Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: VPBank sẽ bán 15% vốn cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD
Tin ngân hàng ngày 11/3: 2 tháng đầu năm, NHNN mua vào 3,5 tỷ USD ngoại tệ Tin ngân hàng ngày 10/3: Yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém |
VPBank sẽ bán 15% vốn cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD
Mới đây, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang trong giai đoạn cuối của thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui của Nhật Bản với giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, một đơn vị trực thuộc Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết vào cuối tháng này.
Theo Bloomberg , VPBank là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, với tổng tài sản đạt hơn 631 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 12. VPBank hoạt động trong lĩnh vực cho vay bán lẻ, tín dụng doah nghiệp, tài chính tiêu dùng và quản lý tài sản.
Cũng theo hãng tin này, các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư hàng tỷ đô la vào châu Á để cung cấp dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. Vào tháng 11, Sumitomo Mitsui đã đồng ý mua thêm cổ phần của Ngân hàng Thương mại Rizal có trụ sở tại Philippines với giá khoảng 460 triệu USD.
Cổ phiếu của VPBank chỉ tăng hơn 2% từ đầu năm nay, với mức vốn hóa hiện tại vào khoảng 5,2 tỷ USD và là ngân hàng lớn thứ tư của Việt Nam tính theo giá trị thị trường. Lợi nhuận ròng năm 2022 của VPBank tăng 55,6% đạt 18.200 tỷ đồng.
VPBank đã lên kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ năm 2021 và dự kiến hoàn tất việc bán vào năm ngoái. Bà Lưu Thị Thảo, Phó giám đốc điều hành thường trực của VPBank cho biết, số tiền thu được sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn hoạt động.
Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tháng 1, Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui, Jun Ohta, cho biết công ty đang thảo luận về việc hợp tác vốn với VPBank, dựa trên liên minh với ngân hàng này. Trước đó, Sumitomo Mitsui đã mua 49% cổ phần của FE Credit từ VPBank.
BAC A BANK giảm lãi suất vay, tiếp sức kinh doanh
Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) vừa triển khai Chương trình ưu đãi tín dụng “Tiếp sức kinh doanh” áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước nhu cầu về vốn tăng mạnh trong những tháng đầu năm để nắm bắt kịp thời mọi cơ hội tăng trưởng, đồng thời thấu hiểu lãi suất là mối quan tâm hàng đầu khi cân nhắc vay vốn nhằm giảm thiểu chi phí tài chính, Ngân hàng TMCP Bắc Á đã chủ động, kịp thời triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay đối với Khách hàng cá nhân trên toàn quốc.
Theo đó, lãi suất cho vay sẽ được giảm từ 0,3%/năm tới 0,5% /năm cho các khoản vay ngắn hạn, hỗ trợ tài chính cho hoạt động kinh doanh của các khách hàng cá nhân. Với thủ tục hồ sơ đơn giản, được thiết kế riêng phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh cá thể, gói ưu đãi có hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng và sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật.
Chương trình kéo dài từ nay đến hết 31/12/2023 và áp dụng cho các khoản vay thuộc đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, mục đích như: Cho vay Bổ sung vốn phục vụ Sản xuất kinh doanh; Cho vay trồng, chăm sóc cây công nghiệp; Cho vay nông nghiệp trồng rau, hoa, quả; Cho vay đầu tư tài sản phục vụ Sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, Chương trình ưu đãi tín dụng "Tiếp sức kinh doanh" là một trong những nỗ lực của BAC A BANK giúp Khách hàng thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn với mức lãi suất phù hợp, chung tay xây dựng một nền kinh tế bình đẳng, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Chương trình cũng là bước tiếp nối của chuỗi các giải pháp, chính sách ưu đãi được BAC A BANK đã triển khai rất thành công trong suốt năm 2022, đồng hành cùng các cá nhân phục hồi kinh doanh hậu Covid-19, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trái phiếu Chính phủ, bảo hiểm tăng trưởng mạnh
Bộ Tài chính vừa công bố thông tin thực hiện chương trình công tác tháng 2. Trong đó, việc đấu thầu trái phiếu Chính phủ và thị trường bảo hiểm là một trong những hoạt động nhộn nhịp nhất.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Với trái phiếu Chính phủ , tổng lượng phát hành tháng 2 đạt 36,5 nghìn tỷ đồng. Khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ cũng khá thành công khi con số đấu thầu thành công lên tới 34,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm xã hội mua 20,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 30% tổng khối lượng phát hành). Nhà đầu tư khác mua 47 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% khối lượng phát hành.
Tính trung bình, trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn phát hành 12 năm, lãi suất phát hành 4,37%/năm. Dự kiến, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh sự sôi động của trái phiếu Chính phủ, trong “cơn sốt” tiền gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ, người dân phản ánh bị “ép” mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng, thị trường bảo hiểm vẫn tăng trưởng mạnh. Cụ thể, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 833 nghìn tỷ đồng, tăng 14,86% so với cùng kỳ năm trước. Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 691,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 530 nghìn tỷ đồng, tăng 14,09% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu phí bảo hiểm 35,4 nghìn tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước.
Để giải quyết “lùm xùm” trên thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xử lý và chuyển đơn tố cáo của người dân tới cơ quan điều tra của Bộ Công an.
OCB đặt mục tiêu tăng trưởng 150% người dùng mới
Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Phương Đông, tính đến cuối năm 2022, số lượng người dùng ngân hàng số OCB OMNI tăng gấp 1,7 lần, trong đó, khách hàng đăng ký mới (trong năm 2022) tăng 200% so với cùng kỳ 2021, tổng số lượng giao dịch tăng hơn 83%. Nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng 150% người dùng mới vào năm 2023 cùng kỳ vọng về hoạt động khai thác lượng tiền gửi thông qua ứng dụng OCB OMNI.
Được phát triển trên nền tảng ngân hàng hợp kênh hiện đại, mang giao diện mới với nhiều tính năng, đến nay, sau 3 phiên bản nâng cấp, OCB OMNI đã tích hợp hơn 200 sản phẩm, dịch vụ và tiện ích chỉ trên cùng một nền tảng. Qua đó, ứng dụng đáp ứng các nhu cầu như giao dịch, mở tài khoản, gửi tiết kiệm, mua bảo hiểm, đầu tư online...
Với OCB OMNI, khách hàng có thể đăng ký mở thẻ tín dụng số iGen trực truyến chỉ trong khoảng 3 phút, hạn mức lên đến 500 triệu đồng với mọi thông tin thẻ phát hành và quản lý thẻ đều trên OCB OMNI. Ngoài ra, người dùng còn có thể sở hữu tài khoản số đẹp, số ngắn, số theo ý muốn ngay trên ứng dụng này.
Năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (eSaving) trên OCB OMNI khi tổng số tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng trưởng 55% so với 2021 nhờ những chương trình ưu đãi lãi suất, quà tặng. Theo đại diện OCB, một trong những lý do khách hàng quan tâm đến sản phẩm eSaving trên OCB OMNI là sự linh hoạt khi mở sổ, đa dạng lựa chọn loại hình tiền gửi theo nhu cầu như: tiết kiệm trực tuyến; tiết kiệm linh hoạt OMNI Flex; hợp đồng tiền gửi điện tử và tiết kiệm tích luỹ điện tử.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng đã triển khai thành công phương thức thanh toán Facepay trên OCB OMNI. Ứng dụng áp dụng công nghệ sinh trắc học, có tính bảo mật cao. Tính năng này cho phép khánh hàng thanh toán bằng nhận diện gương mặt, không dùng tiền mặt, không thẻ ngân hàng, không điện thoại.
Năm 2023, OCB OMNI hướng đến tiêu chuẩn đơn giản, tiện dụng, cá nhân hoá và mượt mà. Trọng tâm chiến lược phát triển sản phẩm là đầu tư mạnh vào các công nghệ hiện đại như công nghệ máy học (ML - machine learning), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) để tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng và mang đến ứng dụng ngân hàng số thông minh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của các phân khúc khách hàng.
Eximbank ra mắt ứng dụng cho doanh nghiệp
Mobile Banking Eximbank EBiz giúp doanh nghiệp đơn giản hóa việc phê duyệt các giao dịch và quản lý tài chính mọi lúc mọi nơi.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ứng dụng này giúp khách hàng linh hoạt sử dụng các sản phẩm dịch vụ và tiện ích của ngân hàng trên điện thoại di động, máy tính bảng... Theo đó, các tiện ích nổi bật của Mobile Banking Eximbank EBiz gồm: giao dịch hợp kênh và liền mạch đa nền tảng trên Internet Banking và Mobile Banking; tạo và phê duyệt giao dịch 24/7 mọi lúc mọi nơi; tra cứu, quản lý thông tin tài khoản. Ứng dụng cũng được đảm bảo với bảo mật nhiều lớp và xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, Face ID); tùy chỉnh giao diện theo hướng cá nhân hóa.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể giao dịch chuyển tiền trong và ngoài hệ thống; thanh toán quốc tế; thanh toán hóa đơn; tiền gửi online; nộp Ngân sách Nhà nước; tra cứu tỷ giá, lãi suất; truy vấn thông tin giao dịch; cấu hình cài đặt quy trình giao dịch...
Đại diện Eximbank cho biết, ngân hàng số tương lai sẽ cung cấp dịch vụ chủ yếu có tính dẫn dắt và định hướng chuyển đổi cả mô hình kinh doanh. Do đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, ngân hàng tập trung đầu tư vào công nghệ.
"Các tính năng nổi trội, mang đến sự tiện lợi cho khách hàng được ngân hàng khai thác và phát triển để phục vụ kịp thời", đại diện nhà băng này chia sẻ thêm.
Khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ Online Banking trên nền tảng website Eximbank hoặc tải ứng dụng Eximbank EBiz tại Apple Store hoặc Google Play.
Nguồn:Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: VPBank sẽ bán 15% vốn cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD