Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Tin ngân hàng ngày 1/6: Eximbank chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt lần đầu tiên sau 10 năm Tin ngân hàng ngày 31/5: Yêu cầu giảm từ 1-2% lãi suất cho vay |
Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 4462/NHNN-CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất.
Ảnh minh họa |
Theo đó, NHNN yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả để phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết Quý II năm 2024 ở mức 5-6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Ngoài ra, tích cực rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng, chú trọng phát triển các sản phẩm tín dụng mới đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ và tiếp cận các chương trình, chính sách của TCTD.
Agribank tăng phí dịch vụ SMS Banking từ 1/6
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ chính thức tăng phí dịch vụ thông báo biến động số dư SMS Banking từ 1/6.
Cụ thể, mức phí mới (chưa bao gồm VAT) của Agribank là 13.200 đồng/tháng/số điện thoại và không giới hạn số lượng tin nhắn. So với mức phí cũ, phí dịch vụ SMS Banking của Agribank đã tăng thêm 3.200 đồng. Đồng thời, Agribank dừng gửi tin nhắn biến động số dư với các giao dịch có giá trị dưới 20.000 đồng.
Agribank cho biết, nếu khách hàng đang sử dụng SMS Banking và không có nhu cầu duy trì dịch vụ, có thể hủy dịch vụ bằng cách tải ứng dụng và chọn đăng ký nhận thông báo biến động số dư qua tin OTT trên ứng dụng Mobile Banking của Agribank (Agribank Plus hoặc Agribank E-Mobile Banking) với tính năng cung cấp thông tin tương tự, tiết kiệm chi phí và an toàn bảo mật hơn so với dịch vụ nhận tin qua SMS Banking.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng thông báo điều chỉnh tăng phí SMS Banking từ 1/6. Đối với khách hàng cá nhân, phí dịch vụ SMS Banking được thu theo mức số lượng tin nhắn biến động số dư phát sinh trên số tài khoản của khách hàng.
Cụ thể, từ 0-15 tin nhắn/tháng, mức phí là 10.000 đồng/tháng; từ 16-30 tin nhắn/tháng, mức phí là 20.000 đồng/tháng; từ 31-60 tin nhắn/tháng, mức phí 40.000 đồng/tháng; từ 61 tin nhắn/tháng trở lên, mức phí lên đến 60.000 đồng/tháng. Các mức phí trên chưa bao gồm thuế VAT.
Trước đó, một loạt ngân hàng đã tăng phí dịch vụ này như Sacombank, ACB, Eximbank, Vietcombank, VietinBank, VPBank, Nam A Bank, OCB. Thay vì tính một mức phí cố định hàng tháng cho mỗi tài khoản/thuê bao như trước, các ngân hàng này chuyển sang tính phí theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh hàng tháng.
VietinBank siết nợ chủ Khu du lịch Greenhill Village Quy Nhơn
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Thủ Thiêm vừa thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của CTCP Greenhill Village.
Ảnh minh họa |
Theo đó, VietinBank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ là 495 tỷ đồng. Giá khởi điểm bằng với dư nợ gốc, lãi và lãi quá hạn của Greenhill Village tại VietinBank Thủ Thiêm đến ngày 14/5/2024.
CTCP Greenhill Village được thành lập vào tháng 4/2018, có địa chỉ tại Hà Nội. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty hiện nay là ông Nguyễn Thế Hoàng.
Công ty CP Greenhill Village được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn. Dự án có tổng diện tích gần 17 ha, được xây dựng trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Dự án được xây dựng trên khu đất bên sườn đồi đối diện biển Quy Nhơn gồm 500 căn hộ du lịch, 145 căn biệt thự và 5 Bungalow đi kèm cùng các tiện ích. Dự án hội tụ đủ các điều kiện của một sản phẩm nghỉ dưỡng đẳng cấp theo tiêu chuẩn 5 sao quốc tế, đảm bảo phục vụ hơn 2000 khách/ngày.
Tháng 9/2022, dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tăng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Đến sáng 20/9/2023, khu nghỉ dưỡng Greenhill Village chính thức được khởi công xây dựng.
Liên quan đến dự án này, theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngày 5/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã đưa 14,5 triệu USD (tương đương 350 tỷ đồng) cho ông Tạ Hùng Quốc Việt, khi đó là Tổng giám đốc CTCP Greenhill Village, nhằm mục đích nhận chuyển nhượng dự án Greenhill Quy Nhơn do công ty Greenhill Village làm chủ đầu tư.
Trong ngày 23 - 25/10/2022, sau khi được cơ quan điều tra mời làm việc, ông Việt đã liên hệ và nộp toàn bộ số tiền đã nhận của bà Trương Mỹ Lan, trong đó có hơn 116,29 tỷ đồng (khoảng 4,75 triệu USD) và 9,75 triệu USD - tương đương số tiền 14,5 triệu USD.
TP Hồ Chí Minh: Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 8,3%
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đến 31/5/2024 đạt 3.522,8 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ dư nợ tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ ước đạt 3.212 nghìn tỷ đồng, chiếm 91,2% tổng vốn huy động, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 310,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,8% tổng vốn huy động, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 20,9% so với cùng kỳ.
Cùng thời điểm, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đến 31/5/2024 đạt 3.608,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.717 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,6% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 1.891,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,4% tổng dư nợ, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của Cục Thống kê thành phố, đến cuối tháng 4 năm 2024, lãi suất huy động bằng VNĐ tại các Ngân hàng Thương mại có diễn biến giảm nhẹ, nhưng đến 15/5/2024 một số ngân hàng điều chỉnh tăng 0,05% - 0,1%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn. Lãi suất cho vay bằng VNĐ cuối tháng 4 được điều chỉnh tăng 0,2% - 0,4%/năm đối kỳ ngắn hạn và giảm 0,2%/năm đối với kỳ trung, dài hạn./.
NHNN chuyển hướng sang bán vàng cho Big 4 từ 3/6
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ dừng đấu thầu bán vàng miếng và sẽ triển khai phương án bình ổn thay thế. Cụ thể, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng ở trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.
Ảnh minh họa |
Theo ông Phạm Quang Dũng, Phó thống đốc NHNN, ngay trong thứ Hai (3/6), NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) theo mức giá do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới.
"Các ngân hàng thương mại nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu", Phó thống đốc khẳng định.
Theo NHNN, với nguồn lực dồi dào và các công cụ hiện có, NHNN có đủ khả năng và quyết tâm để bình ổn thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ nhanh chóng được thu hẹp một cách bền vững.
Do đó, trước những diễn biến phức tạp của giá vàng trong nước và thế giới, người dân cần rất thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.
Song song với biện pháp kể trên, chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các TCTD và DN và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Từ tháng 4/2024 đế nay, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng.
Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Theo lãnh đạo NHNN, điều này cho thấy, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung-cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Yêu cầu các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng