Tin ngân hàng ngày 7/2: Lãi suất huy động giảm vẫn hút người gửi tiền
Tin ngân hàng ngày 6/2: Ngân hàng Nhà nước sẽ họp khẩn về tín dụng bất động sản Tin bất động sản nổi bật tuần qua: TP HCM yêu cầu rà soát vướng mắc dự án treo 20 năm |
Lãi suất huy động giảm vẫn hút người gửi tiền ngân hàng
Qua khảo sát, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 1,5 đến 3%/năm tùy từng kỳ hạn. Thế nhưng, nhiều người vẫn quyết định gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì đầu tư các kênh khác.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 11/2022 đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng thêm gần 84.600 tỷ đồng so với tháng 10/2022 lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 42.341 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 11/2022 là thời điểm lãi suất các ngân hàng "đua" tăng mạnh, phổ biến ở mức từ 9 - 10%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia phân tích tại một số công ty chứng khoán cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng giảm dần, nhất là từ nửa cuối năm.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, mặt bằng lãi suất có thể sẽ không tăng mạnh trong năm 2023. SSI cho rằng chỉ khi các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc, lãi suất tiền đồng trong nước mới có thể hạ nhiệt, có thể là trong nửa cuối năm 2023.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại nhận định trong môi trường không thuận lợi, lãi suất còn dư địa tăng, ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ sẽ buộc phải giữ mức lãi suất cao để đảm bảo nhu cầu huy động.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát; góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế; điều hành lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
VPBank hợp tác cùng JCB ra mắt thẻ Z Card dành cho Gen Z
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) phối hợp cùng Tổ chức thẻ Quốc tế JCB vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng mới VPBank JCB Z Card dành riêng cho khách hàng Gen Z với nhiều tính năng ưu đãi vô cùng hấp dẫn.
Gen Z là thế hệ tập trung vào sự trải nghiệm. Họ có khả năng nắm bắt nhanh chóng các xu hướng mới, quan tâm nhiều hơn đến việc theo đuổi đam mê, tìm kiếm niềm vui và kết nối mọi người. Họ có thể dành phần lớn thu nhập cho lifestyle (phong cách sống), chi tiêu nhiều cho các hoạt động giải trí, ăn uống và tiện ích công nghệ.
Thấu hiểu điều đó, VPBank đã tạo sự khác biệt cho thẻ Z Card với một "bộ sưu tập" tính năng và ưu đãi vô cùng phù hợp với phong cách sống mà thế hệ Z đang theo đuổi. Chủ thẻ VPBank JCB Z Card sẽ được hoàn 10% cho các dịch vụ chi tiêu cho ẩm thực, giải trí, fitness và hoàn 10% cho các hóa đơn thanh toán di chuyển, đặt đồ ăn cho mỗi một kỳ sao kê. Bên cạnh đó, chủ thẻ Z Card cũng có đặc quyền tham dự chương trình trả góp 0% lãi suất kỳ hạn 6 tháng cho các giao dịch phát sinh chi tiêu trong 3 tháng kể từ thời điểm mở thẻ.
VPBank sẽ miễn phí thường niên năm đầu tiên cho chủ thẻ có 03 giao dịch chi tiêu trong 30 ngày đầu tiên sau mở thẻ. Bên cạnh đó, tất cả chủ thẻ mới chỉ cần chi tiêu từ 2 triệu đồng trong 30 ngày mở thẻ sẽ được tặng ngay một mã ưu đãi Urbox trị giá 300.000đ.
Đặc biệt nhân dịp ra mắt sản phẩm, mỗi tháng VPBank sẽ tặng 100 mã ưu đãi Urbox, mỗi mã trị giá 700.000 VND cho những khách hàng mở thẻ thành công. Ưu đãi sẽ dành cho những khách mở thẻ sớm nhất và thỏa điều kiện chi tiêu từ 2 triệu đồng trong 30 ngày đầu tiên.
