Tin ngân hàng ngày 9/7: Công ty bảo hiểm sắp chi hàng trăm tỷ trả cổ tức tiền mặt
Tin ngân hàng ngày 8/7: Nợ xấu không giảm như kỳ vọng của các ngân hàng Tin ngân hàng tuần qua: NHNN dự báo về lãi suất huy động và cho vay quý III/2024 |
Loạt công ty bảo hiểm sắp chi hàng trăm tỷ trả cổ tức tiền mặt
Các công ty bảo hiểm trên sàn chứng khoán dự kiến chi hàng trăm tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong năm 2024.
Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đã thông báo ngày 16/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15%/cổ phiếu, tương đương 1.500 đồng mỗi cổ phiếu, tổng số tiền chi trả là gần 176 tỷ đồng. Sau đợt chi trả này, lợi nhuận chưa phân phối của BIC còn gần 69 tỷ đồng. BIDV, công ty mẹ sở hữu 51% cổ phần BIC, dự kiến thu về gần 90 tỷ đồng từ đợt chi trả này.
Tổng CTCP Tái bảo hiểm Hà Nội sẽ chi trả cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2023 với tỷ lệ 4,5% (450 đồng/cổ phiếu), ngày đăng ký cuối cùng là 1/8 và thanh toán vào ngày 26/8, tổng số tiền chi trả là gần 47 tỷ đồng.
Các công ty bảo hiểm khác cũng thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bao gồm Tập đoàn Bảo Việt (BVH), CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty Cổ phần PVI (PVI).
Bảo Việt dự chi 745 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 10,04%. ABIC đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu), tổng số tiền dự kiến là 71 tỷ đồng. MIC dự kiến chi hơn 172 tỷ đồng để chia cổ tức tỷ lệ 10% từ lợi nhuận giữ lại của năm 2023.
Bảo hiểm PVI dự kiến chi gần 750 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 32%, cao hơn mức dự kiến 28,5% của năm ngoái. Đây là năm thứ 9 liên tiếp PVI trả cổ tức bằng tiền ở mức 20% trở lên và là mức chi trả cổ tức cao thứ hai trong lịch sử của công ty, chỉ sau mức 33% của năm 2021.
Người dân có nhu cầu gửi tiền nhiều hơn nhu cầu vay vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh cho thấy, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II có cải thiện nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I. Tuy vậy, khoảng 70-75,5% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III và cả năm 2024.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, 86,2% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, trong khi 11% lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 2,8% dự báo lợi nhuận không thay đổi. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý II/2024 chỉ phục hồi nhẹ, thấp hơn so với kỳ vọng.
Nhu cầu gửi tiền và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được nhận định “cải thiện” nhiều hơn so với nhu cầu vay vốn. Doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cao hơn khách hàng cá nhân và TCTD khác vào cuối quý II/2024. Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ cải thiện tốt hơn trong quý III/2024 và trong năm 2024 khi nền kinh tế phục hồi tích cực.
Huy động vốn toàn hệ thống dự kiến tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và 10,1% trong năm 2024. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và 14,1% trong năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu và mặt bằng rủi ro tổng thể của khách hàng được nhận định tăng nhẹ trong quý II và dự báo tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong quý III.
Nhiều TCTD đã hoặc dự kiến tăng nhẹ lãi suất huy động, nhưng tính chung cả năm 2024 vẫn dự kiến giảm nhẹ so với cuối năm ngoái, trong khi giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý hơn 50.000 tỷ đồng trong 6 tháng
Trong nửa đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan đã thực hiện 31.195 cuộc thanh tra, kiểm tra, và kiểm tra 380.146 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, cùng với 580 hồ sơ sau thông quan. Tổng số tiền kiến nghị xử lý tài chính lên tới 50.034 tỷ đồng.
Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành 15 cuộc thanh tra theo kế hoạch, kiến nghị xử lý tài chính 15.264 tỷ đồng, trong đó đề nghị nộp ngân sách nhà nước 1.736 tỷ đồng và các kiến nghị khác là 13.528 tỷ đồng. Ngành Thuế đã thực hiện 29.744 cuộc thanh tra, kiểm tra, với số tiền kiến nghị xử lý 27.626 tỷ đồng.
