Tin ngân hàng ngày 6/7: SeABank chuẩn bị bán vốn cho nhà đầu tư đến từ Na Uy
Tin ngân hàng ngày 5/7: Vì sao tình trạng "ế tiền" vẫn tồn tại dù lãi suất giảm? Tin ngân hàng ngày 4/7: PGBank thay đổi loạt nhân sự cấp cao |
SeABank chuẩn bị bán vốn cho nhà đầu tư đến từ Na Uy
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố thông tin về việc triển khai chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phương án đảm bảo việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại SeABank.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, SeABank sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cp. Giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.032 đồng/cp (là mức giá tính bằng 120% trung bình giá đóng cửa cổ phiếu SSB trong 30 phiên giao dịch gần nhất tính đến ngày 13/6/2023). Giá chào bán cụ thể do HĐQT quyết định phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thỏa thuận với nhà đầu tư. Như vậy, thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Trong khi đó, đóng cửa ngày 4/7, giá cổ phiếu SSB ở mức 27.100 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá tối thiểu mà SeaBank dự định chào bán. Ước tính theo mức giá này, việc phát hành 94,6 triệu cổ phiếu SSB của SeABank có thể giúp ngân hàng thu về 2.563 tỷ đồng.
Với số tiền thu được ngân hàng cho biết sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới.
Thời gian thực hiện việc chào bán riêng lẻ trong năm 2023 hoặc thời điểm khác do Hội đồng quản trị quyết định trên cơ sở điều kiện thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, SeABank cho biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng đang là 0,1885% trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại là 5%. Do đó, để đảm bảo việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, SeABank sẽ thực hiện khóa room ngoại ở mức 1,2877% và/hoặc các thủ tục khác để đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức quy định.
PET bảo lãnh cho công ty con được cấp hạn mức tín dụng tại ngân hàng
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (mã cổ phiếu PET) sẽ bảo lãnh cho công ty con là Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí được cấp hạn mức tín dụng tại ngân hàng.
Cụ thể, PET dự kiến bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí được cấp hạn mức tín dụng tại ngân hàng số tiền 300 tỷ đồng.
Mục đích bão lãnh này để Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí bổ sung vốn lưu động (cho vay, phát hành bảo lãnh, LC và các nghiệp vụ sản phẩm tín dụng do ngân hàng cùng cấp cho công ty).
Thời hạn bảo lãnh kể từ ngày ký văn bản bảo lãnh vay vốn cho đến khi tất cả các nghĩa vụ của Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí theo các hợp đồng tín dụng công ty này ký với ngân hàng được thực hiện xong, hoặc được các bên thỏa thuận hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
Như vậy, theo nội dung bảo lãnh, Petrosetco sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả ngay số tiền nợ thay cho Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí trong trường hợp công ty này không thanh toán, hoặc chậm trễ thanh toán các khoản nợ gốc, lãi và các chi phí khác.
Hội đồng quản trị Petrosetco ủy quyền cho ông Vũ Tiến Dương - Tổng Giám đốc công ty thực hiện các thủ tục cần thiết và ký giao dịch trên các chứng từ, hồ sơ liên quan đến việc cấp bảo lãnh nói trên với ngân hàng.
Sự ủy quyền này có giá trị từ ngày ký cho đến khi ngân hàng nhận được một văn bản thay thế khác có giá trị tương đương. Tuy nhiên, việc hết hiệu lực của sự ủy quyền này không làm thay đổi, chấm dứt các nghĩa vụ của Petrosetco đã xác lập với ngân hàng.
Bắt Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương
Ngày 5/7, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Viết Kiều (sinh năm 1980, Phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương phát hiện nhóm đối tượng có hành vi cấu kết nhân viên ngân hàng tìm kiếm các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để đáo hạn ngân hàng.
Kiều làm ngân hàng nên biết được ai có nhu cầu vay vốn lớn, trong thời gian ngắn để đáo hạn ngân hàng. Sau khi giả vờ tiếp nhận hồ sơ, đồng ý giải ngân trước một phần tiền (thực chất tiền giải ngân là tiền từ nhóm cho lãi nặng), Kiều thông báo hồ sơ vay ngân hàng không thể thực hiện được và yêu cầu người vay phải trả nợ gốc và tiền lãi từ 0,4- 0,5%/ngày. Nếu người vay không trả tiền, nhóm cho vay lãi nặng sẽ đòi nợ ép ký giấy vay nợ và lấy tài sản để cấn nợ.
Ngoài ra, nhân viên ngân hàng còn sử dụng thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân, đưa vào ngân hàng để làm thủ tục vay vốn.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Trần Viết Kiều có liên quan đến vụ án nên tiến hành làm việc.
Tại cơ quan điều tra, Kiều khai nhận đã cùng đồng bọn thực hiện hành vi làm giả 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân để làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng, khi chưa kịp thực hiện thì bị cơ quan công an phát hiện.
Ngân hàng ACB được chấp thuận nâng lên gần 3,9 tỷ cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh vừa có thông báo chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (mã ck: ACB) thay đổi niêm yết chứng khoán. Sau khi thay đổi, số lượng cổ phiếu ACB được lưu hành trên thị trường là 3.884.050.358 cổ phiếu.
Ngân hàng ACB được chấp thuận nâng lên gần 3,9 tỷ cổ phiếu/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngày 4/7, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) ký Quyết định sổ 316/QĐ-SGDHCM về việc chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu thay đổi niêm yết chứng khoán.
Theo HOSE, ACB là loại chứng khoán phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi thay đổi niêm yết, ACB có 3.377.435.094 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu thay đổi niêm yết là 506.615.264 cổ phiếu.
Số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết 3.884.050.358 cổ phiếu (với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu sẽ tương đương với số tiền 38.840.503.580.000 đồng. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực là ngày 6/7. Lý do thay đổi niêm yết để phát hành cổ phiếu trả cổ tức 2022.
Trước đó, như TBTCVN thông tin, ngày 7/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đã có công văn số 2503/CV-VPHĐQT.23 gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh để báo cáo kết quả về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức 2022.
Phía ACB cho biết, trước khi phát hành và lưu hành là 3.377.435.094 cổ phiếu; trong đó, không có cổ phiếu ký quỹ. Với mệnh quá 10.000 đồng/cổ phiếu thì vốn điều lệ của ACB 33.774.350.940.000 đồng.
Trong phương án phát hành, ACB dự kiến sẽ phát hành thêm 506.615.264 cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện quyền 15%, nghĩa là, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận có thể sừ dụng chia cổ tức năm 2022. Ngày kết thúc đợt phát hành 2/6/2023, dự kiến chuyển giao cổ phiếu trước ngày 30/6/2023.
Ngân hàng ACB cũng lưu ý rằng, cổ phiếu phát hành phân phối cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền sẽ được làm tròn xuống đến hàng đơn vị. Phần lẻ thập phân phát sinh (nếu có) sẽ được phân phối cho Công đoàn ACB, làm nguồn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên ACB.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 6/7: SeABank chuẩn bị bán vốn cho nhà đầu tư đến từ Na Uy