Tin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Tin ngân hàng tuần qua: NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành Tin ngân hàng tuần qua: VAMC đã thu hồi nợ được khoảng 9.700 tỷ đồng |
Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá
Theo Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm. Theo đó, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022). Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: "Tốc độ lạm phát dự báo khoảng 4 - 4,5% thì khả năng huy động lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng như lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể ở mức sẽ giảm dần và từ giờ đến cuối năm sẽ giảm".
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,36% so với cuối năm 2022, chưa phải con số tín dụng nhanh. NHNN cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải tăng tín dụng bằng cách hạ chuẩn tín dụng, đẩy tín dụng ra thị trường, bất chấp tín dụng có lành mạnh hay không lành mạnh trong tương lai. Tăng trưởng tín dụng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo hiệu quả tín dụng với nền kinh tế, đó là bài toán khó".
Có thể thấy hạn mức tín dụng của các ngân hàng đang không thiếu, huy động vốn cũng không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên khả năng hấp thụ vốn yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động.
Ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để tăng thu hút vốn khi nguồn vốn thấp
Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, giữa tuần này, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng big 4 kỳ hạn 1 - 2 tháng thấp nhất chỉ còn 3,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và kỳ hạn cao nhất chỉ còn 6,3%/năm (kỳ hạn 12 - 18 tháng). Trong đó, lãi suất huy động thấp nhất thuộc về VietinBank. Trước đó, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.
Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm hầu như biến mất.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Đáng lưu ý, hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất giảm sâu.
Mặc dù lãi suất giảm nhanh, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm. Tháng 2/2023, NHNN đã giao room tín dụng cho NHTM cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Dù vậy, đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
“Hạn mức không thiếu, huy động vốn không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn”, Phó thống đốc khẳng định.
Theo NHNN, tín dụng tăng chậm là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.
Thêm ngân hàng giảm mạnh lãi suất gửi tiết kiệm
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPBank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất cho kỳ hạn 6 tháng giảm 0,8 điểm % xuống còn 6,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng giảm 0,7 điểm %/năm xuống còn lần lượt 6,6%/năm và 6,9%/năm.
Đối với kỳ hạn dài 36 tháng, nhà băng này điều chỉnh mức giảm 0,2 điểm % xuống còn 7,4%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất mà LPBank áp dụng trả cho khách hàng, chủ yếu niêm yết tại các kỳ hạn dài từ 18-60 tháng.
Ở hình thức gửi quầy, khách hàng nhận lãi suất huy động thấp hơn gửi online 0,2-0,4 điểm %; tuỳ kỳ hạn.
Đối với phân nhóm khách hàng cá nhân được ưu tiên, LPBank hiện trả mức lãi suất 7,4%/năm là cao nhất, áp dụng cho khách hàng hạng kim cương, bạch kim, vàng, titan và bạc gửi kỳ hạn 18-36 tháng. Khách hàng hạng tiềm năng nhận lãi suất 7,3%/năm cho các kỳ hạn này.
Ở các kỳ hạn 6-16 tháng, lãi suất niêm yết quanh vùng 6-6,9%/năm, áp dụng với các khách hàng cá nhân ưu tiên.
Nhắc đến việc điều chỉnh hạ lãi suất huy động mạnh tại các kỳ hạn trung và dài hạn thì chỉ cách đây vài ngày, nhóm các ngân hàng quốc doanh là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đã giảm đồng loạt từ 0,5-0,7 điểm % kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5 điểm % kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Theo đó, lãi suất của những ngân hàng quốc doanh này vốn đã thấp lại càng thấp hơn nữa, tạo nên khoảng cách đáng kể với các ngân hàng thương mại. Hiện lãi suất cao nhất của những nhà băng này (cả hình thức gửi ở quầy và online) đều được điều chỉnh chỉ còn 6,3%/năm.
ABBank cũng là một trong những ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất huy động mạnh nhất tại thời điểm gần đây. Với kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên, nhà băng này này đã giảm 0,5-0,7 điểm % từ đó không còn niêm yết lãi suất trên 8%/năm ở bất kỳ kỳ hạn nào.
Hiện ABBank niêm yết lãi suất kênh online cao nhất 7,8%/năm áp dụng kỳ hạn 10-60 tháng; 8-9 tháng nhận lãi suất 7,75%; 6-7 tháng nhận lãi suất 7,7%/năm. Đối với hình thức gửi tại quầy, các mức lãi suất khách hàng nhận được cho kỳ hạn tương ứng sẽ thấp hơn 0,4-0,5 điểm % so với gửi online.
Việt Nam tiếp tục không nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ
Tại các cuộc làm việc song phương, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Việt Nam, qua đó đã duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Bộ Tài chính Mỹ dựa trên 3 tiêu chí để xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, đó là thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa 7 nền kinh tế vào danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Thụy Sĩ và Đài Loan (Trung Quốc). Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong giai đoạn từ tháng 1-12/2022.
Trong giai đoạn nêu trên, Việt Nam vượt ngưỡng một tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hóa và dịch vụ với Hoa Kỳ, do đó Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục không đưa Việt Nam vào danh sách giám sát.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tại các cuộc làm việc song phương, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá của Việt Nam, qua đó đã duy trì được sự ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức.
NHNN luôn khẳng định điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xuyên suốt là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các TCTD. Thời gian qua, NHNN đã và đang nỗ lực từng bước hiện đại hóa và minh bạch khung khổ chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá. Đồng thời, NHNN điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường ngoại tệ và các yếu tố kinh tế; không sử dụng chính sách tỷ giá nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng; đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
HSBC giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%
Theo HSBC, ngành dịch vụ vẫn tiếp tục là một điểm sáng, phần nào bù đắp cho những suy yếu trên. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa những mặt hàng giá trị cao, ví dụ như ô tô và dịch vụ liên quan đến du lịch. Tính bình quân 3 tháng, doanh thu bán ô tô giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng với mức của giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021. Điều đó cho thấy những suy yếu của lĩnh vực bên ngoài đã ngấm vào bên trong, tác động đến tiêu dùng cá nhân.
HSBC giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bên cạnh sự cấp thiết trong hỗ trợ tăng trưởng, động thái mới của NHNN tiếp tục phản ánh hai cân nhắc. Một mặt, NHNN vẫn duy trì tâm thế tích cực về triển vọng lạm phát, một lần nữa khẳng định "lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát". Thực tế, lạm phát đã liên tục dịu xuống, gần đây đã xuống dưới 3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ giá năng lượng thế giới hỗ trợ và lạm phát lương thực trong nước được xoa dịu. Trước những diễn biến gần đây, HSBC giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6%, so với dự báo trước đây là 4,0%.
Một vấn đề khác NHNN cân nhắc chính là ổn định tiền tệ. Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện. Trong khi Việt Nam phải hứng chịu những "cơn gió ngược" trong thương mại, tình hình nhập khẩu còn suy giảm nặng hơn xuất khẩu do bản chất ngành sản xuất thiên về nhập khẩu. Theo đó, thặng dư thương mại bình quân một tháng trong năm 2023 đã tăng gấp đôi lên 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, diễn biến của cặp tỷ giá USD-VND vẫn cần theo dõi sát sao vì Fed nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt.
Nhìn chung, HSBC đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 xuống 5,0% (trước đây là 5,2%) sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng. Nền kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi đáng kể từ quý 4/2023, đảm bảo sự hỗ trợ hơn nữa về chính sách tiền tệ.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá