Tin ngân hàng ngày 9/2: Thống nhất giảm lãi suất huy động
Tin ngân hàng ngày 8/2: Giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng mạnh Tin ngân hàng ngày 7/2: Lãi suất huy động giảm vẫn hút người gửi tiền |
Ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động
Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) sáng 8/2 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo khảo sát, ngay từ hôm 7/2, một số ngân hàng lớn trong nhóm Big4 đã rục rịch triển khai đến các chi nhánh về việc giảm lãi suất huy động dân cư, các chi nhánh căn cứ theo chỉ đạo này để cân đối, huy động vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất tối đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Trên thực tế, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan điều hành có hoạt động thanh kiểm tra và nhắc nhở một số nhà băng có lãi suất huy động trên 10%. Do đó, các ngân hàng cũng đã tiết chế hơn trong việc huy động với lãi suất cao. Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Hồi tháng 12/2022, dưới sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, hàng loạt nhà băng đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn (bao gồm các khoản khuyến mại). Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng khẳng định, ngân hàng nào khó khăn về thanh khoản sẽ được NHNN có biện pháp hỗ trợ thông qua các công cụ như OMO, cho vay tái cấp vốn, Swap ngoại tệ.
Đề nghị minh bạch hóa quy định các khoản vay ưu đãi
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc minh bạch hóa các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ.
Đó là phản hồi đề nghị của Ngân hàng Nhà nước về việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI cho rằng, minh bạch hóa các quy định, quy chế trong cho vay hỗ trợ lãi suất chính là tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được các khoản vay ưu đãi từ Chính phủ.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số nội dung như: sớm ban hành quy định về nguyên tắc hoạt động kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước và Tổ công tác liên ngành để tránh sự chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các ngân hàng thương mại phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất.
VCCI cho rằng, quy định này vô hình trung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh.
Tín dụng bất động sản tại TP HCM tăng 16%
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã tăng tới 16% trong năm 2022.
Trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu hay cổ phiếu đang gặp khó, tín dụng đang giữ vai trò cung ứng vốn quan trọng cho lĩnh vực bất động sản .
Đây là năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trên địa bàn TP HCM cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt 16%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung đạt hơn 13,8%.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, hiện dư nợ bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ trên địa bàn, với quy mô 3,2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay với mục đích tiêu dùng, tức là mua để ở hoặc sửa chữa nhà cửa chiếm tới 70% dư nợ bất động sản.
Trong khi đó, nhu cầu vốn của các nhà phát triểnbất động sản chủ yếu là nhu cầu vốn trung và dài hạn, nhưng tín dụng ngân hàng chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu. Do đó, về lâu dài, các kênh trái phiếu, cổ phiếu cần được khơi thông để cùng với tín dụng ngân hàng đảm bảo cung ứng vốn cho các nhu cầu khác nhau trong lĩnh vực bất động sản.
Được biết, ngày mai (8/2), Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản nhằm tháo gỡ các vấn đề về tiếp cận vốn, giá vốn và gỡ khó cho thị trường bất động sản.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của OCB đạt 3.510 tỷ đồng, giảm 20,3%
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.740 tỷ đồng, xấp xỉ với con số cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của OCB giảm hơn 20% so với cùng kỳ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, thu nhập lãi thuần năm 2022 của ngân hàng đạt 6.948 tỷ đồng, tăng 22,2% so với năm 2021. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối đều tăng lần lượt 29,2% và 45%. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của ngân hàng ghi nhận khoản lỗ 77 tỷ đồng ở mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và 140 tỷ đồng ở mảng mua bán chứng khoán đầu tư.
Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm mạnh 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.389 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 3.510 tỷ đồng, giảm 20,3% so với năm 2021.
Trước đó, OCB đã lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 của OCB kỳ vọng đạt 7.110 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, ngân hàng này vẫn chưa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt 193.994 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng huy động thị trường 1 đạt 137.403 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Dư nợ thị trường 1 tăng 19% so với năm 2021 đạt 122.792 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 của ngân hàng này là với 2.671 tỷ đồng nợ xấu, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. OCB đã tăng bộ đệm dự phòng thêm gần 42% với 1.582 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu tại nhà băng tăng lên 2,23% so với đầu năm 2022 là 1,32%.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 9/2: Thống nhất giảm lãi suất huy động