Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt sau 10 năm
Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu xử lý ngân hàng không công khai lãi suất cho vay Tin ngân hàng ngày 6/4: MSB tăng lãi suất tiết kiệm |
Eximbank lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt sau 10 năm
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) tới đây, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank, mã: EIB) dự kiến trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 10% trong đó 7% bằng cổ phiếu và 3% bằng tiền mặt.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Năm 2023, Eximbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.146 tỷ đồng cùng với lợi nhuận để lại từ các năm trước là 125 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ (bao gồm cả quỹ khen thưởng 150 tỷ đồng), lợi nhuận để lại lũy kế của ngân hàng tính đến cuối năm 2023 là gần 1.800 tỷ đồng. Về phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, số tiền mà ngân hàng dự kiến bỏ ra là 522 tỷ đồng.
Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức bằng tiền mặt sau 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông diễn ra vào năm 2014 với tỷ lệ 4%.
Với phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng này sẽ phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu mới, tương ứng vốn điều lệ tăng thêm 1.219 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt 18.688 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành là trong năm nay.
Trước đó, năm 2023, Eximbank đã hai lần chia cổ tức với tỷ lệ lần lượt là 20% và 18%. Cụ thể ngân hàng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu lần đầu vào tháng 2/2023 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021. Tổng số tiền để thực hiện là 2.459 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 20%.
Đến tháng 10/2023, Eximbank tiếp tục phát hành thêm 265 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 18%, nâng vốn điều lệ lên 17.470 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận giữ lại và lũy kế các năm trước và lợi nhuận 2022.
HĐQT Eximbank cũng dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, cao hơn 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.
NHNN trình Chính phủ gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng
Thông tư 02 được NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Mới đây, tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất.
Theo Phó Thống đốc, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến kinh tế Việt Nam. Sắp tới được biết Thủ tướng tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành làm sao hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tễ vĩ mô. Dù vốn ngân hàng dồi dào nhưng vẫn là vấn đề khó khăn đối với một số doanh nghiệp, nhất là hiện lãi suất thấp nhất trong 20 năm qua. Vấn đề còn lại là làm thế nào để khơi thông được dòng vốn.
Phó Thống đốc cho biết, đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng luôn đảm bảo thanh khoản đầy đủ, thậm chí dư giả. Ngoài ra, phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
"Vốn nền kinh tế không thiếu. Hạn mức tín dụng đã Ngân hàng Nhà nước giao cho ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm với 15%. Nếu như điều kiện nền kinh tế cho phép, nền kinh tế cần vốn cho các lĩnh vực là động lực tăng trưởng thì có thể tăng hạn mức tín dụng lên", ông Tú nhấn mạnh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư 02. Để tiếp tục tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ gia hạn thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, thay vì kết thúc vào 30/6/2024.
Tạm giữ khẩn cấp 2 phụ nữ chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng
Ngày 7/4, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã đấu tranh thành công chuyên liên quan các đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động tiền đáo hạn ngân hàng, với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 110 tỷ đồng.
Hai đối tượng gồm Hoàng Thị Ngọc Thúy (SN 1988, trú phường Nam Lý) và Lê Thị Thanh Thủy (SN 1987, trú phường Đồng Hải, TP Đồng Hới).
Thúy và Thủy khai nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, lợi dụng các mối quan hệ bạn bè, quen biết và công việc làm ăn nên đã đưa ra thông tin có nhiều mối quan hệ thân thiết với cán bộ, lãnh đạo của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Thủy và Thúy nói có nhiều thông tin về khách hàng cần vay tiền đáo hạn ngân hàng, lợi nhuận thu được cho vay cao trong thời gian ngắn.
Với thủ đoạn này, Thúy và Thủy đã nhận tiền của 6 người ở TP Đồng Hới, với tổng gần 53 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt sử dụng vào các mục đích khác.
Quá trình thu thập thông tin, tài liệu xác định, Thúy và Thủy còn nhận tiền của nhiều người khác trên địa bàn với tổng trên 110 tỷ đồng. Với số tiền này, ngoài mục đích sử dụng cá nhân, Thúy và Thủy còn cho một số người khác vay.
Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Thúy và Thủy. Đồng thời, ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lợi nhuận Sacombank giữ lại lũy kế vượt 18,300 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và bầu thêm 1 thành viên BKS.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Năm 2023, Sacombank đạt được 9.595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 51% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2,1%, tăng 1,18% so với đầu năm, trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn được kiểm soát khi tỷ lệ nợ xấu tổng thể giảm 0,16%.
Về công tác xử lý nợ xấu, năm 2023, Sacombank thu hồi xử lý 7.941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 4.487 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng đạt 25.099 tỷ đồng, tăng hơn 10%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34%.
Sacombank cho biết tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn, do đó đặt ra các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản đặt ra đến cuối năm 2024 đạt 724.100 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 636.600 tỷ đồng, tăng 10%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 535,800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ điều chỉnh theo mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phân phổ. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2024 là 10.600 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2023.
Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank có 7.469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5.716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. Cộng với gần 12.671 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại năm trước, Sacombank có 18.387 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.
ĐHĐCĐ 2024 sắp tới, Sacombank cũng dự trình bầu bổ sung thêm 1 thành viên BKS, nâng tổng số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2026 lên 5 thành viên.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 8/4: Eximbank lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt sau 10 năm