Tin ngân hàng ngày 7/8: Nam A Bank chạm mốc 100 điểm giao dịch số ONEBANK trên toàn quốc
Tin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục giảm lãi suất gửi tiết kiệm Tin ngân hàng ngày 5/8: Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm mạnh |
Nam A Bank chạm mốc 100 điểm giao dịch số ONEBANK trên toàn quốc
Ngày 01/08, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động điểm giao dịch số ONEBANK thứ 100 tại Thành phố Bắc Ninh. Sự kiện đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong hành trình mang đến những trải nghiệm dịch vụ ngân hàng hiện đại, đẳng cấp cho khách hàng.
Nam A Bank chạm mốc 100 điểm giao dịch số ONEBANK trên toàn quốc/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Như vậy, với gần 150 điểm kinh doanh truyền thống và 100 điểm giao dịch số tự động ONEBANK, Nam A Bank đã có gần 250 điểm kinh doanh, đáp ứng nhu cầu giao dịch tài chính 365+ hiện đại của hàng triệu khách hàng trên khắp cả nước.
Điểm giao dịch số tự động ONEBANK là một trong những minh chứng điển hình về sự thành công của các mô hình điểm giao dịch số tự động mà các ngân hàng đang đầu tư đẩy mạnh trong suốt thời gian qua. Ra mắt vào cuối năm 2021, sau gần 2 năm hoạt động, ONEBANK đã “phủ sóng” mạng lưới khắp cả nước với 100 điểm giao dịch và sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.
Mặc dù các điểm giao dịch số tuy chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đã thu hút số lượng lớn khách hàng giao dịch, nhờ vậy ONEBANK đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của Nam A Bank. Tính đến 30/6/2023, ONEBANK tăng trưởng 153% mục tiêu huy động 6 tháng đầu năm 2023 và đối với mục tiêu phát triển khách hàng mới đạt 335% kế hoạch 6 tháng đầu năm và hoàn thành 130% mục tiêu năm 2023.
ONEBANK đã mang đến những trải nghiệm khác biệt cho khách hàng, làm thay đổi thói quen trong các giao dịch ngân hàng, phá bỏ rào cản về thời gian và cách thức giao dịch. ONEBANK vượt ra hẳn một điểm kinh doanh truyền thống, nơi khách hàng có thể tự trải nghiệm hầu hết giao dịch ngân hàng hiện đại 365+, kể cả lễ, Tết như: nộp tiền mặt vào tài khoản chính chủ, liên ngân hàng; mở tài khoản; gửi tiết kiệm online nhận ngay giấy chứng nhận, tận hưởng các tiện ích mua sắm… Bên cạnh phục vụ cho khách hàng cá nhân, ONEBANK còn phát triển và nâng cấp các tính năng dành cho cả khách hàng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn
Trong 7 tháng đầu năm, số lượng TPDN phát hành mới giảm nhưng nhiều DN chủ động mua lại TPDN trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn. Tổng khối lượng TPDN mua lại trước hạn đạt 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều DN đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nhiều tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu như Tập đoàn Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land...
“Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều lí do để DN mua lại trái phiếu trước hạn. Việc mua lại TPDN trước hạn có thể do dự án của DN không còn khả thi nên muốn tất toán để giảm chi phí tài chính. Bên cạnh đó, DN có thể tiếp cận nguồn vốn khác với lãi suất thấp hơn nên mua lại TPDN.
“Nghị định 65 cho phép DN mua lại TPDN trước hạn. Trong khi đó, trước đây có thể một số đợt phát hành trái phiếu chưa chuẩn về quy định như mục đích sử dụng vốn. Vì vậy, DN có thể lựa chọn mua lại trái phiếu nhằm tránh rủi ro pháp lý tiềm ẩn”, ông Hiếu nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc mua lại TPDN là nhu cầu bình thường của DN. Theo ông Thịnh, mỗi DN có chiến lược kinh doanh riêng, việc phát hành và mua lại TPDN nằm trong chiến lược đó. Tuy nhiên, việc mua lại TPDN trước hạn cũng cho thấy, tình hình của DN nhiều bất lợi khi nền kinh tế còn đang vượt khó khăn.
Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giải pháp ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển. Hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, đồng bộ giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đã bị lừa mất tiền oan còn bị đòi bồi thường 500.000 USD
Ngày 5-8, phản ánh đến báo chí, anh M.T. (ngụ TP HCM) cho biết vừa mất 22 triệu đồng tiền phí dịch vụ để giải ngân khoản vay, khi tin lời kẻ giả mạo nhân viên ngân hàng.
"Sáng 4-8, tôi nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là nhân viên Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) mời vay vốn với lãi suất tiêu dùng chỉ khoảng 0,7%/tháng. Thấy mức lãi suất hợp lý, lại được cho biết sẽ giải ngân khoản vay ngay nên tôi tin. Sau khi làm xong hồ sơ trực tuyến, người tự xưng nói cần nộp khoảng 10% phí dịch vụ, tương đương khoảng 22 triệu đồng để được giải ngân" - anh M.T. kể.
