Tin ngân hàng ngày 6/6: Kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt
Tin ngân hàng ngày 5/6: Tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 3/6: Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động từ tháng 6 |
Kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng
Sáng 5/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã trình Quốc hội dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đáng chú ý, dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) bổ sung việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, quy định này được bổ sung sau khi xảy ra một số sự cố khách hàng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng thời gian qua.
Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank (Mỹ), hay trường hợp Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ). Theo đó, luật đưa ra quy định để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống.
Ngoài ra, dự luật cũng bổ sung quy định cụ thể về tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt, lãi suất khoản vay đặc biệt mà Ngân hàng Nhà nước cho vay là 0%/năm; bổ sung quy định về việc Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay đặc biệt, qua đó thêm công cụ để cơ quan quản lý xử lý, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Luật cũng bổ sung rõ các quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng.
Trong quá trình thanh tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng, căn cứ kết quả giám sát, thanh tra, tùy theo mức độ, vấn đề gặp phải của từng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.
Trường hợp sau khi thực hiện kế hoạch khắc phục, ngân hàng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro, có nguy cơ vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, hoặc dựa trên kết quả xếp hạng, ngân hàng sẽ bị xem xét áp dụng giám sát tăng cường.
Ngân hàng Xây dựng sắp chuyển giao bắt buộc về Vietcombank
Đây là thông tin được ông Đàm Minh Đức, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng (CB), cho biết tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 5/6.
Ông Đàm Minh Đức cho biết từ năm 2015, CB chính thức trở thành ngân hàng 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước với sự hỗ trợ toàn diện từ Vietcombank, từ thay đổi về mô thức quản trị, hệ thống công nghệ, đến hệ thống sản phẩm dịch vụ và hình ảnh thương hiệu…
Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên kể từ khi tái cơ cấu, CB chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế hoạch kinh doanh và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu. Cụ thể, tổng số dư huy động đạt hơn 20.000 tỉ đồng; tăng ròng tín dụng khách hàng doanh nghiệp và bán lẻ đều đạt trên 5.000 tỉ đồng; đa dạng hóa nguồn thu từ các hoạt động bán buôn, bán lẻ, kinh doanh vốn, bảo hiểm, thu hồi nợ…
"Dự kiến khoảng 6 tháng nữa Vietcombank sẽ trở thành ngân hàng mẹ của CB. Vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã phê duyệt chủ trương này. CB cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho công tác chuyển giao bắt buộc về Vietcombank" - ông Đàm Minh Đức thông tin.
Theo CB, được chuyển giao về một trong những tổ chức tín dụng hàng đầu Việt Nam sẽ mở ra hành trình mới với CB, sau hơn 8 năm kiên định trên hành trình tái cơ cấu.
Về phía Vietcombank, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra cuối tháng 4/2023, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém và đang rất tích cực chuẩn bị cho quá trình này.
Không chỉ Vietcombank, mùa đại hội cổ đông ngân hàng vừa qua, một số ngân hàng khác như MB, VPBank… cũng trình cổ đông thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng khác.
Cổ đông MB sắp được chia hơn 2.200 tỷ đồng cổ tức tiền mặt
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội vừa có quyết định về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, MB dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/6/2023 để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng). Thời gian thực hiện chi trả cổ tức là ngày 10/7/2023.
Với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, MB dự kiến chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Như vậy, MB sẽ là ngân hàng tiếp theo thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Ngoài ra, ngân hàng này còn có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 6.801 tỷ đồng.
MB là một trong 6 ngân hàng công bố hoặc đã triển khai chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông trong năm 2023, cùng với TPBank, VIB, ACB, VPBank và HDBank. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng.
Trong đó, VIB và TPBank đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức tiền mặt vào đầu tháng 4. HDBank và ACB cũng đã chốt danh sách trong tuần trước và chỉ còn VPBank chưa công bố ngày chốt quyền.
OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm hơn 6.800 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn thêm hơn 6.800 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu OCB thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, cổ đông và người liên quan theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 (đã sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước sau khi tăng vốn.
Được biết theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua, ngân hàng sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. OCB cũng cho biết, với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.
Dựa trên kế hoạch tăng vốn này, OCB đặt ra mục tiêu kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong quý 1, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Tổng thu thuần đạt 2.090 tỷ đồng, trong đó thu thuần trong lãi được xem như hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng đạt 1.751 tỷ đồng, chiếm 84% trong cấu trúc tổng thu thuần hoạt động của ngân hàng. NIM duy trì hiệu quả ở mức 3,9%, tăng so với cùng kỳ.
OCB là một trong những ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ nhất trong năm nay. Thời gian gần đây một số ngân hàng khác cũng đã công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong đó: TPBank tỷ lệ 39%; Vietcombank tỷ lệ 18,1%; ACB tỷ lệ 15%; MB tỷ lệ 15%; SeABank tỷ lệ 14,5%;…
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 6/6: Kiểm soát đặc biệt, can thiệp sớm khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt