Tin ngân hàng ngày 8/7: Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút tiền, lãi suất đồng loạt giảm
Tin ngân hàng ngày 7/7: 6 tháng đầu năm, hơn 125.300 tỉ đồng được “bơm” ra nền kinh tế Tin ngân hàng ngày 6/7: NHNN bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ 15/8 |
Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút tiền, lãi suất đồng loạt giảm
Ngày 07/7, thị trường tiếp tục đón hướng mở rộng và tăng cấp hút bớt tiền về trong điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút tiền, lãi suất đồng loạt giảm |
Sau ba tuần triển khai, Nhà điều hành tiếp tục bổ sung thêm kỳ hạn dài hạn trong phát hành tín phiếu theo hướng dài hơn, với 28 ngày sau khi từng bước "thí điểm" kỳ hạn 7 và 14 ngày trước đó.
Trước thềm bổ sung kỳ hạn này, tính đến ngày 06/7, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 145.324,9 tỷ đồng qua kênh tín phiếu; lượng hút bớt về trước đó có kỳ hạn ngắn 7 và 14 ngày đã lần lượt đáo hạn. Số dư tín phiếu lưu hành hơn 145,3 nghìn tỷ đồng theo đó phản ánh mức độ ngày càng mở rộng.
Nối tiếp, phiên 07/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tới gần 40.000 tỷ đồng tín phiếu, trong đó ở kỳ hạn mới 28 ngày có gần 20.000 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/năm.
Như vậy, quy mô hút bớt tiền về giai đoạn này là lớn chưa từng có nhiều năm qua, ngay cả giai đoạn 2019 khi Ngân hàng Nhà nước mua ròng tới khoảng 20 tỷ USD đi cùng lượng tiền cung ứng quanh 500 nghìn tỷ đồng khi đó cũng không dồn dập đến như vậy.
Trong lịch sử hoạt động hệ thống, việc hút ròng lượng tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy thường chỉ là nghiệp vụ cân đối bình thường sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán để cân đối lại lượng bơm ra hỗ trợ trước đó; còn thời điểm hút ròng lớn ngay giữa năm và dồn dập như hiện nay là hiếm có.
Như cập nhật diễn biến những phiên đầu tuần này, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút bớt tiền về, song lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lại có dấu hiệu chững lại. Và đến ngày 07/7, lãi suất VND trên thị trường này đã đồng loạt giảm.
Cụ thể, lãi suất VND qua đêm giảm khá mạnh (-0,14 điểm phần trăm) xuống còn 0,74%/năm; cuối tuần trước từng ghi nhận lên tới quanh 0,9%/năm; các kỳ hạn từ 1 tuần đến 6 tháng cũng đồng loạt giảm nhẹ.
Trong khi đó lãi suất USD trên cùng thị trường vẫn hầu như đi ngang, sau cú huých từ quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trung tuần tháng 6 vừa qua.
VPBank chuẩn bị phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP ngay trong tháng 7
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) vừa có thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 30 triệu cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ với tỷ lệ phát hành 0,675%. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/3 so với thị giá hiện tại của cổ phiếu trên sàn.
Số cổ phiếu quỹ được bán cho người lao động này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa ba năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau một năm sẽ giải tỏa 30% cổ phần, sau hai năm giải tỏa tiếp 35% số cổ phần và sau ba năm giải tỏa 35% số cổ phần còn lại. Thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến ngay trong tháng 7/2022.
Lãnh đạo VPBank cho biết, mục đích của đợt phát hành là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên, gắn liền lợi ích của cán bộ nhân viên với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra còn khuyến khích, tạo động lực cho nhân viên khi công tác chuyên môn, thu hút nhân tài và giữ chân những người có năng lực.
Được biết, trong năm 2020 và 2021, các chương trình ESOP của VPBank không phát hành cho cán bộ nhân viên là người nước ngoài nên trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành một khối lượng đủ lớn để có thể lựa chọn dành cho cán bộ là người nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm tốt, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của VPBank, dự kiến khoảng 10 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh việc phát hành ESOP, năm nay, VPBank dự kiến thực hiện tăng mạnh vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đợt 2, vốn điều lệ sẽ tăng lên mức 79.334 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, VPBank đặt kế hoạch tổng tài sản đến cuối năm đạt 697,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,4% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt hơn 518,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đến cuối năm dự kiến đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%.
