Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 23/7: Vietbank phát hành trái phiếu ra công chúng Tin ngân hàng ngày 22/7: HSBC “thu xếp” khoản vay hợp vốn cho Techcombank trị giá 1 tỷ USD |
Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng
Chỉ trong 5 tháng đầu năm, người dân gửi thêm vào hệ thống ngân hàng 268.000 tỷ, gấp 1,7 lần tiền gửi tăng ròng vào hệ thống cả năm 2021.
Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố tính đến hết tháng 5, lượng tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 5,57 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư 5 tháng đầu năm 2022 là hơn 5%, cao hơn nhiều mức tăng 2,6% cùng kỳ năm ngoái.
So với đầu năm, người dân đã gửi ròng vào hệ thống 268.000 tỷ đồng - gấp đôi mức tăng 134.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cao hơn nhiều mức tăng 159.000 tỷ đồng của cả năm 2021.
Thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền số trầm lắng trong khi lãi suất tiền gửi ngân hàng xu hướng tăng khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân phân bổ lại danh mục tài sản. Sau gần hai năm dòng tiền phân tán sang các kênh đầu tư khác, gửi tiền ngân hàng nay lại trở thành kênh được ưa chuộng của nhiều người dân.
Còn về phía tiền gửi của tổ chức tại hệ thống ngân hàng, mức tăng trong 5 tháng đầu năm nay tương đương với cùng kỳ năm ngoái - ở mức 3%.
Tiền gửi dân cư và tổ chức trong hệ thống ngân hàng ghi nhận mức tăng tích cực, qua đó đóng góp chủ yếu vào tổng phương tiện thanh toán. Nhưng tính đến hết tháng 5, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 3,33% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 3,7%). Chỉ số này có dấu hiệu tăng chậm lại, khả năng xuất phát từ lượng giấy tờ có giá phát hành do các tổ chức tín dụng khác mua giảm so với cùng kỳ.
Ngân hàng siết khoản nợ hơn 116 tỷ, tài sản bảo đảm là khách sạn Phố Núi - Đà Lạt
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa thông báo bán một khoản nợ hơn 116 tỷ đồng của khách hàng. Cụ thể, tính đến ngày 5/7/2022, dư nợ gốc là gần 80 tỷ và dư nợ lãi hơn 36,6 tỷ đồng. Trong đó, lãi trong hạn 36,2 tỷ và lãi phạt 446,6 triệu đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là Quyền sử dụng đất tại địa chỉ 44 - 46 Nguyễn Chí Thanh, phường 1, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích đất là 639,83 m2 (đất ở tại đô thị), trong đó sử dụng riêng 633,45 m2, sử dụng chung 6,38 m2. Tài sản trên đất là khách sạn Phố Núi có diện tích xây dựng 511,86 m2, diện tích sàn 2041,71 m2. Ngân hàng cho biết, giá bán/chuyển nhượng theo thỏa thuận.
Trước đó, Vietinbank cũng đã rao bán một số khách sạn để xử lý nợ. Chẳng hạn, hồi tháng 3/2022, ngân hàng thông báo bán tài sản của Công ty TNHH Du lịch Hoàng Phúc là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích 296,8m2 tại tổ 7, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tài sản gắn liền trên đất là nhà ở gồm khối nhà 2 tầng diện tích 220,1m2, khối nhà 5 tầng diện tích 740,7m2. Tài sản được xây dựng và khai thác làm khách sạn với số lượng 26 phòng. Giá bán khởi điểm hơn 25,1 tỷ đồng.
Tháng 5 vừa qua, Vietinbank cũng rao bán khoản nợ hơn 36,3 tỷ đồng của Công ty TNHH Coco City Tour được đảm bảo bởi Khách sạn Cây Thông tại Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tĩnh Vĩnh Phúc và 16 xe Bus mui trần. Khách sạn có diện tích 1.250 m2.
Hiện ngân hàng cũng đang rao bán nhiều khoản nợ khác được đảm bảo bởi bất động sản để xử lý nợ xấu thời gian gần đây. Trong đó, VietinBank Cà Mau đang có nhu cầu bán/chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ của Công ty Trường Hồng. Khoản nợ tính đến ngày 5/7 có giá trị 33,6 tỷ đồng, gồm 24 tỷ đồng nợ gốc và 9,6 tỷ đồng nợ lãi.
Tài sản đảm bảo của Công ty Trường Hồng là Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi diện tích khoảng 2.000 m2 được xây dựng trên thửa đất diện tích 9.767 m2 đất thuê trả tiền một lần có thời hạn đến tháng 12/2062 tại Ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Hiện nhà máy đang ngừng hoạt động. Ngoài ra, TSBĐ còn có máy móc thiết bị nhà máy.
Hay VietinBank Phú Quốc rao bán khoản nợ hơn 25,3 tỷ của khách hàng Nguyễn Đoàn Huy tại ngân hàng. Tài sản đảm bảo là nhiều bất động sản đứng tên ông Nguyễn Đoàn Huy tại tỉnh Kiên Giang.
BAC A BANK ra mắt mô hình ngân hàng tự động - Kiosk Banking tại Hà Nội
Với tầm nhìn chiến lược trở thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, BAC A BANK đang trong lộ trình xây dựng mô hình Ngân hàng số mang thương hiệu BAC A BANK Alpha Bank với ý nghĩa Tiên phong, Vượt trội. Dự án Kiosk Banking đánh dấu bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực chuyển đổi số của BAC A BANK, cho phép khách hàng chủ động thao tác, dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng thông qua STM - Máy giao dịch tự động thông minh.
BAC A BANK ra mắt mô hình ngân hàng tự động - Kiosk Banking tại Hà Nội |
STM có giao diện đơn giản, thân thiện với người dùng, được tích hợp các công nghệ nhận diện khách hàng thông qua phương thức điện tử (eKYC), sử dụng đồng bộ công nghệ 4.0 như bóc tách chữ từ hình ảnh (OCR), xác thực thông qua sinh trắc học như tĩnh mạch ngón tay, nhận diện hình ảnh khuôn mặt.
Kiosk Banking có khả năng cung cấp miễn phí hầu hết dịch vụ ngân hàng thiết yếu như: Mở Tài khoản thanh toán, đăng ký dịch vụ Ngân hàng điện tử và phát hành Thẻ ghi nợ nội địa; Đăng ký và xác thực giao dịch thông qua Sinh trắc học (FaceID/ Tĩnh mạch ngón tay); Giao dịch nộp tiền/ rút tiền bằng giấy tờ tùy thân hoặc FaceID/ Tĩnh mạch ngón tay; Cập nhật Căn cước công dân gắn chip; Vấn tin tài khoản thanh toán, tiền gửi tiết kiệm; Chuyển khoản nội bộ. Với sự kiện toàn về công nghệ, các luồng giao dịch tại Kiosk Banking ngày càng hoàn thiện với đầy đủ tính năng, gia tăng tiện ích, tốc độ xử lý được nâng cấp tối đa, mang đến cho khách hàng trải nghiệm thuận tiện mà không cần đến điểm giao dịch trực tiếp hay bị giới hạn bởi giờ giao dịch hành chính như trước đây.
Đặc biệt, từ 21/7/2022 đến hết 21/8/2022, 100 khách hàng đầu tiên mở tài khoản thanh toán thành công tại Kiosk Banking và đáp ứng đủ điều kiện của chương trình sẽ nhận được 200.000 VND vào tài khoản. Đồng thời, mọi khách hàng lần đầu trải nghiệm Kiosk Banking đều được hưởng Combo ưu đãi phí dịch vụ Thẻ & Ngân hàng điện tử vô cùng hấp dẫn.
Theo ông Đặng Nguyễn Anh Khoa - Giám đốc Khối Ngân hàng số của BAC A BANK, Kiosk Banking đóng vai trò rất quan trọng trong việc thay thế 70 - 90% nghiệp vụ tại quầy thông qua các công nghệ số hóa 4.0, đặc biệt thể hiện hình ảnh chuyển đổi số mạnh mẽ của BAC A BANK trong giai đoạn 5 năm tới.
Ngân hàng Nhà nước “bơm tiền” đều đặn
Sau khi liên tục mở rộng quy mô lên tới 20.000 - 40.000 tỷ/phiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm mạnh khối lượng tín phiếu phát hành trong những ngày gần đây. Theo đó, phiên 21/7 có 150 tỷ tín phiếu 56 ngày trúng thầu trong khi có 20.000 tỷ tín phiếu 14 ngày đáo hạn. Trước đó, NHNN cũng chỉ phát hành thêm 7.000 tỷ tín phiếu vào phiên 19/7 và 20/7, trong khi lượng đáo hạn lần lượt là 19.700 tỷ và 18.000 tỷ.
Như vậy, tính chung trong 3 phiên gần nhất NHNN đã bơm ròng ra thị trường 43.550 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Đồng thời, do phát hành mới ít hơn số đáo hạn khiến lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường cũng liên tiếp giảm về còn hơn 128.479 tỷ đồng, từ mức gần 200.000 tỷ duy trì trong những ngày đầu tháng 7.
Ngoài ra, NHNN cũng bơm thanh khoản đều đặn cho các ngân hàng có nhu cầu qua kênh cầm cố giấy tờ có giá với khối lượng phát hành khoảng 200 - 300 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 14 ngày và lãi suất 2,5%.
Dù vậy, sau giai đoạn NHNN hút tiền liên tiếp qua kênh tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao so với trước. Sau khi chững quanh 0,7-0,8%, đầu tuần này lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã vượt mốc 1%, qua đó góp phần hạ nhiệt tỷ giá.
Trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá trung tâm sáng 21/7 được NHNN giảm thêm 1 đồng xuống mức 23.213 VND/USD. Đây là phiên giảm thứ ba liên tiếp của tỷ giá này với tổng mức giảm 32 đồng.Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN tiếp tục được giữ ở mức 22.550 VND/USD ở chiều mua vào và 23.400 VND/USD ở chiều bán ra.
Giới phân tích nhận định, mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn tương đối dồi dào nhằm có thể giúp ổn định thị trường trong bối cảnh cầu ngoại tệ tăng cao, áp lực điều hành của NHNN ngày càng rõ rệt hơn, đặc biệt khi vẫn chưa xác định được thời điểm và mức độ tăng lãi suất của FED. Do vậy, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục chịu nhiều áp lực trong thời gian tới.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận BaoViet Bank tăng hơn 50%
Lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng của BaoViet Bank đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Bảo Việt - BaoViet Bank, 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên một số hoạt động đạt kết quả khả quan như công tác xử lý nợ đạt hiệu quả tốt, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh, tỷ lệ nợ xấu giảm.
Cụ thể, thu nhập từ hoạt động tín dụng lãi thuần đạt gần 169 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 350 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ ghi nhận khoản lãi 29 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 56,8% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Riêng quý II, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 17,6 tỷ đồng, tăng trưởng 76%.
Theo đại diện BaoViet Bank, do khó khăn chung của thị trường, lợi suất trái phiếu chính phủ, tổ chức tín dụng thấp, nên mảng mua, bán chứng khoán kinh doanh (mua bán, trái phiếu Chính phủ, TCTD, TPDN) trong 6 tháng đầu năm ghi nhận lãi hơn hơn 28 tỷ đồng, giảm 26,4% so cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, thu nhập khác của BaoViet Bank đạt hơn 60 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm của mảng này lên 72 tỷ đồng, gấp 2,7 lần 6 tháng đầu năm ngoái. Ngân hàng đã vận dụng tốt các quy định để xử lý nợ xấu.
Chi phí hoạt động quý II của nhà băng này ở mức 148 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, tổng chi phí hoạt động ở mức 303 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 79% trong riêng quý II và giảm 88,9% trong 6 tháng.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của BaoViet Bank ở mức 62.700 tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 28.300 tỷ đồng; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác ở mức 10.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng ở mức 37.200 tỷ đồng.
Ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng nên thu nhập về hoạt động cho vay có giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên BaoViet Bank đã có các bước cân đối, điều chỉnh trong cơ cấu thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng thu từ hoạt động khác để bù đắp phần thu nhập bị giảm sút từ hoạt động cho vay.
Nguồn: Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Tiền gửi chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng