Tin ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Cục Quản lý dự trữ ngoại hối
Tin ngân hàng ngày 8/6: Techcombank được SSC chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 70 ngàn tỷ đồng Tin ngân hàng ngày 7/6: Không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 VND/USD |
NHNN bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Cục Quản lý dự trữ ngoại hối
Ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức công bố và trao Quyết định của Thống đốc NHNN về việc điều động, bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Theo đó, Thống đốc NHNN đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thuộc NHNN kể từ ngày 01/6/2024. Thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Ngọc Minh là 05 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Trước đó, ngày 2/11/2023, Thống đốc NHNN cũng đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Sở Giao dịch NHNN, giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Vân Anh là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là đơn vị mới được thành lập vào cuối năm 2022. Trước đó, NHNN chỉ có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).
Theo NHNN, do quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao trong những năm gần đây, khiến khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức. Đồng thời, tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
NHNN cho biết, quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi có kiến thức chuyên môn cao, như nghiệp vụ đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và thanh toán quốc tế, hạch toán kế toán...
Thêm 10 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Theo ghi nhận của PV, tuần qua có 10 ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh lãi suất tiền tiết kiệm kể từ ngày 7/6. Lãi suất tiết kiệm mới nhất tại Exixmbank tăng ở kỳ hạn 1-9 tháng nhưng giảm ở kỳ hạn 15-36 tháng. Sau điều chỉnh, hiện lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này dao động từ 3,3%/năm-5,2%/năm cho kỳ hạn từ 1-24 tháng.
Ảnh minh họa |
Ngày 7/6, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm gần như tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm mới nhất của MB tăng trung bình 0,2-0,4% năm từ kỳ hạn 1-11 tháng và 13-18 tháng. Hiện, lãi suất tiết kiệm của MB dao động từ 3%-5,7%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng – 24 tháng.
Ngày 6/6 ghi nhận 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm ại tất cả kỳ hạn với mức tăng dao động trong khoảng 0,1 – 1,6%/năm. Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến của ABBank, mức lãi suất đang dao động từ 2,9%-5,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 1-13 tháng.
Cùng ngày, ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn chính với mức tăng trung bình từ 0,2-0,9%/năm. Hiện, lãi suất tiết kiệm mới nhất của MSB dao động từ 3,7%/năm-5,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng chính thức điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 6/6 với mức tăng trung bình 0,1-0,4%/năm. Hiện, lãi suất tiết kiệm mới nhất tại Bac A Bank đang niêm yết ở mức 3,5%/năm-5,6%/năm.
Ngày 5/6 ghi nhận duy nhất ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Theo đó, ngân hàng này tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-11 tháng thêm 0,4 – 0,8%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất tiết kiệm online của OceanBank dao động từ 3,4%/năm-6,1%.năm cho kỳ hạn từ 1-36 tháng.
Ngày 4/6, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Theo đó, ngân hàng này áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm với mức tăng trung bình 0,2-0,4%/năm. Hiện lãi suất tiết kiệm online của BaoVietBank dao động từ 3,5%/năm-5,7%/năm.
Cũng trong cùng ngày 4/6, ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tăng lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng cao nhất là 0,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm online tại Nam A Bank đang dao động từ 3,1-5,7%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1-18 tháng.
Ngày 3/6, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng chính thức điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn từ 1 – 12 tháng với mức tăng từ 0,1-0,6%/năm.
Như vậy, tính từ đầu tuần đến nay đã có 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động là Nam A Bank, LPBank, TPBank, VIB, BaoVietBank, GPBank, ABBank, MSB, Bac A Bank và MB.
Huy động qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần 1 tỷ USD trong tháng 5
Trong tháng 5/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 25 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, huy động được 24.056 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Lợi suất giao dịch công cụ nợ của Chính phủ có xu hướng tăng.
Tháng 5, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tại các kỳ hạn gồm 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm, song trái phiếu trúng thầu tập trung chủ yếu tại 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lần lượt ở mức 10.000 tỷ đồng và 8.660 tỷ đồng, tỷ trọng lần lượt là 41,6% và 36%.
Kỳ hạn 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 2.755 tỷđồng (tỷ lệ trúng thầu 21,2%), 800 tỷ đồng (tỷ lệ 40%) và 1.841 tỷ đồng (tỷ lệ 46%). Trong khi đó, kỳ hạn 7 năm không trúng thầu. Lãi suất trúng thầu trung bình tăng so với tháng trước.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 127.031 tỷ đồng, đạt 31,76% kế hoạch phát hành của năm 2024 cả năm (400.000 tỷ đồng). Trong đó khối lượng TPCP phát hành trong 2 tháng đầu quý 2 là 46.802 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch Quý 2 (120.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân tháng 5 là 10,36 năm.
Lãi suất trúng thầu tiếp tục có xu hướng tăng, với mức tăng tại phiên cuối tháng từ 0,03%/năm đến 0,14%/năm so với phiên đầu tháng. Cụ thể, lãi suất phát hành tại những phiên gọi thầu thành công cuối tháng 5 của các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 1,8%, 2,66%, 2,83%, 2,86% và 3,1%. Lãi suất trúng thầu bình quân là 2,29%/năm.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết trái phiếu Chính phủ tại thời điểm 31/5/2024 đạt 2.052.012 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước.
Trái phiếu Chính phủ tháng 5 có tổng giá trị giao dịch đạt 228.031 tỷ đồng, tăng 30,63% so với tháng trước, bình quân phiên đạt 10.365 tỷ đồng/phiên; trong đó, giá trị giaodịch mua bán thông thường (giao dịch Outright)chiếm 62,37%, giá trị giao dịch Repos (xác định giá mua lại) chiếm 37,63% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tháng 5 chiếm 2,07% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giá trị mua ròng đạt 630 tỷ đồng.
SCB thanh lý 23 xe chở tiền với giá chỉ từ hơn 106 triệu đồng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo tìm chủ mới cho lô xe 23 chiếc chuyên dụng chở tiền với mức giá từ hơn 100 triệu đồng đến hơn 220 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Theo thông tin mà SCB cung cấp, những xe chuyên dụng chở tiền bao gồm 17 xe nhãn hiệu Mitsubishi Pajero và 6 xe ô tô nhãn hiệu Hyundai Starex. Lô xe này được sản xuất từ năm 2004-2008.
Giá khởi điểm thấp nhất là 2 xe Mitsubishi Pajero được sản xuất từ năm 2004 được công bố ở mức 106.920.000. Trong đó, 4 chiếc xe có nhãn hiệu Hyundai Starex được sản xuất từ năm 2008 có giá khởi điểm cao nhất là 220,32 triệu đồng/chiếc và 2 chiếc xe còn lại có giá 179,82 triệu đồng.
Toàn bộ mức giá nêu trên đã bao gồm VAT. SCB chấp nhận bán riêng lẻ từng xe và chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước đó, SCB cũng từng thông báo thanh lý lô 23 ô tô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Lô xe thanh lý gồm 17 ô tô Mitsubishi Pajero và 6 ô tô Hyundai Starex từng được SCB dùng làm xe chở tiền. Tất cả đều mang biển số TPHCM, đăng ký trong giai đoạn 2004-2011.
Ngoài ra, vào đầu tháng 6, SCB cũng thông báo tổ chức bán thanh lý 27 máy ATM , gồm: ATM Bà Chiểu, Ngô Gia Tự, Ngô Mây, Long An, Uông Bí, Long Biên, Bãi Cháy, Bà Rịa, Kiên Giang, Sa Đéc, Gò Công…
Những máy ATM này đang được lưu giữ tại TPHCM, Đà Nẵng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Định… Đối tượng tham gia chào giá là tất cả cán bộ nhân viên nội bộ SCB, các công ty trực thuộc, công ty liên kết và tất cả tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký tham gia mua thanh lý trên toàn quốc.
Hình thức thanh lý là bán thanh lý riêng lẻ hoặc nguyên lô theo nhu cầu của khách hàng. SCB tổ chức bán thanh lý theo phương thức chào giá kín cạnh tranh và được bán cho cá nhân, tổ chức có giá chào mua cao nhất từng máy.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: NHNN bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao Cục Quản lý dự trữ ngoại hối