng 2 và cuộc khảo sát về người tiêu dùng của Đại học Michigan cũng suy yếu. Một bộ dữ liệu khác vào ngày 29/02 cho thấy mức tăng lạm phát hàng năm của Mỹ trong tháng 1 là nhỏ nhất trong gần 3 năm (chỉ số PCE cốt lõi chỉ tăng 0.4% trong tháng 1/2024) khiến việc hạ lãi suất trong tháng 6 của Fed vẫn được cân nhắc.
Trong nước, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam và USD tăng 6 đồng/USD so với tuần trước (phiên 23/02), lên mức 24,002 đồng/USD trong phiên 01/03.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ giá mua giao ngay không đổi ở mức 23,400 đồng/USD. Trong khi đó, nhà điều hành tăng giá bán giao ngay thêm 7 đồng/USD so với ngày 23/02, lên mức 25,152 đồng/USD.
Cùng với đó, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 20 đồng/USD ở cả 2 chiều, lên mức 24,440 đồng/USD (mua vào) và 24,810 đồng/USD (bán ra).
Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng tăng 50 đồng/USD ở chiều mua và tăng 60 đồng/USD ở chiều bán, lên mức 25,200 đồng/USD (mua vào) và 25,280 đồng/USD (bán ra).
Lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng Shinhan Bank không biến động trong tháng 3
Theo khảo sát, biểu lãi suất tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) trong tháng 3/2024 vẫn chưa có biến động mới. Chính vì vậy, lãi suất huy động cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ tiếp tục triển khai ở mức 1,7 - 4,7%/năm.
Ảnh minh họa |
Cụ thể đối với khách hàng gửi tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ, với kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng đang cùng mức lãi suất 1,7%/năm. Kế đến, các kỳ hạn từ 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng đang được giữ với lãi suất huy động chung mức 2%/năm.
Đối với khách hàng có tiền gửi trong kỳ hạn từ 6 tháng đến 9 tháng sẽ được nhận lãi suất không đổi là 3%/năm. Lãi suất tiết kiệm dành cho cho các kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng có chung mức lãi suất là 4,5%/năm. Cùng thời điểm, Shinhan Bank huy động mức lãi suất 4,7%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi từ 24 tháng đến 60 tháng.
Với các trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm lĩnh lãi theo tháng, lãi suất cho các tiền gửi cho các gói kỳ hạn từ 2 đến 60 tháng sẽ có mức 1,7 - 4,5%/năm. Trong đó, kỳ hạn 24 tháng đang có mức lãi suất cao nhất là 4,5%/năm.
Cũng trong tháng 3/2024 này, biểu lãi suất tiết kiệm online tại ngân hàng Shinhan Bank không có điều chỉnh mới. Vì vậy, lãi suất huy động cho các khoản tiền gửi trực tuyến lĩnh lãi cuối kỳ hiện đang giữ nguyên ở mức 2 - 5%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng. Tương tự, phương thức lĩnh lãi hàng tháng ngân hàng Shinhan Bank áp dụng lãi suất 2 - 4,77%/năm đối với kỳ hạn từ 2 đến 60 tháng.
Lưu ý, hiện ngân hàng đang không triển khai các khoản tiết kiệm có kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng cho hình thức gửi tiết kiệm online lĩnh lãi.
Ngoài ra, Shinhan Bank cũng tiếp tục triển khai các khoản tiền gửi từ 1 tuần đến 3 tuần với lãi suất giữ nguyên là 0,2%/năm cho hình thức gửi tại quầy và 0,5%/năm cho hình thức gửi trực tuyến.
Tương tự, lãi suất ngân hàng Shinhan dành cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp cũng đang giữ mức ổn định . Theo đó, phạm vi lãi suất đối với khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ duy trì trong khoảng 1,6 - 4,3%/năm đối với cả tiền gửi tại quầy và online, kỳ hạn 1 - 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Còn với khách hàng lĩnh lãi cuối tháng đối kỳ hạn 2 - 60 tháng có lãi suất khoảng 1,6 - 4,17%/năm.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 4/3: IFC muốn đầu tư thêm 150 triệu USD vào OCB