Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tăng cường thanh tra, xử nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Tin ngân hàng ngày 18/6: Gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng Tin ngân hàng ngày 17/6: Agribank được cấp 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho các khoản vay |
Tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểm
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nếu nhân viên các ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm sau đó mới giải ngân là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm.
Xử lý nghiêm các trường hợp ngân hàng ép khách mua bảo hiểm |
Phản ánh về tình trạng các tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng mua bảo hiểm tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, ông Trần Đăng Phi, Phó chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.
Ngoài ra, Phó chánh thanh tra cũng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng tuyệt đối không để tình trạng có nhân viên yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm sau đó mới thực hiện giải ngân.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, cũng như thanh tra giám sát các ngân hàng, chi nhánh tỉnh, thành phố nếu phát hiện các tổ chức tín dụng, cá nhân yêu cầu, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm rồi mới giải ngân thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần lên tiếng chấn chỉnh hoạt động này. Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Tổ chức Tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.
Về phía Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm bảo đảm hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Khách hàng nhận được trọn 5 ưu đãi khi gửi tiết kiệm tại Bản Việt
Ngân hàng Bản Việt cho biết, chỉ cần gửi từ 5 triệu sẽ nhận đến 5 ưu đãi: (i) cộng thêm lãi suất từ 0.1% đến 0.4%/năm tương ứng với 1 số kỳ hạn, đặc biệt ưu đãi lãi suất lên đến 6.6%/năm khi khách hàng tham gia sản phẩm tiết kiệm lãi suất linh hoạt với mức gửi từ một tỷ đồng, tại kỳ hạn từ 184 ngày trở lên, (ii) nhận tài khoản số đẹp, (iii) nhân đôi điểm thưởng tích lũy cho các tài khoản tiết kiệm tham gia chương trình, (iv) được hoàn tiền 100.000 đồng khi lần đầu tiên gửi tiết kiệm qua Digimi, (v) tham gia quay số và cơ hội nhận quà tặng hoặc voucher du lịch cho 2 người.
Đối với khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy ở các điểm giao dịch của Bản Việt, bên cạnh lãi suất hấp dẫn (lãi suất cao nhất lên đến 7.0%/ năm) và cơ hội nhận voucher du lịch, khi gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, tùy theo mức tiền gửi sẽ nhận ngay quà tặng áo mưa hoặc mũ bảo hiểm xinh xắn cho trẻ em. Ngoài ra, khách hàng gửi tiết kiệm mở thêm tài khoản thanh toán sẽ được chọn miễn phí số tài khoản theo nhu cầu.
Bên cạnh đó, nhân dịp chào hè đang về, Bản Việt cũng tổ chức chương trình quay số trúng thưởng với giải thưởng là các voucher du lịch và nghỉ dưỡng dành cho cả gia đình. Mỗi khách hàng tham gia chương trình "Gửi tiết kiệm x5 ưu đãi" gửi tiết kiệm trực tuyến từ 5 triệu đồng hoặc gửi tiết kiệm tại quầy từ 10 triệu đồng sẽ nhận 1 mã số dự thưởng, gửi càng nhiều, cơ hội trúng thưởng càng lớn. Tổng số lượng giải thưởng gần 600 giải với 5 giải đặc biệt là voucher du lịch nước ngoài dành cho 2 người trị giá 30.000.000 đồng/giải.
Công ty tài chính tập trung vào công cuộc đẩy lùi tín dụng đen tại các khu công nghiệp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã cùng Bộ Công an nghiên cứu vì sao tín dụng đen vẫn có đất để tồn tại. Điều này xuất phát từ hai phía, trước hết là vẫn còn nhu cầu vay vốn của người lao động, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, từ đó dẫn đến khi có cầu ắt có cung, tín dụng đen có đất để hoành hành. Chúng tôi nhận thức phải làm rõ hai vấn đề này".
Công ty tài chính tập trung vào công cuộc đẩy lùi tín dụng đen tại các khu công nghiệp |
Theo ông Đào Minh Tú, thứ nhất là làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân, khi họ có nhu cầu vay tín dụng ở những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này là thuộc trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước cùng các cấp chính quyền triển khai.
Thứ hai là nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính là hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội, phần đó rõ ràng các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tín dụng toàn diện này để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân nói chung, công nhân và nông dân nói riêng", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết thêm: "Ngay tại đây, chúng tôi đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIT là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HDBank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân".
Thực chất, vay tín chấp ở các khu công nghiệp hiện nay đang được rất nhiều ngân hàng và công ty tài chính đáp ứng với các sản phẩm cho vay đa dạng. Trong đó, đặc biệt là sản phẩm vay theo lương với nhiều phân khúc sản phẩm vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại lớn và các công ty tài chính hỗ trợ.
