Tin ngân hàng ngày 7/6: Không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 VND/USD
Tin ngân hàng ngày 6/6: Cựu Phó giám đốc Eximbank lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.700 tỷ đồng Tin ngân hàng ngày 5/6: Sắp tới giá bán vàng của các ngân hàng có thể còn giảm |
Không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 VND/USD
Đó là nhận định của TS. Trương Văn Phước, chuyên gia kinh tế, tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024. Ông cho rằng, không cần phải tăng lãi suất để hạ tỷ giá, vì nền kinh tế hiện tại đang cần chi phí vốn rẻ.
Tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2024), TS. Trương Văn Phước nhận định rằng tỷ giá sẽ sớm hạ nhiệt. "Sẽ không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 VND/USD vì có thể tháng 7 Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất chứ không phải tháng 9 như nhiều dự báo", ông Phước nói.
Theo ông, ngoài yếu tố kinh tế, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động đến hành động cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Phước cũng nhấn mạnh rằng dù Mỹ cắt giảm lãi suất vào thời điểm nào, kỳ vọng của thị trường là đô la Mỹ sẽ giảm giá. Khi cắt giảm lãi suất, chỉ số DXY sẽ rớt xuống 100 điểm.
Về mức mất giá của VND trong thời gian qua, TS. Trương Văn Phước cho rằng nếu xét về cân đối, lẽ ra chúng ta có thể không để VND bị mất giá đến 5% chỉ trong một quý. Các yếu tố như xuất siêu, lạm phát thấp và lãi suất là những yếu tố giúp tỷ giá ổn định. "Đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chống bệnh đường ruột. Nếu xem tỷ giá là bệnh đường ruột thì kháng sinh liều cao đó chính là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng đó là cái giá phải trả cho một nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ để tăng trưởng", ông Phước nói.
Yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%
Ngày 5/6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa |
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%; chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 - 2%; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
PVcomBank phát hành chứng chỉ tiền gửi mệnh giá từ 10 triệu đồng, lãi suất 8%/năm
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi PVcomBank đợt 2 năm 2024 với lãi suất 8%/năm. Thời gian phát hành từ ngày 31/5/2024 đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết hạn mức 5.000 tỷ đồng. Mức mệnh giá chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng.
Ảnh minh họa |
Trước đó, ngân hàng này cũng có đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân với lãi suất cố định 8%/năm, kỳ hạn 85 tháng (tức 7 năm, 1 tháng) từ ngày 2/5 đến hết 31/12/2024. Chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố tùy theo thỏa thuận.
Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, ngân hàng phát hành để huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không được phép tất toán trước khi hết hạn.
Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác tùy thuộc vào điều kiện mà loại hình chứng chỉ tiền gửi đã mua. Trong khi, đối với tiền gửi tiết kiệm, người gửi tiền có thể rút tiền mà không phải chịu phạt hoặc mất lợi suất nếu thực hiện sau khi đủ thời hạn quy định. Nhưng rõ ràng, nếu người dân có khoản tiền cố định và để trong thời gian dài thì có thể chọn chứng chỉ tiền gửi bởi lãi suất cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm thông thường.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 7/6: Không có chuyện tỷ giá vượt 26.000 VND/USD