Tin ngân hàng ngày 6/12: Nới room tín dụng thêm 1,5-2%
Tin ngân hàng ngày 5/12: Vietcombank rao bán đấu giá nhiều bất động sản và thiết bị máy móc Tin ngân hàng ngày 3/12: Các ngân hàng được nới room tín dụng thêm hàng nghìn tỷ đồng |
Nới room tín dụng thêm 1,5-2% cho các ngân hàng
Tối 5/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% (nới room) cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nới room tín dụng thêm 1,5-2% cho các ngân hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đây là thông tin khá bất ngờ vì trước đó dù có nhiều đề nghị Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định không nới room quá 14% để kiểm soát lạm phát.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng theo hướng, các ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các ngân hàng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo NHNN Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Phòng, chống rửa tiền.
Theo NHNN, Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15/11/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2022 thay thế cho Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Do đó, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo cần phải được xây dựng và ban hành để có cùng thời điểm hiệu lực với Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là 01/3/2023.
Việc xây dựng Quyết định nhằm hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện trên cơ sở bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền nói riêng và công tác phòng, chống tội phạm nói chung.
Mức giá trị giao dịch phải báo cáo quy định tại dự thảo được giữ nguyên theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg là 300.000.000. Theo NHNN, việc giữ nguyên mức giá trị này xuất phát từ những lý do sau:
- Căn cứ vào quá trình triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg thời gian qua và tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam, việc giữ mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hoặc nhiều lần trong một ngày của khách hàng là 300.000.000 là phù hợp.
- Mặt khác, theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo được khuyến nghị là 15.000 USD (tương đương 375.000.000 đồng) cao hơn mức quy định tại dự thảo Quyết định. Tuy nhiên, nếu tăng mức giao dịch phải báo cáo lên 400.000.000 thì sẽ cao hơn ngưỡng của giá trị giao dịch phải báo cáo của FATF.
Do đó, NHNN kiến nghị giữ nguyên mức giá trị như quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu Khuyến nghị của FATF.
Ngân hàng OCB tăng mạnh lãi suất huy động, kỳ hạn 6 tháng có thể nhận 10,5%/năm
Từ tháng 12, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Cụ thể, đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 8,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,9%/năm, kỳ hạn từ 18 tháng là 9%/năm.
OCB cộng thêm 0,3 - 0,8% cho hình thức gửi tiết kiệm online. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên tới 9%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên là 9,3%/năm.
Đáng chú ý, OCB cho biết, lãi suất áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (Tiết kiệm điện tử thông thường, OMNI Flex) tiền gửi có kỳ hạn kênh online (Hợp đồng tiền gửi điện tử) kỳ hạn 6 tháng với số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên được cộng thêm 1,5%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên được cộng 1,2%/năm.
Như vậy, lãi suất cao nhất tại OCB sẽ lên tới 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, kỳ hạn 6 tháng hoặc 12 tháng với số tiền từ 50 tỷ đồng.
Với mức 10,5%/năm, OCB đã thuộc nhóm những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay.
Trước đó, ngoài OCB, một số ngân hàng như Saigonbank, DongABank cũng đã có lãi suất trên 10%/năm.
Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm tại DongABank với số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng sẽ có lãi suất 10,95%/năm. Với số tiền nhỏ hơn, lãi suất cao nhất là 10,7%/năm (tiền gửi từ 1 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng). Thậm chí, với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng của nhà băng này có thể được áp dụng mức lãi lên tới 10,05-10,2%/năm.
Tại Saigonbank, ngân hàng đã tăng lãi suất cao nhất lên mức 10,5%/năm, áp dụng cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, khách hàng gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tại nhà băng này sẽ có lãi suất 10%/năm. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất là 9,6%/năm khi gửi online.
VIB tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức tối đa
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) chính thức tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức tối đa 1%/năm từ ngày 29/11/2022 đồng thời áp dụng nhiều ưu đãi cho khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán.
VIB tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức tối đa/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, khách hàng cá nhân có số dư cuối ngày trên tài khoản thanh toán từ 50 đến 500 triệu sẽ được hưởng mức lãi suất 0,25%/năm, số dư cuối ngày trên 500 triệu đến 1 tỷ sẽ được hưởng mức lãi suất 0,5%/năm, số dư cuối ngày trên 1 tỷ sẽ được hưởng mức lãi suất tối đa lên đến 1%/năm.
Tiên phong trong lĩnh vực số hóa, VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng quy trình định danh điện tử (eKYC) hoàn toàn trực tuyến, giúp khách hàng sở hữu ngay tài khoản thanh toán trong chưa đầy 1 phút. Khách hàng được tặng tài khoản số chọn theo ngày sinh, số điện thoại hoặc lựa chọn số đẹp bất kỳ theo nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh việc tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, trong thời gian qua VIB đã triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán tại VIB, có thể kể đén như:
Ưu đãi giao dịch qua MyVIB2.0: Viễn thông: Giảm 3% không giới hạn khi nạp tiền điện thoại trả trước và 10% không giới hạn khi nạp tiền Gói Data 3G/4G. Tiêu dùng: Giảm tới 25% giá trị hóa đơn khi thanh toán bằng mã SmartPay-QR tại Circle K, GS25, 7-Eleven, nhà thuốc Long Châu, An Khang, Thế Giới Di Động, Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh, TopZone… Học phí: Hoàn tiền 50.000 đồng khi thanh toán học phí thẻ SSC.
Ưu đãi thẻ thanh toán: Hoàn 10% lên đến 100.000 đồng khi mua sắm tại Co.opMart mỗi thứ bảy và chủ nhật hàng tuần; Nhận voucher giảm giá 50.000 đồng mỗi ngày khi mua sắm trên Lazada; Ưu đãi hoàn tiền lên đến 2% cho mọi giao dịch và vô vàn ưu đãi giao dịch mỗi ngày khác
Đặc biệt, với các cá nhân/hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ phần mềm KiotViet, VIB là lựa chọn phù hợp với giải pháp thông báo giao dịch tiền hàng tức thời thông qua tài khoản thanh toán có đăng ký dịch vụ Digi Invoice, và tận hưởng ưu đãi miễn phí sử dụng dịch vụ này trong 01 năm đầu tiên và tặng đến 12 tháng phí sử dụng dịch vụ phần mềm.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 6/12: Nới room tín dụng thêm 1,5-2%