Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Nghị quyết 42 có nhiều tác động hết sức tích cực trong việc xử lý nợ xấu
Tin ngân hàng ngày 4/6: ABBank tăng thêm lãi suất huy động cho khách hàng tới 1,5%/năm Tin ngân hàng ngày 3/6: Lãi suất liên ngân hàng ‘giảm mạnh’ trong tháng 5 |
Nghị quyết 42 có nhiều tác động hết sức tích cực trong việc xử lý nợ xấu
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng: "Nghị quyết 42 có tác động hết sức tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 được ban hành vào tháng 8/2017 và đến tháng 8 năm nay sẽ hết hiệu lực.
Về kết quả, trong tổng số nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2017 - 2021 là 750.000 tỷ đồng, thì xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 khoảng 390.000 tỷ đồng, tức là chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn này, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng tự xử lý. Còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.
Trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, có thể thấy chính quyền các cấp từ các Bộ, ban ngành đến các chính quyền địa phương đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản…
Nghị quyết 42 cũng tác động lớn đến ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng được nâng lên một cách rõ rệt. Tòa án cũng tiếp nhận xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng, kịp thời đối với những bản án tranh chấp về dân sự.
Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm cho các khoản vay, dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Nhiều khoản vay đã được các tổ chức tín dụng và VAMC thu giữ và tiến hành phát mại thành công".
Đó là những kết quả tích cực đã đạt được. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc như:
Thứ nhất, từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xử lý rút gọn tuy nhiên đến nay chưa xét xử được vụ nào.
Thứ hai, việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án.
Thứ ba, Nghị quyết 42 quy định tiền thu được do phát mại tài sản ưu tiên để trả nợ vay ngân hàng trước song nhiều trường hợp vẫn phải trả thuế trước sau đó mới trả nợ ngân hàng. Có những trường hợp các tổ chức tín dụng phát mại tài sản bảo đảm rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải trả đủ thuế mới có thể sang tên tài sản.
Thứ tư, một số chính quyền địa phương vào cuộc chưa được quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt là ở các cấp phường xã, có khi chưa phổ cập Nghị quyết 42 đến hết các cấp cơ sở.
Không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt
Chiều 4/6, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, trong chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ, về phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, những đối tượng theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đây là một trong những chương trình rất quan trọng. Các ngân hàng thương mại cùng với các ngân hàng nhà nước, các bộ, ngành đang triển khai tích cực.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thống đốc cho hay, cách đây mấy ngày, NHNN đã có hội nghị triển khai Nghị định 31 và có công văn của NHNN hỗ trợ 2% lãi suất, ông đã giải thích báo cáo về việc gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng, bất động sản. NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như vậy.
Từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. "Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo", ông Đào Minh Tú nói.
Tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN cũng hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo lãnh đạo NHNN, bất động sản trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4 tín dụng bất động sản tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ năm 2021 có tăng nhanh hơn. Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 - khoảng 785.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng bất động sản. Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực bất động sản bị siết lại, không có nghĩa là cung cho bất động sản thiếu.
Techcombank tiếp tục được Visa vinh danh 8 giải thưởng
Visa vinh danh Techcombank giữ vị trí dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam lần thứ 4 liên tiếp về Doanh số giao dịch thẻ; Tăng trưởng doanh số giao dịch thẻ; Doanh số giao dịch thẻ ghi nợ; Doanh số giao dịch thẻ tín dụng. Bên cạnh đó Techcombank còn đứng đầu ở các hạng mục: Doanh số giao dịch thanh toán chạm; Doanh số giao dịch thương mại điện tử nội địa; Tăng trưởng giao dịch thanh toán chạm; Tỷ lệ thiết bị chấp nhận thẻ hoạt động có tính năng thanh toán chạm.
Techcombank tiếp tục được Visa vinh danh 8 giải thưởng |
8 giải thưởng Visa trao tặng Techcombank, đặc biệt là hạng mục dẫn đầu doanh số giao dịch cả thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ năm thứ 4 liên tiếp, đã một lần nữa khẳng định dấu ấn của ngân hàng, nhằm mang đến trải nghiệm số hóa vượt trội cho khách hàng. Cùng với đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của ngân hàng trong việc chủ động song hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh các sản phẩm thẻ tín dụng Visa truyền thống, Techcombank phát hành thẻ Visa Signature với trải nghiệm khác biệt và đẳng cấp đến khách hàng, và loại thẻ này cũng đang chiếm thị phần thanh toán áp đảo dành cho phân khúc cao cấp tại thị trường Việt Nam. Techcombank cũng đã ứng dụng số hoá tại mọi điểm chạm trên hành trình sử dụng thẻ tín dụng, từ khâu đăng ký phát hành và nhận kết quả phê duyệt chỉ trong 1 phút trên ứng dụng ngân hàng điện tử, cho đến quá trình sử dụng và quản lý thẻ tự động hóa, với mức độ bảo mật cao nhất.
Những tiện ích từ thẻ tín dụng góp phần quan trọng giúp Techcombank vươn lên vị trí dẫn đầu về số lượng giao dịch trên kênh số hóa - hiện chiếm đến hơn 20% tổng số lượng giao dịch của khách hàng Techcombank. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân năm 2021 lần lượt đạt 652 triệu giao dịch và 9,1 triệu tỷ đồng.
"Giải thưởng từ Visa đã khẳng định chiến lược đúng đắn của Techcombank để hiện thực hóa tầm nhìn "Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống". Ngay cả trong môi trường thách thức do dịch bệnh covid vừa qua, đội ngũ cán bộ nhân viên của Techcombank vẫn luôn duy trì chất lượng dịch vụ và trải nghiệm tin cậy cho khách hàng, và điều này đã giúp chúng tôi đạt được hiệu quả hoạt động xuất sắc qua nhiều năm liên tục" - Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ.
Ngân hàng "khát room" nhưng vẫn phải chờ
Tại Hội nghị do NHNN tổ chức mới đây, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank nhận định, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như cơn khát nước sau trận hạn hán, nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị NHNN nới ''room'' tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết, ngân hàng đã sử dụng gần hết ''room'' tín dụng mà NHNN giao hồi đầu năm (7%). Đây cũng là lý do Sacombank có văn bản yêu cầu các giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3/2022 đến hết ngày 30/6/2022. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Lãnh đạo Sacombank kỳ vọng sẽ sớm được nới ''room'' để có thêm dư địa cho vay.
Tương tự, đại diện ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng khi chưa gói hỗ trợ lãi suất thì nhu cầu tín dụng đã cao rồi, nay có thêm gói hỗ trợ lãi suất 2% thì nhu cầu càng cao hơn. Do đó, vị này cũng kiến nghị NHNN nới ''room'' tín dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng ''room'' tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".
Liên quan đến vấn đề nới ''room'' tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ hạn mức trong kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.
Công bố 14 ngân hàng có mặt trong Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (VIX50). Theo đó, có tất cả 14 ngân hàng được “gọi tên” trong danh sách Top 50 công ty này.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) nằm trong Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 |
Danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 là kết quả nghiên cứu khách quan, khoa học và độc lập của Vietnam Report, được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước.
Theo đó, có 5 Ngân hàng đứng trong Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank); Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB); Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Như vậy, các ngân hàng đã chiếm 50% Top 10 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022
Nếu tính danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 thì số ngân hàng nằm trong danh sách này lên tới 14 ngân hàng.
Ngoài 5 ngân hàng nằm trong Top 10 nên trên còn có thêm 9 ngân hàng là: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); Ngân hàng TMCP phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng TMCP Phương Đồng (OCB); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB); Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tin (Sacombank).
Thông tin chi tiết về danh sách Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả được đăng tải trên website: www.top50vietnam.vn
Lễ công bố Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8/2022 tại TP Hồ Chí Minh.