Tin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất
Tin ngân hàng tuần qua: Không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá Tin ngân hàng tuần qua: NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành |
Tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành văn bản số 4985/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc giảm mặt bằng lãi suất.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến thị trường và lãi suất của hệ thống TCTD trong thời gian gần đây, NHNN yêu cầu các tổ chức TCTD thực hiện nghiêm các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi; niêm yết công khai lãi suất tiền gửi tại các địa điểm nhận tiền gửi theo quy định của NHNN; tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi, qua đó tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho khách hàng nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022.
Trên cơ sở đó, TCTD tích cực chủ động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc giảm lãi suất cho vay; đồng thời, thông tin cụ thể cho khách hàng về chính sách giảm lãi suất cho vay để khách hàng biết và tiếp cận chính sách hỗ trợ của TCTD.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHNN yêu cầu theo dõi sát diễn biến lãi suất trên địa bàn để có giải pháp, đề xuất phù hợp trong việc triển khai chính sách của NHNN; khẩn trương chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời tăng cường công tác truyền thông các chính sách của NHNN để người dân, doanh nghiệp và TCTD biết và tích cực triển khai.
VietinBank rao bán gần 400 bất động sản ở các tỉnh, thành phố
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố danh sách gồm 396 quyền sử dụng đất tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Nam, Khánh Hoà, Đà Nẵng, TPHCM, Đồng Nai, Cà Mau, Cần Thơ… là các tài sản đảm bảo đảm bảo được VietinBank rao bán.
Các bất động sản được rao bán với giá từ vài trăm triệu đồng đến hàng trăm tỷ đồng, trong đó có nhiều bất động sản là các biệt thự, khách sạn 3-4-5 sao.
Chẳng hạn như, quyền sử dụng đất và biệt thự 3 sao tại Hội An có diện tích đất 686,7m2; diện tích xây dựng 1.096,91 m2; với 18 phòng được rao bán với giá 110 tỷ đồng.
Quyền sử dụng đất và khách sạn 4 sao có diện tích đất 1.032m2; diện tích xây dựng 3.657,6m2; với 55 phòng tại Quảng Nam được bán với giá 120 tỷ đồng.
Hàng loạt khách sạn 4-5 sao khác tại TP Hội An cũng được VietinBank rao bán với giá hàng từ 100-500 tỷ đồng.
VietinBank cũng rao bán Lô A2-6 khu khách sạn - condotel (căn hộ) và dân cư Saphia có diện tích 1.432m2 với giá 100,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng có diện tích đất 1.220m2; diện tích xây dựng 21.707,61m2 và 236 phòng được ngân hàng phát giá 600 tỷ đồng.
Các khách sạn 3 sao khác cũng được ngân hàng này phát mại với giá khoảng vài chục tỷ đồng.
SCB chấm dứt hoạt động loạt phòng giao dịch
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mới đây thông báo về việc chấm dứt hoạt động và giải thể của nhiều phòng giao dịch.
SCB chấm dứt hoạt động loạt phòng giao dịch/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, căn cứ theo các công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/5/2023, SCB chấm dứt hoạt động và giải thể các Phòng giao dịch Bàu Cát - chi nhánh Thống Nhất, PGD Nhà Rồng - chi nhánh Sài Gòn, PGD Cô Giang - chi nhánh Cống Quỳnh.
Trong đó, PGD Bàu Cát và PGD Nhà Rồng chấm dứt hoạt động từ ngày 30/6. PGD Cô Giang chấm dứt hoạt động từ ngày 7/7.
Trước đó, hồi đầu tháng 6, SCB cũng thông báo chấm dứt hoạt động và giải thể 3 phòng giao dịch khác là: PGD Hưng Dũng - chi nhánh Nghệ An, PGD Thành Công - chi nhánh Hai Bà Trưng, PGD Quận 1 - chi nhánh Cống Quỳnh. Trong đó, PGD Hưng Dũng chấm dứt hoạt động từ ngày 1/6. PGD Thành Công và PGD Quận 1 chấm dứt hoạt động từ ngày 10/6.
SCB cho biết, mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB.
Phát hiện loạt sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng
Bộ Tài chính vừa công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng của 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Theo Bộ Tài chính, kết quả thanh tra cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Bộ Tài chính cho biết, một số hành vi vi phạm điển hình như không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường.
Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hoạt động bán hàng, tăng cường quản lý và giám sát, chấn chỉnh công tác quản lý đại lý bảo hiểm, và kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Trong năm 2023, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng, trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thêm ba ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 1/7
Từ 1/7, ba ngân hàng áp dụng biểu lãi suất mới, điều chỉnh giảm 0,2-0,5%/năm.
Cụ thể, từ 1/7, SHB áp dụng biểu lãi suất mới và giảm 0,2-0,5 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đối với tiền gửi theo hình thức trực tuyến. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng của nhà băng này đồng loạt giảm từ 7,7%/năm xuống còn 7,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 7,2%/năm xuống 7%/năm. Ngân hàng cũng giảm lãi suất kỳ hạn ngắn 1 tháng 0,15% xuống mức 4,6%/năm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
TPBank cũng điều chỉnh lãi suất huy động từ hôm nay. Ngân hàng giảm 0,3 điểm % lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng theo hình thức gửi tiết kiệm online. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng - 36 tháng của nhà băng này còn 6,7%/năm. Ngân hàng giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 4,55%/năm và 3 tháng là 4,75%/năm.
Tại NamABank, từ ngày 1/7, ngân hàng giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở hình thức tiết kiệm online từ 7,6%/năm xuống 7,3%/năm. Ngân hàng cũng giảm 0,1 điểm % đối với kỳ hạn 1-5 tháng xuống 4,65%/năm.
Đầu tháng 7, tại kỳ hạn gửi 12 tháng không còn ngân hàng nào niêm yết trên mốc 8%/năm. Mức cao nhất được ghi nhận là 7,8%/năm tại các ngân hàng nhỏ như ABBank, BacABank, hoặc một số khác ở mức 7,7%/năm là PVCombank, NamABank, Vietbank, BVBank…
Hầu hết các ngân hàng tư nhân lớn đều đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7-7,3%/năm như HDBank, VPBank, SHB, Techcombank. Trong khi một số khác niêm yết còn quanh 6,5%/năm như Sacombank, MB.
Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ ở mức 6,3%/năm, thấp nhất so với các nhà băng khác trong hệ thống.
Tại kỳ hạn 24 tháng, VPBank đang là ngân hàng có lãi suất cao nhất với 8,1%/năm, tuy nhiên đi kèm điều kiện khách hàng gửi tiết kiệm online từ 50 tỷ đồng trở lên. Với số tiền nhỏ hơn, lãi suất được áp dụng là 7,9-8%/năm, vẫn là mức cao nhất hệ thống. Các mức lãi suất này vừa được ngân hàng điều chỉnh tăng từ ngày 30/6.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Tiếp tục yêu cầu triển khai các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất