Tin ngân hàng ngày 8/12: Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 7/12: Sacombank sẽ bán 32,5% cổ phần tại VAMC cho nước ngoài? Tin ngân hàng ngày 6/12: Nới room tín dụng thêm 1,5-2% |
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân hàng
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện đang được thống lĩnh bởi 5 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Prudential, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam và AIA khi chiếm gần 80% thị phần phí bảo hiểm gốc và gần 70% thị phần doanh thu khai thác mới.
Bảo Việt (BVH), Prudential, Manulife Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam gửi hàng trăm nghìn tỷ vào ngân hàng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Được biết, trong số 5 doanh nghiệp bảo hiểm trên, có duy nhất BVH niêm yết trên sàn chứng khoán và công bố báo cáo tài chính theo quý; 4 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại chỉ công bố báo cáo tài chính theo năm và số liệu mới nhất được cập nhật là vào cuối năm 2021.
Tại Tập đoàn Bảo Việt , tiền gửi ngân hàng là bộ phận tài sản lớn nhất với gần 102.600 tỷ đồng tại thời điểm 30 tháng 9, tăng gần 15.300 tỷ so với cuối năm trước (tương đương 17,5%). Trong đó, tiền gửi ngắn hạn là gần 92.000 tỷ và tiền gửi dài hạn ở mức hơn 10.600 tỷ. Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu 678 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dưới dạng tiền gửi thanh toán, tương đương tiền.
BVH cho biết, ngoài các hợp đồng tiền gửi tại ALCII, VFC đã quá hạn, các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng có thời hạn gốc trên 3 tháng và thời gian đáo hạn không quá 1 năm và có mức lãi suất từ 3,9% đến 7%/năm. Các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND có thời gian đáo hạn trên 1 năm và được hưởng lãi suất từ 5,2%/năm đến 10,5%/năm.
Còn theo báo cáo tài chính riêng năm 2021 của Prudential Việt Nam, doanh nghiệp này có gần 44.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng vào cuối năm ngoái và nhận về 1.914 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm 2021.
Tại Dai-ichi Việt Nam, doanh nghiệp này có gần 9.500 tỷ tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2021 và hưởng hơn 410 tỷ đồng tiền lãi. Với AIA Việt Nam, số tiền gửi ngân hàng ghi nhận vào cuối năm ngoái đạt hơn 12.500 tỷ và số tiền lãi doanh nghiệp này nhận về trong năm 2021 là hơn 500 tỷ.
Với Manulife Việt Nam, doanh nghiệp này cho biết có hơn 14.300 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng vào cuối năm 2021, gồm hơn 12.300 tỷ đồng tiền gửi bằng nội tệ hưởng lãi từ 0,2 – 8%/năm và hơn 2.000 tỷ tiền gửi bằng USD nhận lãi 0%. Trong năm 2021, các khoản tiền gửi ngân hàng mang về cho Manulife Việt Nam gần 217 tỷ đồng tiền lãi.
Quy định mới về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Thông tư số 15/2022/TT-NHNN quy định về tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam của NHNN đối với tổ chức tín dụng trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành (sau đây gọi là trái phiếu đặc biệt) theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP.
Trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn phải đáp ứng đầy đủ một số điều kiện, trong đó, phải thuộc sở hữu hợp pháp của tổ chức tín dụng, đang được lưu ký tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và không phải là trái phiếu đặc biệt đang trong quá trình thanh toán.
Ngoài ra, trái phiếu này cũng phải không trong bảng kê trái phiếu đặc biệt mà tổ chức tín dụng đang đề nghị NHNN xem xét gia hạn thời hạn theo quy định của NHNN về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC.
Một điều kiện nữa là tại ngày tổ chức tín dụng lập bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn và ngày tổ chức tín dụng cập nhật bảng kê trái phiếu đặc biệt, thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt dài hơn thời hạn đề nghị tái cấp vốn, gia hạn tái cấp vốn tối thiểu 6 tháng.
Thời hạn tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt do NHNN quyết định, dưới 12 tháng và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở vay tái cấp vốn.