Tuy nhiên, sau khi đã chuyển khoản cho kẻ gian, anh M.T. không được giải ngân hồ sơ như mong muốn mà nhận được thông báo biên bản xử lý, mạo danh MB. Thông báo từ biên bản nêu: "Khách hàng đã tự ý nhập mật khẩu rút tiền khi trên hệ thống chưa mở khóa khoản vay xong, làm cho quá trình mở khóa khoản vay bị hủy, dẫn đến toàn bộ số tiền của khách hàng đã bị đóng băng và khóa lần 2"!
Chưa hết thủ đoạn, thông báo mạo danh ngân hàng còn nêu: "Trong trường hợp xấu nhất, khoản tiền hiện tại sẽ bị treo vĩnh viễn và khách hàng có thể phải bồi thường thiệt hại cho phía ngân hàng. Với trị giá hệ thống giải ngân là… 500.000 USD và 5 bộ hồ sơ khách hàng đang chờ xử lý với giá trị tổng khoản vay 850 triệu đồng".
Kẻ gian yêu cầu anh M.T tổng cộng phải đóng thêm phí thu xếp xử lý sự cố là 44 triệu đồng. Anh M.T. cho biết cảm thấy lo lắng, bất an khi đọc thông báo biên bản xử lý của ngân hàng, nhất là quy định phải bồi thường cho ngân hàng lên tới 500.000 USD. Thậm chí, thông báo còn "hù" trong trường hợp nghiêm trọng hơn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự!
Theo tìm hiểu của PV, thông báo của anh M.T. nhận được là giả mạo, khi kẻ gian mạo danh nhân viên MB để lừa khách hàng cho vay online. Phía MB cũng xác nhận đây là thông báo giả mạo. Thực tế, thủ đoạn mạo danh nhân viên các ngân hàng không mới, nhưng nhiều người vẫn bị lừa và mất tiền oan.
Doanh nghiệp giao dịch tại SHB cơ hội trúng vàng SJC 9999
Từ nay đến cuối năm 2023, Khách hàng doanh nghiệp thực hiện giao dịch tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ có cơ hội trúng vàng SJC 999.9 với tổng giá trị giải thưởng lên đến 139 chỉ vàng, như sự tri ân đối với khách hàng trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ngân hàng (13/11/1993-13/11/2023).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo chương trình, mỗi giao dịch trực tuyến hoặc tại quầy của khách hàng doanh nghiệp (KHDN) sẽ được trao mã dự thưởng tham gia chương trình quay số may mắn, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 139 chỉ vàng SJC 999.9. Các giao dịch áp dụng bao gồm tiền gửi (không kỳ hạn, có kỳ hạn), vay vốn, giao dịch ngoại tệ, và các giao dịch có phát sinh phí/lãi tại SHB.
Mỗi KHDN có thể nhận nhiều mã dự thưởng dựa trên loại sản phẩm dịch vụ và số lượng giao dịch, không có giới hạn số mã dự thưởng.
Lễ quay số trúng thưởng dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2024 với 2 kỳ quay số. Kỳ quay Gắn kết áp dụng cho tất cả KHDN tham gia, với cơ cấu giải thưởng bao gồm: 01 giải Nhất trị giá 01 lượng vàng; 02 giải Nhì mỗi giải trị giá 05 chỉ vàng; 03 giải Ba mỗi giải trị giá 03 chỉ vàng và 10 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 01 chỉ vàng.
Đặc biệt, các KHDN đã gắn bó với SHB trong suốt 05 năm trở lên sẽ tham gia Kỳ quay Thành công và có cơ hội giành các giải thưởng như sau: 01 giải Nhất trị giá 03 lượng vàng; 02 giải Nhì mỗi giải trị giá 02 lượng vàng; 03 giải Ba mỗi giải trị giá 01 lượng vàng.
Ngoài cơ hội trúng vàng, SHB cũng cung cấp nhiều ưu đãi cho các KHDN, bao gồm tặng 01 Tài khoản số đẹp cho mỗi KHDN và giảm 50% phí khi mở thêm Tài khoản số đẹp khác, liên quan đến ngày thành lập, mã số thuế, đăng ký kinh doanh, hoặc các số mang ý nghĩa may mắn và thuận lợi trong công việc.
KHDN cũng được miễn phí sử dụng Gói Combo Tài khoản thanh toán (TKTT) trong năm đầu tiên, miễn phí sử dụng Dịch vụ quản lý tài khoản tập trung trong 3 năm đầu, và miễn phí sử dụng Dịch vụ thu hộ qua tài khoản định danh trong năm đầu, giúp tiết kiệm phí chuyển tiền qua Internet Banking, phí chuyển tiền tại quầy, so với việc đăng ký từng sản phẩm và dịch vụ riêng lẻ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 7/8: Nam A Bank chạm mốc 100 điểm giao dịch số ONEBANK trên toàn quốc