Hệ thống Hải quan đã tiến hành 12 cuộc thanh tra chuyên ngành, kiến nghị truy thu thuế 131,9 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính 1,3 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước 27,96 tỷ đồng. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 119 cuộc thanh tra chuyên ngành và 375 cuộc kiểm tra nội bộ, kiến nghị xử lý tài chính 2,3 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ cũng đã ban hành các văn bản đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, đảm bảo thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 142 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Trong những tháng cuối năm, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ tăng cường các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, và xử lý tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm và có nguy cơ tham nhũng cao, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong nội ngành.
Thanh tra Bộ cũng sẽ đẩy mạnh thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, và công vụ, nhằm chấn chỉnh kịp thời các vi phạm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
PGBank miễn nhiệm Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Nam
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực phía Nam đối với ông Đinh Thành Nghiệp kể từ ngày 5/7. Lý do miễn nhiệm được PGB đưa ra là “theo định hướng hoạt động của ngân hàng”.
Ảnh minh họa |
Ông Đinh Thành Nghiệp sinh năm 1963 và gắn bó với PGBank từ những ngày đầu thành lập. Giai đoạn 1993 – 2005, ông đảm nhận các vị trí Phó chủ tịch HĐQT/Giám đốc Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười – tiền thân của PGB. Đến năm 2005, ông trở thành Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc PGBank và kiêm nhiệm 2 vị trí này cho đến nay.
Sau khi được miễn nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, ông Đinh Thành Nghiệp vẫn sẽ tiếp tục là Thành viên HĐQT PGBank. Ban điều hành của PGBank được rút xuống còn 3 người, bao gồm Phó tổng giám đốc điều hành Trần Văn Luân và 2 Phó tổng giám đốc là ông Nguyễn Trọng Chiến và ông Lê Văn Phú.
Ngày 26/8/2024, PGBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 tại Khách sạn The Five Residences, 345 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Tại đây, PGBank sẽ tiến hành bầu bổ sung hai thành viên HĐQT. Hai ứng viên được HĐQT đề xuất vào vị trí thành viên độc lập HĐQT là ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga. PGBank hiện vẫn chưa công bố sơ yếu lý lịch của các ứng viên này.
Trước đó ở ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào tháng 4, cổ đông PGB đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh. Cả ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh đều mới được bầu vào HĐQT PGBank tại ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 10/2023.
Ngân hàng phải tuân thủ quy định mới về giới hạn góp vốn
Tại khoản 5 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng, công ty con của TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp, TCTD với một số trường hợp. Bao gồm: Doanh nghiệp, TCTD khác là cổ đông, thành viên góp vốn của TCTD dụng đó; doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của cổ đông lớn, thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng đó.
Ảnh minh họa |
Theo đó, NHNN đã xây dựng và ban hành Thông tư 16 để chi tiết hóa các nội dung nêu trên tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Thông tư 16, các TCTD, công ty con của tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ để bảo đảm chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025 tuân thủ các quy định.
TCTD đề nghị cổ đông lớn, thành viên góp vốn của TCTD lập danh sách doanh nghiệp, TCTD khác là người có liên quan của mình gửi TCTD. TCTD rà soát, xác định các doanh nghiệp, TCTD thuộc danh sách thuộc diện không được góp vốn theo quy định mới nhưng hiện tại TCTD đó đang góp vốn, mua cổ phần.
TCTD cũng sẽ phải phối hợp với cổ đông lớn, thành viên góp vốn liên quan đến các doanh nghiệp, TCTD mà TCTD đó đang góp vốn xây dựng lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần.
TCTD và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi NHNN quy định tại thông tư này và các quy định pháp luật có liên quan. Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, TCTD phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ./.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 9/7: Công ty bảo hiểm sắp chi hàng trăm tỷ trả cổ tức tiền mặt