Thời gian gia hạn tái cấp vốn mỗi lần do NHNN quyết định, không vượt quá thời hạn tái cấp vốn và không vượt quá thời hạn còn lại của trái phiếu đặc biệt đến hạn sớm nhất trong bảng kê trái phiếu đặc biệt làm cơ sở gia hạn tái cấp vốn.
VPBank có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng
Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Quyết định về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Cụ thể, vốn điều lệ trong Giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng.
Với mức vốn điều lệ trên, VPBank đã chính thức trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, bỏ xa 3 ông lớn quốc doanh là BIDV (50.585 tỷ đồng), VietinBank (48.058 tỷ đồng), Vietcombank (47.325 tỷ đồng) và Agribank (34.351 tỷ đồng).
Trước đó, NHNN đã chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Nghị quyết đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Cụ thể, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số cổ phần phát hành dự kiến là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.
Sau khi được NHNN chấp thuận, VPBank đã chốt danh sách cổ đông vào là ngày 29/9/2022 để phát hành thêm hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1 (sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới)
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt hơn 19.800 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận chưa phân phối của VPBank tính đến cuối quý III đạt hơn 38.375 tỷ đồng, tăng 71% so với đầu năm.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng vào cuối tháng 9, đạt 102,36 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cuối năm 2021. Với con số trên, VPBank là đứng thư 4 trong số những ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, sau Vietcombank, Techcombank và VietinBank.
Vietcombank rao bán nhiều bất động sản để thu hồi nợ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết cần rao bán Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại Tổ dân phố Đông Ngạc 7, phường Đông Ngạc, quận bắc từ Liêm, TP.Hà Nội. Bất động sản này có diện tích 60,6m2, là đất ở tại đô thị, có giá khởi điểm 5,5 tỷ đồng. Ngày đấu giá dự kiến 23/12/2022.
Vietcombank rao bán nhiều bất động sản để thu hồi nợ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Vietcombank Thủ Đức mới đây cũng thông báo bán tài sản đảm bảo của Công ty CP Đầu tư và phát triển Goldfish. Cụ thể, tài sản bảo đảm là đất vườn có diện tích 18.153m2 tại xã Phước Hiệp, huyện củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, thời hạn sử dụng đến 2052. Hiện đất không có công trình xây dựng trên đất và chủ đất đang cho người khác trồng cây cừ tràm. Vị trí các thửa đất thuộc phân khu chức năng đất cây xanh cảnh quan (diện tích khoảng 2.728m2), đất mặt nước kênh rạch (diện tích 15.573m2) và đất cây xanh cách ly (148m2). Khách hàng đăng ký tham gia đấu giá phải có đủ điều kiện nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định tại Luật đất đai năm 2013. Giá khởi điểm của lô đất này là hơn 9,7 tỷ đồng.
Trước đó, Vietcombank Đà Nẵng thông báo bán đấu giá bất động sản nhà ở, là tài sản bảo đảm của Công ty CP Xuân Hưng. Bất động sản này ở số 85 Phan Châu Trinh, Phường Hải Châu 1, Quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng, có diện tích 141,5m2. Nhà xây dựng trên đất là nhà ở gồm 5 tầng và một tầng lửng. Hiện căn nhà đã được Chi cục Thi hành án dân sự Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng kê biên. Vietcombank đưa ra giá khởi điểm hơn 20,4 tỷ đồng và dự kiến tổ chức đấu giá vào ngày 30/12/2022.
Ngân hàng cũng rao bán tài sản gắn liền với 3.150 m 2 đất để xử lý khoản nợ của CTCP Xây dựng và Đầu tư 419 với giá khởi điểm chỉ 3 tỷ đồng. Cụ thể, thửa đất có có địa chỉ tại Thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được sử dụng với mục đích xây dựng nhà xưởng và kho bãi. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 30/9/2005. Tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà làm việc cấp 4, dãy nhà xưởng, trạm biến thế và các tài sản gắn liền với đất khác.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 8/12: Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm gửi hàng trăm nghìn tỷ tại ngân hàng