Bên cạnh các chương trình ưu đãi được xây dựng riêng cho Z Card, chủ thẻ cũng sẽ được hưởng các chương trình ưu đãi khác của VPBank như giảm đến 30% tại hơn 5.000 cửa hàng, đối tác ăn uống, du lịch, mua sắm... cũng như chương trình giảm giá tại hơn 100 nhà hàng Nhật, Hàn và các chuỗi cửa hàng thương hiệu Nhật Bản theo chương trình ưu đãi đặc quyền từ Tổ chức thẻ Quốc tế JCB.
Sở hữu thẻ Z Card khách hàng được hưởng ưu đãi miễn lãi trong 45 ngày, được chấp nhận thanh toán tại 29 triệu điểm trên hơn 150 quốc gia. Khách hàng cũng có thể dễ dàng rút tiền mặt hay thanh toán thẻ trên toàn thế giới mà không cần lo đổi ngoại tệ khi đi du lịch, công tác nước ngoài.
Việt Nam trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới
Năm 2022, Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối hàng đầu thế giới. Theo đó, Việt Nam đã nhận 19 tỷ USD kiều hối, cao hơn 1 tỷ USD so với năm trước đó.
Được biết, nguồn kiều hối về Việt Nam đổ về chủ yếu đến từ các quốc gia có số lượng lớn người nhập cư và lực lượng lao động người Việt như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa ngoại tệ về Việt Nam.
Tuần qua, Trang Macaubusiness, Manilatimes và The Star của Malaysia đều đăng tải bài viết với tiêu đề "Việt Nam lọt top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2022".
Theo các bài viết, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã tăng gần 5% vào năm 2022 và có thể tăng 3,6 - 4,5% trong những năm tiếp theo.
"Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam có thể thúc đẩy việc gia tăng nguồn kiều hối bằng các phương pháp như: tập trung nâng cao kỹ năng và trình độ học vấn, bởi người Việt có trình độ càng cao sẽ có thu nhập tốt ở nước ngoài", GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam, đánh giá.
Tại một số thị trường như Nhật Bản, số lao động người Việt chiếm tỷ lệ lớn nhất theo quốc tịch. Trên trang Vietjo và Nikkei của Nhật Bản tuần qua, lao động người Việt Nam tại Nhật Bản tăng 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái lên 462.384 người, chiếm 25,4% tổng số lao động nước ngoài.
"Các công ty Nhật Bản đánh giá rất cao lao động người Việt bởi tính cách trung thực, tinh thần cố gắng trong công việc cũng như thái độ hòa đồng với đồng nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng các bạn có thể tiếp tục sang Nhật Bản làm việc", ông Shinohara Ryota, Trưởng phòng Tổng hợp, Cục Sản xuất chế tạo, Bộ Kinh tế Nhật Bản, nhận định.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2022, hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề, đóng góp cho nguồn kiều hối gửi về hơn 3 tỷ USD/năm.
Chuyển hồ sơ sang công an điều tra tố cáo 'gửi tiết kiệm tại SCB lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife'
Mới đây, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa có phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an). Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, nhận được đơn tố cáo các công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB; MCK: SCB) (đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.
“Căn cứ quy định của Luật Tố cáo, Nghị định 31/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, Thông tư số 05/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, Bộ Tài chính chuyển đơn đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả tới Bộ Tài chính”, phiếu chuyển đơn của Bộ Tài chính nêu rõ.
Trao đổi với báo chí, một khách hàng tại Hà Nội cho biết, khi đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng bị tư vấn viên lập lờ chuyển sang mua gói bảo hiểm Tâm An Đầu tư của Manulife, khách hàng này liên tục đòi lại tiền gửi tiết kiệm nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng.
Theo khách hàng, tư vấn viên của Ngân hàng SCB và Mannulife làm sai quy trình tư vấn cho khách hàng. Nhiều khách hàng được nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng SCB tư vấn bảo hiểm, sau đó người đứng tên ký hợp đồng là nhân viên bảo hiểm khác mà trước đó khách hàng không hề biết.
Trước đó, vào tháng 10/2022, sau khi báo chí phản ánh về tình trạng người dân gửi tiền tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm nhân thọ, Manulife đã hủy hợp đồng, trả lại tiền cho một số người dân.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 7/2: Lãi suất huy động giảm vẫn hút người gửi tiền