Tại FE CREDIT, trong những năm gần đây, doanh nghiệp này đã tập trung cung cấp những khoản vay tiêu dùng dành riêng cho người lao động có thu nhập trung bình - thấp. Công ty cũng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính giúp tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.
Hậu kiểm toán, Ocean Group chuyển từ lãi sang lỗ 280 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2021 của Ocean Group, lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán chuyển từ dương 105 tỷ đồng sang âm 280 tỷ đồng, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 76 tỷ đồng, trong khi trước đó dương 145 tỷ đồng.
Nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn giữa báo cáo kiểm toán và tự lập là do giá vốn hàng bán tăng khoảng 102 tỷ đồng vì công ty con do OGC nắm 55,6% là CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH), trích lập dự phòng tổn thất hàng tồn kho đối với dự án Sài Gòn Airport.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khoảng 286 tỷ lên gần 300 tỷ do OCH và các công ty con của OCH thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo khả năng thu hồi và kết quả việc bán một số khoản nợ khó đòi trong năm 2022.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán lưu ý tính đến cuối năm công ty lỗ lũy kế 2.726 tỷ đồng, tồn tại yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Tập đoàn lý giải thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phiếu, dự án bất động sản cũng như tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu.
Tiếp đó, đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc liên quan đến một số khoản công nợ công ty muốn chuyển theo dõi ngoại bảng từ năm tài chính kết thúc 31/12/2021 và các năm sau, cũng như quy trình lấy ý kiến bằng cổ đông bằng văn bản liên quan xử lý.
Cụ thể, công ty cho biết đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi giá trị gốc khoảng 1.072 tỷ đồng với giá khởi điểm bằng 10% giá trị nợ gốc nhưng không có đối tác quan tâm mua tại thời điểm mở chào bán 4/6.
Cuối cùng, kiểm toán lưu ý thêm việc dự án khách Sài Gòn Airport tại quận Tân Bình, Tp.HCM đang được thế chấp để bảo lãnh cho các khoản vay của Công ty TNHH Pegasus Thăng Long, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang và Công ty CP One Capital Hospitality ký hợp đồng bán các khoản nợ phải thu khó đòi và khoản nợ tiềm tàng.
NCB tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022
Ngày 18/6/2022, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2022.
NCB tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 |
Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua các báo cáo quan trọng như: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2021-2022 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ 2022-2025 của HĐQT; Báo cáo của Ban Điều hành về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022 với sự đồng thuận cao.
Theo đó, ĐHĐCĐ NCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với một số mục tiêu chính: Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 608 tỷ đồng; Tổng tài sản tăng lên mức hơn 78 nghìn tỷ đồng; Tập trung thu hồi, xử lý nợ xấu, mục tiêu thu hồi đúng như kế hoạch tại PACCL; tái cấu trúc toàn diện chất lượng tài sản; tăng cường công tác giám sát, quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Đại hội đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Phạm Thế Hiệp - thành viên HĐQT và ông Kido Tamaki - Thành viên HĐQT độc lập, đồng thời bầu bổ sung bà Hoàng Thu Trang và bà Trịnh Thanh Mai là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bà Hoàng Thu Trang có 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Trang đã từng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng: Phó Giám đốc Trung tâm Kế hoạch và thông tin quản trị - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Giám đốc Quản lý Tài chính - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Phó Giám đốc Khối Tài chính kiêm Giám đốc Trung tâm Kế hoạch và Thông tin quản trị - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Bà Hoàng Thu Trang đang đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc NCB từ tháng 8/2021 cho đến nay.
Bà Trịnh Thanh Mai có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà Mai đã từng là lãnh đạo cấp cao tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức tín dụng: Phó Tổng Giám đốc Công ty PWC Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Ngân hàng ANZ Việt Nam; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ngân hàng ANZ - Úc.
Như vậy, HĐQT NCB sẽ có 5 thành viên, gồm: bà Bùi Thị Thanh Hương - Chủ tịch, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch, bà Trương Lệ Hiền, bà Hoàng Thu Trang và bà Trịnh Thanh Mai - Thành viên HĐQT độc lập.
Với việc kiện toàn bộ máy, củng cố đội ngũ nhân sự cấp cao dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NCB hướng tới những bước tiến mang tính đột phá khi chú trọng đầu tư phát triển nhân sự, nền tảng công nghệ, giải pháp và sản phẩm dịch vụ để từng bước đạt được mục tiêu chiến lược của NCB.