Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phát hiện, ngăn chặn xuất lậu 1 triệu USD nhuộm đen ra nước ngoài
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh 10 năm Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: NHNN có thể phải mở room tín dụng lên mức 16% |
OCB được nới hạn mức tín dụng thêm 3%
Mới đây, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research có báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), nhóm phân tích cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm cho OCB hạn mức tăng trưởng tín dụng là 3%, nâng tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng đến hiện tại lên 13%.
OCB được nới hạn mức tín dụng thêm 3%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
SSI Reasearch tin rằng hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước sẽ giúp giảm bớt áp lực cho OCB trong hoạt động huy động vốn. Tuy nhiên, OCB vẫn cần huy động thêm tiền gửi của khách hàng trong những tháng cuối năm (đặc biệt là tiền gửi dài hạn) để kiểm soát nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Nhóm phân tích cho biết tính đến hết quý II, OCB ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 9,8% với tổng dư nợ đạt hơn 113.700 tỉ đồng, nhờ dư nợ cho vay dài hạn tăng 14,4% so với đầu năm, đạt 61.600 tỉ đồng. Điều này được giải thích bởi sự tăng trưởng của dư nợ cho vay chủ đầu tư bất động sản và cho vay mua nhà ở. Trên cơ sở có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Nam Long Group, Khang Điền House, Sơn Kim Land và Capitaland,
Ngoài ra, SSI Research cho biết trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động dịch vụ của OCB tăng 2,4% so với cùng kỳ, đạt 359 tỉ đồng. Mặc dù doanh thu từ mảng phân phối bảo hiểm (bancassurance) tăng 18% so với cùng kỳ lên 192 tỉ đồng, nhưng ngân hàng không đảm bảo được "tỉ lệ tái tục bảo hiểm" và vì vậy phải ghi nhận thêm chi phí quảng cáo. Điều này khiến tổng chi phí hoạt động dịch vụ tăng 24% so với cùng kỳ lên 52,5 tỉ đồng.
Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng lên, OCB đã ghi nhận khoản lỗ 327 tỉ đồng từ giao dịch trái phiếu. Và rõ ràng điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận cốt lõi của OCB trong 6 tháng đầu năm. Để khắc phục vấn đề này, ngân hàng đã nỗ lực hơn trong việc thu hồi nợ xấu, cụ thể đã thu hồi được 226 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Nhìn chung, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu (vốn từng là thế mạnh của OCB) suy giảm, các khoản thu nhập ngoài lãi khác kém hiệu quả, và OCB đang phụ thuộc khá nhiều vào thu nhập lãi. tỉ lệ thu nhập lãi thuần trên tổng thu nhập hoạt động là 94,2% trong quý II so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 77%. SSI Research cho rằng điều này sẽ tiếp tục là một mối lo ngại đối với OCB, vì lợi suất trái phiếu đang có xu hướng cao hơn.
DongABank có thêm thành viên HĐQT mới
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vừa thông báo về việc bổ sung nhân sự Hội đồng Quản trị (HĐQT).
Theo đó, kể từ ngày 14/9/2022, được sự chỉ định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Tâm, sinh ngày 25/06/1965 giữ chức danh Thành viên HĐQT.
Được biết, ông Nguyễn Ngọc Tâm nguyên quán tỉnh Bình Định, là cử nhân kinh tế, cử nhân Luật. Trước khi được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT DongABank, ông Tâm là Phó Tổng Giám đốc của ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho đến khi MHB sáp nhập vào BIDV. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ như Trưởng phòng kế toán ngân quỹ Sở giao dịch, Phó giám đốc Sở giao dịch, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn, là Chi nhánh luôn nằm trong Top đầu của hệ thống MHB.
Năm 2015, sau khi đưa Ngân hàng Đông Á vào diện kiểm soát đặc biệt, NHNN đã điều động, bổ nhiệm nhiều nhân sự mới vào ban lãnh đạo ngân hàng. Trong đó, ngày 14/9/2015, NHNN đã cử ông Nguyễn Ngọc Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc MHB làm Phó tổng giám đốc DongABank.
Đến 12/9/2022, Thống đốc NHNN đã có quyết định về việc chỉ định ông Nguyễn Ngọc Tâm giữ chức danh Thành viên HĐQT DongABank.
Trước đó, Thống đốc NHNN cũng chỉ định ông Nguyễn Thanh Tùng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DongABank giữ chức vụ Chủ tịch ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Tùng được chỉ định vào vị trí Chủ tịch DongABank thay ông Võ Minh Tuấn, người vừa được NHNN bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM.
Phát hiện, ngăn chặn xuất lậu 1 triệu USD nhuộm đen ra nước ngoài
Hai hành khách nhuộm đen hơn 1 triệu USD mang ra nước ngoài trái phép vừa bị cán bộ Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện, kịp thời ngăn chặn.
Phát hiện, ngăn chặn xuất lậu 1 triệu USD nhuộm đen ra nước ngoài/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngày 16/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) cho biết vừa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vụ xuất lậu 1 triệu USD được nhuộm đen ra nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 15/9, qua kiểm tra trực quan từ hình ảnh soi chiếu hành lý, cán bộ hải quan thuộc Đội thủ tục hành lý xuất - Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện nghi vấn và yêu cầu 2 người khách đi chuyến bay VJ803 khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok - Thái Lan xuất trình hành lý để kiểm tra thực tế.
Qua kiểm tra cho thấy, mỗi hành khách mang theo một va li, trong đó mỗi va li có 6 cọc tiền USD phủ bằng hóa chất đen. Số ngoại tệ này gồm 12 cọc (mỗi cọc gồm 10 tét; tổng cộng 10.518 tờ tiền mệnh giá 100 USD). Hiện số tang vật này đã được tạm giữ.
Làm việc với cơ quan chức năng, hai hành khách trên cho biết tên là T.C.T (sinh năm 1972) và N.K.V (sinh năm 1976), đều có quốc tịch Việt Nam.
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang phối hợp với Công an quận Tân Bình tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
BIC chi trả hơn 4 tỉ đồng tiền bảo hiểm cho khách hàng tại Bến Tre
Ngày 15/9, tại Trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bến Tre, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã trao hơn 4 tỉ đồng tiền bảo hiểm người vay vốn - BIC Bình An - cho gia đình khách hàng P.T.C, trú tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Ông P.T.C (sinh năm 1968) là chủ hộ kinh doanh nuôi tôm và kinh doanh yến sào, vay vốn tại BIDV Bến Tre – Phòng Giao dịch Bình Đại, với tổng hạn mức 9 tỉ đồng và tham gia bảo hiểm BIC Bình An với số tiền bảo hiểm 4 tỉ đồng.
Đến ngày 20/7/2022, ông P.T.C không may tử vong do tai nạn giao thông. Mặc dù đã được tận tình cứu chữa tại bệnh viện nhưng do chấn thương quá nặng, ông P.T.C đã không qua khỏi.
Ngay khi nhận được tin báo từ gia đình ông P.T.C, Công ty Bảo hiểm BIDV Cửu Long (đơn vị cấp đơn bảo hiểm cho ông P.T.C) đã gửi lời chia buồn tới gia đình khách hàng, đồng thời, gấp rút phối hợp với gia đình và BIDV Bến Tre thu thập các hồ sơ liên quan để triển khai các thủ tục chi trả bồi thường theo quy định.
Tổng số tiền chi trả cho gia đình ông P.T.C là 4.186.278.082 đồng, mức chi trả lớn nhất của sản phẩm BIC Bình An từ trước đến nay.
Theo đó, BIC sẽ thay mặt gia đình khách hàng thanh toán khoản vay cho Chi nhánh BIDV Bến Tre số tiền 4.002.009.315 đồng. Số tiền còn lại 184.268.767 đồng bao gồm phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và dư nợ, hỗ trợ lãi vay trong thời gian xử lý hồ sơ, trợ cấp mai táng phí được BIC trao trực tiếp cho gia đình ông P.T.C.
BIC Bình An là sản phẩm bảo hiểm người vay vốn, được BIDV và BIC phối hợp triển khai từ năm 2009 và liên tục được nâng cấp, hoàn thiện phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Khi tham gia BIC Bình An, Khách hàng được bảo vệ với mức số tiền bảo hiểm tối đa lên tới 10 tỉ đồng trong trường hợp Tử vong do tai nạn và tối đa 200 triệu đồng trong trường hợp Tử vong do ốm đau, bệnh tật không lường trước được, bao gồm cả bệnh có sẵn và những bệnh đặc biệt phổ biến như: ung thư, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, xơ gan, lao phổi, tiểu đường, suy thận, suy tụy,…
Sẽ quy định chi tiết về việc sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ ngành liên quan và các ngân hàng thương mại có ảnh hưởng lớn về dự thảo nghị định về phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo nghị định về phòng chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước gửi lấy ý kiến 11 bộ liên quan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ngân hàng Nhà nước cũng lấy ý kiến của 8 ngân hàng thuộc nhóm các tổ chức tín dụng có tầm quan trọng trong hệ thống. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được ý kiến tham gia của các đơn vị, trong đó 2 đơn vị không tham gia ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đối tượng chịu tác động, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa, giải trình và tổ chức họp Ban soạn thảo nghị định để thống nhất, hoàn thiện hồ sơ nghị định của Chính phủ.
Theo dự thảo tờ trình mới được hoàn chỉnh gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tiễn công tác phòng, chống tiền giả cho thấy phạm vi hoạt động của tội phạm làm tiền giả ngày càng rộng, bao gồm cả nội địa và khu vực biên giới đất liền và vùng biển.
Tuy nhiên, văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam chỉ quy định công tác hợp tác giữa lực lượng công an, bộ đội biên phòng và lực lượng hải quan.
Do đó, nghị định mới cần bổ sung về trách nhiệm tham gia của các lực lượng khác như lực lượng cảnh sát biển, lực lượng điều tra hình sự quân đội… Điều này sẽ giúp tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng và Ngân hàng Nhà nước, góp phần hạn chế rủi ro về tiền giả cho các tổ chức, cá nhân giao dịch trong xã hội và bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, kinh nghiệm các nước quy định rất cụ thể về các nội dung liên quan đến việc sao/chụp/mô phỏng và các nước cũng xử phạt rất nặng về các vi phạm nhằm bảo vệ đồng tiền quốc gia, hạn chế nguy cơ tiền giả.
Vì vậy, việc bổ sung các quy định về sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam là phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, đồng thời cũng không trái với quy ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.