Đã có 427 lượt sử dụng thẻ CCCD gắn chip để giao dịch hơn 5,3 tỉ đồng
Vừa qua tại phiên họp tổng kết Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Cục C06 Bộ Công an cho biết, việc triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh, đã có 6.378/13.159 cơ sở và hơn 420.000 công dân sử dụng thẻ CCCD trong khám chữa bệnh.
Đặc biệt, C06 triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại một số chi nhánh của các ngân hàng tại Hà Nội và Quảng Ninh. Sau 1,5 tháng triển khai, đến nay đã có 427 lượt công dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip để giao dịch với tổng số tiền hơn 5,3 tỉ đồng.
Theo C06, điểm nổi bật của việc thí điểm trên là người dân có thể dùng thẻ CCCD để rút tiền mặt, thay vì thẻ ATM như bấy lâu nay. Như trước đây, người dùng chỉ sử dụng mật khẩu để xác nhận thông tin khi rút tiền bằng thẻ ATM. Còn với hình thức mới, người dân có thể quét thẻ CCCD tại cây ATM, hệ thống ngay lập tức kiểm tra thông tin người dùng trên CCCD.
Theo kỳ vọng, hình thức rút tiền bằng CCCD gắn chip sẽ hỗ trợ ngân hàng trong quá trình xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp của cán bộ, loại bỏ các rủi ro, sai sót so với kiểm tra đối chiếu chứng minh thư thông thường. Về phía khách hàng, việc xác thực và đối chiếu thông tin qua CCCD chip giúp cho giao dịch tài chính được thực hiện đơn giản, thuận tiện, an toàn và hoàn toàn tự động, nhanh chóng.
Tính đến nay, Bộ Công an đã sản xuất và cấp hơn 65 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân trên cả nước.
ACB ra mắt ngân hàng số cho doanh nghiệp nhỏ
Ngân hàng số ACB ONE Biz dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ với nhiều tính năng giúp giao dịch nhanh chóng, số hóa vận hành.
ACB ra mắt ngân hàng số cho doanh nghiệp nhỏ |
Đại diện đơn vị cho biết, từ ONE mang ý nghĩa "Online N Exciting", với các tính năng đáp ứng tối ưu nhu cầu tài chính của doanh nghiệp. Chủ đơn vị có thể chủ động hoàn toàn về thời gian và không gian giao dịch. Trước đó, nhà băng ra mắt ngân hàng số ACB ONE, mang đến nhiều tiện ích cho người dùng.
Theo đó các tên gọi thống nhất là ACB ONE Biz dành cho dịch vụ ngân hàng số của khách hàng doanh nghiệp SME hiện tại. Dịch vụ bao gồm cả website và ứng dụng điện thoại ACB Online, Internet Banking, ACB-iBanking, ACB Business App sẽ thay đổi giao diện, logo từ ngày 7/7. Các thông tin tài khoản, thông tin truy cập dịch vụ ngân hàng số và giao dịch của khách hàng doanh nghiệp tại ACB vẫn được duy trì.
Đánh dấu việc ra mắt thương hiệu lần này, ứng dụng ACB ONE Biz được cải tiến, nâng cấp thêm các tính năng như: chuyển tiền nhanh bằng mã QR, giúp người dùng thêm tiện lợi và tiết kiệm thời gian thao tác khi giao dịch. Người dùng có thể truy vấn danh sách các loại tài khoản: tiền gửi, tiền vay, thẻ tức thì giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và quản lý dòng tiền.
Khách hàng doanh nghiệp còn được miễn phí dịch vụ và phí thường niên ACB ONE Biz, tham gia Chương trình ưu đãi ACB Không phí - Nhân đôi ưu đãi: miễn phí chuyển tiền, phí giao dịch tại quầy trong ba tháng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 8/7: Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút tiền, lãi suất đồng loạt giảm