Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều sai phạm khi thanh tra ngân hàng
Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng hơn 20% trong 9 tháng |
Phát hiện nhiều sai phạm khi thanh tra ngân hàng
Tại Phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?
Phát hiện nhiều sai phạm khi thanh tra ngân hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ kế hoạch định hướng thanh tra, trong đó có thanh tra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như ngành ngân hàng. Thanh tra lĩnh vực này thường tập trung vào quản lý tiền tệ, cấp tín dụng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, trái phiếu chứng khoán, nợ xấu ngân hàng, phòng chống rửa tiền...
Theo quy định, Thanh tra Chính phủ chỉ thanh tra tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%. Ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hoặc nhà băng có vốn nhà nước dưới 50% không thuộc đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trừ trường hợp đặc biệt chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Chính phủ hoặc Thủ tướng giao.
Những năm qua, Thanh tra Chính phủ mới tiến hành thanh tra một vụ việc tại ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là Ngân hàng Đại Chúng; thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước (VietcomBank, VietinBank, BIDV, Agribank); hai ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB).
Về kết quả thanh tra trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung nhiều cơ chế chính sách bất cập sơ hở trong quản lý tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Đã phát hiện nhiều sai sót trong đó kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm giữ kỷ luật trong tiền tệ ngân hàng.
Theo ông Phong, một số vụ việc có dấu hiệu hình sự đã được cơ quan này chuyển cơ quan điều tra như, quá trình thanh tra tại Agribank năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện, chuyển hồ sơ 14 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra Công an. Các vụ việc này đã được cơ quan điều tra tiến hành tố tụng. Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã được đưa ra xét xử và đây là vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước bơm gần 5.000 tỉ đồng qua thị trường mở
Ngày 3/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm gần 5.000 tỉ đồng qua thị trường mở với kỳ hạn 14 ngày. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, NHNN bơm tiền ra thị trường. Trước đó, ngày 2/11 là 15.522 tỉ đồng, kỳ hạn 14 ngày.
Tính trong 3 ngày đầu tháng 11, NHNN đã bơm 37.522 tỉ đồng, trong khi lượng tiền hút về chỉ 10.000 tỉ đồng (kỳ hạn 7 ngày). Lượng tiền bơm ròng lên 27.522 tỉ đồng.
Cùng ngày 3/11, lãi suất giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng nhảy vọt lên mức cao. Đối với kỳ hạn qua đêm, lãi suất lên 6,96%/năm, 1 tuần 7,28%/năm, 2 tuần lên 7,6%/năm, 1 tháng lên 7,9%/năm. Từ 2 tháng trở lên, lãi suất vượt mức 8%/năm như kỳ hạn 2 tháng lên 8,06%/năm, 3 tháng 8,16%/năm, 6 tháng lên 8,22%/năm, 9 tháng lên 8,43%/năm, 1 năm lên 8,5%/năm.
Đồng thời, giá USD của các ngân hàng vẫn đứng cao kịch trần. Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại ở mức 24.870 - 24.872 đồng/USD, mua vào khoảng 24.680 - 24.700 đồng/USD. Trên thị trường quốc tế, giá USD tăng mạnh trở lại sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75%, lên 3,75 - 4%/năm. Chỉ số USD - Index tăng 0,86 điểm, lên 112,96 điểm. Điều này khiến giá các ngoại tệ trong ngân hàng sụt giảm mạnh.
SHB trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15%
Theo đó, 24/11/2022 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu. Trước đó, SHB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ chia cổ tức năm 2021 với tỉ lệ 15% bằng cổ phiếu vào ngày 2/11/2022. Ngay sau khi thực hiện chốt danh sách cổ đông, SHB sẽ thực hiện thủ tục chia cổ tức theo quy định.
SHB trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng thêm hơn 4.000 tỉ đồng, lên mức 30.674 tỉ đồng.
Cổ phiếu SHB được niêm yết từ năm 2009. Ngân hàng luôn thực hiện niêm yết công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, nhà băng này còn nỗ lực đảm bảo lợi ích của cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức hàng năm từ 7 đến 15% một năm.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản của SHB đạt hơn 528.000 tỉ đồng. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 400.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 380.000 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.035 tỉ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
SHB được Moody’s xếp hạng tín nhiệm B1, triển vọng tích cực. Đến nay, nhà băng này đã phủ sóng hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối tới 500 ngân hàng đại lý trên khắp các châu lục.
Với tôn chỉ "Phụng sự từ tâm" và phương châm hoạt động "Đối tác tin cậy - Giải pháp phù hợp", SHB hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam năm 2027. Tầm nhìn tới năm 2035, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong top đầu của khu vực.
SHB hiện là một trong 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Ngân hàng đạt top 10 ngân hàng thương mại cổ phần uy tín nhất Việt Nam, top 50 doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam, top 100 Ngân hàng khu vực ASEAN, top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất toàn cầu. SHB được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba cùng nhiều bằng khen từ các tổ chức, Chính phủ và Nhà nước.
Ngân hàng hạ giá chung cư, biệt thự để thu hồi nợ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hoàng Mai (Hà Nội) tiếp tục ra thông báo bán đấu giá khu nhà ở Biệt thự Hoa Phượng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Đây là lần thứ 3 BIDV Hoàng Mai rao bán đấu giá tài sản này. Giá khởi điểm từ 25,27 tỉ đồng, thấp đã giảm so với mức giá 28 tỉ đồng trước đó.
Đây là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty CP sản xuất điện tử Thành Long tại BIDV Chi nhánh Hoàng Mai Hà Nội. Tài sản bán đấu giá có diện tích 310 m2; diện tích xây dựng là 110 m2; diện tích sàn 436,1 m2.
Buổi đấu giá được tổ chức lúc 9h00 ngày 21/11/2022 tại Ô số 6, Tầng 1, Tòa nhà Sunrise IIA, NO2A, KĐT Sài Đồng, P. Phúc Đồng, Q. Long Biên, TP Hà Nội.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court cũng đang được rao bán để thu hồi nợ.
Giá khởi điểm cho toàn bộ 19 căn hộ trong lần rao bán này còn 77 tỉ đồng (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì), giảm 2 tỉ đồng so với lần rao bán 2 tháng trước.
Dự án Xi Grand Court tọa lạc tại vị trí 4 mặt tiền, trục đường chính là Lý Thường Kiệt đối diện Sân Vận Động Phú Thọ, vị trí chiến lược, dân cư sầm uất nhất của Quận 10, TP.HCM. Xi Grand Court có tổng diện tích 1.8ha, Tổng diện ̣tích sàn xây dựng (gồm hầm) lừ 169.290,19m2.
Quy mô dự án gồm 4 Block căn hộ A1, A2, B, C cao từ 27 - 30 tầng trong đó: Gồm 462 căn hộ thương mại để bán và 114 căn hộ Officetell, căn hộ Studio, quy mô dân số khoảng 1.684 người.
Cũng tại dự án này, Sacombank còn rao bán 870 m2 diện tích sàn thương mại tầng 5 với giá khởi điểm 41 tỉ đồng, hơn 13.000 m2 diện tích sàn tầng hầm với giá 257 tỉ đồng, hơn 2.200 m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ tầng 7 với giá 104 tỉ đồng.
Các căn hộ và sàn thương mại tại Dự án Xi Grand Court được Sacombank đưa ra đấu giá lần đầu vào năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa rao bán thành công dù đã nhiều lần hạ giá.
Gần 900.000 tỉ “nằm” ở ngân hàng, chậm giải ngân
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện tình hình giải ngân rất khó nên còn gần 900.000 tỉ đồng ngân sách đang được gửi tại ngân hàng. Trong đó, khoản tiền gửi không kỳ hạn là 600.000 tỉ đồng và có kỳ hạn 290.000 tỉ đồng. Số tiền ngân sách gửi tại ngân hàng trên do nhiều khoản dự toán chi chưa đạt kế hoạch.
SHB trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 15%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo dự thảo báo cáo ngân sách năm 2022, dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2022 ở mức 1,78 triệu tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng số chi ngân sách đạt 60,9% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển, tổng số vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỉ đồng. Tiến độ giải ngân vốn 9 tháng đầu năm 2022 vẫn chậm so với yêu cầu và cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 46,7% kế hoạch.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các bộ, địa phương để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề cao hơn nữa trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022”, Bộ Tài chính cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để nền kinh tế phát triển, cần tập trung vào chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong bối cảnh hiện nay, huy động vốn trên thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn, nguồn vốn giải ngân đầu tư công cần được khơi thông để tiếp sức cho nền kinh tế.
“Với những khoản đầu tư công giải ngân chậm cần truy trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chậm trễ. Cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của việc tiền đầu tư công ách lại, gây lãng phí. Nguồn vốn đầu tư công vận hành tốt sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Không giải ngân vốn đầu tư công, để ở ngân hàng là có tội, gây lãng phí, gây khó khăn cho nền kinh tế. Người nào không thực hiện được cần nghỉ việc để người khác thực hiện”, ông Hùng kiến nghị.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế hồi phục, tăng trưởng trở lại, nhu cầu vốn lớn nhưng một nguồn vốn đầu tư công lớn như vậy lại chậm được giải ngân. Vậy cần có giải pháp cho vấn đề này. Cơ quan chức năng nên xem xét bãi bỏ quy định chi tiết không cần thiết. Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT nên có tờ trình Thủ tướng, hoặc Phó Thủ tướng chuyên trách chủ trì, xem xét, quyết định.
Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Phát hiện nhiều sai phạm khi thanh tra ngân hàng