Tin ngân hàng tuần qua: Mỹ tiếp tục xác định "Việt Nam không thao túng tiền tệ"
Tin ngân hàng ngày 22/6: Gói 120.000 tỷ đồng cho NƠXH sắp được điều chỉnh ưu đãi hơn Tin ngân hàng ngày 21/6: TPBank tiếp tục tăng lãi suất huy động |
Mỹ tiếp tục xác định 'Việt Nam không thao túng tiền tệ'
Việt Nam nằm trong "danh sách theo dõi" nhưng Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định "không thao túng tiền tệ".
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", trong đó Việt Nam tiếp tục được xác định là không thao túng tiền tệ dù nằm trong "danh sách theo dõi". Báo cáo đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, dựa trên ba tiêu chí: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.
Việt Nam nằm trong số 7 nền kinh tế bị giám sát vì vượt ngưỡng hai tiêu chí: thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai. Cuối năm 2023, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam khoảng 5,8% GDP và thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt 103 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 88,1 tỷ USD, chiếm 21% GDP, với Ngân hàng Nhà nước mua ròng ngoại hối khoảng 7 tỷ USD trong năm 2023.
Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các lo ngại về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và quản lý tỷ giá hối đoái. Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hiện đại hóa và tăng cường tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Việt Nam cam kết duy trì hợp tác chặt chẽ và thiết lập các kênh trao đổi thường xuyên, hiệu quả với Bộ Tài chính Mỹ để tăng cường hiểu biết và giải quyết các vấn đề phát sinh. Mỹ công bố báo cáo theo dõi với các đối tác thương mại lớn hai lần mỗi năm.
Loạt ngân hàng và địa phương tăng trưởng tín dụng âm
Theo ngân hàng nhà nước (NHNN), tính đến ngày 14/6, tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng 3,79%. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đang rơi vào tình trạng tăng trưởng tín dụng âm. ABBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm hơn 10%, trong khi một số ngân hàng như SeABank, BAOVIET Bank có tăng trưởng âm từ 1-5%.
Ảnh minh họa |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện có tới 23 địa phương có tăng trưởng tín dụng âm, 29 địa phương có mức tăng dưới 2%, và chỉ có 11 tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 2%. Trong các địa phương có tăng trưởng tín dụng âm, Lào Cai có mức âm cao nhất (7%). Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế với các khu công nghiệp lớn như Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, TP.HCM, Hải Phòng cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng tín dụng âm hoặc chậm.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại nêu nhiều lý do cho tình trạng tăng trưởng tín dụng chậm. Nguyên nhân chính là do nhu cầu của nền kinh tế yếu, nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân giảm mạnh, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, cùng nhiều vướng mắc pháp lý giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết đến ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank chỉ tăng 2,1%. Nguyên nhân là do tín dụng cá nhân - chủ yếu là vay mua bất động sản - tăng chậm, thậm chí âm trong quý I/2024. Những khó khăn về pháp lý, nguồn cung bất động sản hạn chế, thu nhập giảm, và thị trường bất động sản chưa hồi phục khiến người dân e dè vay vốn.
Đại diện VPBank chia sẻ, đến ngày 31/5, tín dụng của ngân hàng mới tăng 1,91%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Nguyên nhân là do khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 60%) dễ bị tổn thương, dẫn đến khó khăn trong thu hồi nợ và phải cơ cấu nợ. Ngân hàng đang tập trung cơ cấu lại danh mục sản phẩm.
Tại VIB, tín dụng đến ngày 31/5 mới tăng 1,14%, mặc dù những năm trước, ngân hàng này có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Lãnh đạo ngân hàng cho biết nguyên nhân là do yếu tố khách quan của nền kinh tế và khẩu vị rủi ro chặt chẽ của ngân hàng. Do đó, khi nền kinh tế khó khăn, tín dụng cũng tăng chậm tương ứng.
Techcombank cung cấp nhiều ưu đãi cho khách hàng giao dịch ngoại tệ
Techcombank, với lợi thế về vốn và giao dịch ngoại hối, cho phép khách hàng giao dịch dễ dàng tại tất cả các chi nhánh với nhiều loại ngoại tệ và ưu đãi miễn phí dịch vụ chuyển/rút tiền ngoại tệ. Ngân hàng đáp ứng các nhu cầu chuyển tiền đa dạng như du học, khám chữa bệnh, định cư, nhận tiền kiều hối, và chi trả dịch vụ.
Khách hàng mới được miễn phí dịch vụ chuyển tiền quốc tế hoặc rút tiền mặt ngoại tệ tối đa 900.000 VND cho giao dịch từ 8.000 USD trở lên. Khách hàng hiện tại được ưu đãi tỷ giá, miễn phí ghi có tài khoản và chuyển tiền quốc tế cho Hội viên Techcombank Private.
Hội viên Techcombank Private, Priority, Inspire còn nhận thêm voucher mua vé máy bay trị giá đến 2 triệu đồng khi giao dịch từ 20.000 USD. Ngoài ra, chương trình "Giới thiệu bạn mới - cùng nhận quà đôi" mang lại hoàn tiền tổng trị giá 1.000.000 VND cho cả khách hàng và người được giới thiệu.
Mới đấy, Techcombank đã được vinh danh là “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2024” và “Nhà tạo lập thị trường ngoại hối xuất sắc nhất Việt Nam” trong 3 năm liên tiếp bởi Global Finance. Những giải thưởng này khẳng định vị thế và sự phát triển của Techcombank, hướng đến mục tiêu lọt vào Top 10 ngân hàng Đông Nam Á với vốn hóa 20 tỷ USD vào năm 2025.
Sự tin tưởng đồng hành từ hơn 13,8 triệu khách hàng, cùng các ghi nhận xứng đáng từ các tổ chức quốc tế là động lực để Techcombank hướng đến các mục tiêu đầy tham vọng của hành trình 2021 - 2025: Lọt Top 10 ngân hàng Đông Nam Á, đạt mức vốn hóa 20 tỷ USD…
Bán vàng SJC trên app ngân hàng
Tại cuộc họp giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng miếng ngày 21/6 nhằm quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý thị trường, thảo luận các biện pháp cũng như đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định thị trường vàng, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của NHNN và tiếp tục tối ưu quy trình cung ứng vàng, bán vàng cho người dân.
Trong đó, sẽ tiếp tục đưa việc bán vàng lên app, thanh toán không dùng tiền mặt theo định hướng đảm bảo minh bạch và tiện lợi.
Trước đó, từ ngày 12/6, Vietcombank đã cho phép đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến trên website. Khách hàng có thể chọn địa điểm và nhận xác nhận lịch hẹn mà không cần đến trực tiếp.
Sau ba tuần triển khai bán vàng trực tuyến, giá vàng SJC đã giảm chênh lệch với giá vàng thế giới từ 20 triệu đồng xuống còn 4 triệu đồng/lượng. Các ngân hàng và doanh nghiệp thừa nhận rằng nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không can thiệp, giá vàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế.
Tại cuộc họp với NHNN, các đơn vị kinh doanh vàng nhấn mạnh việc tiếp tục cải tiến quy trình và công nghệ, đồng thời truyền thông để người dân nhận thức rõ, tránh hiệu ứng tâm lý khi mua vàng. NHNN có trách nhiệm quản lý thị trường vàng và sẽ căn cứ vào bối cảnh kinh tế để can thiệp thị trường hợp lý.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các đơn vị tiếp thu ý kiến và đề xuất sửa đổi Nghị định 24. NHNN khẳng định đủ quyết tâm và nguồn lực để phát triển thị trường vàng ổn định. Đến nay, cả 5 đơn vị bán vàng miếng SJC đều triển khai đăng ký mua vàng online để giảm tình trạng xếp hàng. Hiện giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng.
Tỷ giá USD giữ nhịp ổn định
Tuần qua, NHNN tăng tỷ giá trung tâm trong ngày mở đầu tuần, nhưng sau đó giữ tỷ giá khá ổn định trong suốt tuần.
Cụ thể, tỷ giá trung tâm đầu tuần mới được công bố ở mức 24.259 đồng/USD, tăng 10 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Trong các ngày tiếp theo, NHNN không điều chỉnh quá nhiều tỷ giá qua từng ngày và đến hôm 21/6, công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.256 đồng/USD, chỉ giảm nhẹ 3 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần.
Ảnh minh họa |
Tại ngân hàng thương mại, Vietcombank công bố tỷ giá bán ra hôm đầu tuần 17/6 ở mức 25.471 đồng/USD, cũng tăng khoảng 10 đồng mỗi Đô la so với cuối tuần trước. Trong các ngày tiếp theo, ngân hàng này điều chỉnh tỷ giá với mức độ thay đổi rất nhẹ và ngày 21/6 niêm yết tỷ giá bán ra ở mức 25.468 đồng/USD.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại kỳ 1, tháng 6 ghi nhận trạng thái xuất siêu, theo đó có sự thay đổi so với trạng thái nhập siêu trong tháng 5/2024.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu kỳ 1, tháng 6 ghi nhận 15,73 tỷ USD, giảm 10,4% so với kỳ trước; kim ngạch nhập khẩu là 15,4 tỷ USD, tăng 1,5% so với kỳ trước. Theo đó, cán cân thương mại kỳ 1 tháng 6 thặng dư 0,33 tỷ USD.
Trước đó trong tháng 5/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 64,99 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 32,27 tỷ USD, tăng 3,9% và trị giá nhập khẩu là 32,72 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5/2024 thâm hụt 0,45 tỷ USD.
Lũy kế trong 5 tháng năm 2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 303,94 tỷ USD, tăng 16%, tương ứng tăng gần 42 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu 5 tháng/2024 là 156,28 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 5 tháng năm 2024 là 147,66 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, mức thặng dư thương mại hàng hóa là 8,62 tỷ USD, giảm 1,53 tỷ USD so với mức thặng dư 10,15 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Mỹ tiếp tục xác định 'Việt Nam không thao túng tiền tệ'