Tin Xây dựng - Bất động sản tuần qua: Nghị định 71 tháo gỡ loạt vướng mắc giá đất cho dự án BĐS
Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 6/7: TP HCM thu hồi 3,14 ha đất thực hiện 13 dự án Tin Xây dựng - Bất động sản ngày 5/7: Căn hộ chung cư mini sẽ được cấp sổ hồng từ ngày 1/8 |
Nghị định 71 tháo gỡ loạt vướng mắc giá đất cho dự án BĐS
Ngày 5/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 71/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về giá đất, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.
Theo ông Đào Quang Dương, Phó Phòng Kinh tế đất - Sở TN-MT, Nghị định 71 hướng dẫn chi tiết các Điều 158, 159, 160, 162 và 257 của Luật Đất đai (sửa đổi), với 4 điểm mới quan trọng. Đáng chú ý là phương pháp tính thặng dư cụ thể hơn, giúp việc xây dựng giá đất dễ dàng hơn. Quyết định giá đất sẽ do chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện ban hành, không phải thông qua thường trực HĐND như trước. Việc thuê đất hằng năm không tính theo quy định trên dưới 30 tỷ đồng cho giá trị bất động sản.
Ông Dương cho biết, phương pháp thặng dư mới đã trở nên cởi mở và rõ ràng hơn, tính chi phí doanh nghiệp hợp lý như chi phí lãi vay, dự phòng phí trượt giá, chi phí đầu tư đất. Việc xác định giá đất trước đây gặp nhiều khó khăn, nhưng với Nghị định 71, các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ.
Tại hội nghị, các Phòng TN-MT quận, huyện nêu ý kiến cần hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất, và TP Thủ Đức cần hướng dẫn bảng giá đất do sự chênh lệch giá lớn từ ba đơn vị hành chính nhập lại. Các đơn vị cũng kiến nghị Sở Tài chính hướng dẫn chi phí tổ chức thẩm định giá, đặc biệt là thuê đơn vị thẩm định trên 100 triệu đồng phải đấu giá, và xử lý chi phí nếu dân không đồng ý với kết quả thẩm định.
Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết Nghị định 71 sẽ giúp giải quyết nhiều khó khăn trong việc xác định giá đất. Ông Thắng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện phối hợp chặt chẽ để triển khai Nghị định 71 hiệu quả. Trước mắt, các quận, huyện sử dụng bảng giá đất cũ với sự điều chỉnh phù hợp với nghị định mới. Sở TN-MT sẽ thành lập 3 tổ công tác phối hợp với các quận, huyện rà soát và điều chỉnh bảng giá đất áp dụng đến 31/12/2025 theo sát với giá thị trường, giúp giải quyết nhiều hồ sơ tồn đọng liên quan đến định giá đất.
Hà Nam chấp thuận đầu tư 6 dự án nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp và đô thị
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam, đến quý II/2024, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, có 4 dự án cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và 2 dự án cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp.
Ảnh minh họa |
Khu nhà ở công nhân và nhà ở xã hội tại các xã Đồng Hóa, Nhật Tân, Đại Cương (huyện Kim Bảng); Khu đô thị Đồng Văn Xanh do liên danh Công ty Cổ phần doanh nghiệp Hà Nam và Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư; Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng do liên danh Công ty TNHH Flamingo Hải Tiến và Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải làm chủ đầu tư; Khu dịch vụ nhà công nhân Khu công nghiệp Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng Công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư; Khu nhà ở xã hội do Công ty Arita làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cũng cho biết một số dự án nhà ở xã hội khác đang trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị thủ tục để thu hút đầu tư như: Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội thuộc Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu thương mại và nhà ở đô thị tại phường Duy Minh và phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên.
Bình Thuận dừng hoạt động hai dự án khu du lịch
Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 128/QĐ-SKHĐT về ngừng hoạt động toàn bộ dự án đầu tư Khu du lịch Heritage Villas & Resort (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) của Công ty TNHH Đầu tư SIPD Bình Thuận.
Ảnh minh họa |
Lý do dừng toàn bộ dự án vì nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm (quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư năm 2020).
Công ty TNHH Đầu tư SIPD Bình Thuận có trách nhiệm ngừng hoạt động dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật cho đến khi dự án được cơ quan thẩm quyền cho phép được tiếp tục triển khai hoạt động.
Dự án Khu du lịch Heritage Villas & Resort được triển khai thực hiện theo Quyết định chủ trương đầu tư số 3305/QĐ-UBND ngày 4/11/2016, Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1415/QĐ-UBND ngày 29/5/2017 và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 1640/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Đối với dự án dự án đầu tư Khu du lịch Hải Phú (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) của Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú cũng bị yêu cầu dừng toàn bộ dự án với lý do nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm (quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư năm 2020).
Sở KHĐT đề nghị Công ty TNHH Thương mại Du lịch Hải Phú có trách nhiệm ngừng hoạt động dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật cho đến khi dự án được cơ quan thẩm quyền cho phép được tiếp tục triển khai hoạt động.
Theo Sở KHĐT, hai dự án nêu trên bị ngừng hoạt động toàn bộ dự án đầu tư từ ngày 31/7/2024.
Bình Định đấu giá 14 lô đất, giá khởi điểm cao nhất 1,3 tỷ đồng/lô
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Bình Định vừa thông báo đấu giá quyền sử dụng 14 lô đất ở tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Giá khởi điểm từ 235 triệu đến 1,3 tỷ đồng/lô, tổng diện tích từ 179m2-240m2, dự kiến thu về gần 5,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, 29 lô đất ở Khu Chỉnh trang dòng Suối Thó và Khu dân cư thị trấn Ngô Mây, diện tích từ 250-680m2, giá khởi điểm từ 235 triệu đến 1,3 tỷ đồng/lô, dự kiến thu về 11,3 tỷ đồng.
106 lô đất ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh cũng được đưa ra đấu giá, diện tích từ 145m2-173m2, giá khởi điểm từ 705 triệu đến 1 tỷ đồng/lô, dự kiến thu về 82 tỷ đồng. Tất cả các lô đất này đều có mục đích sử dụng làm đất ở, với thời hạn sử dụng lâu dài.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất cho 217 lô đất tại Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tổng diện tích 37.225,44 m2, giá trị hơn 570 tỷ đồng.
Các dự án khác cũng được phê duyệt gồm 84 lô đất tại dự án khu dân cư phía bắc nhà ở xã hội phường Nhơn Bình, 23 lô tại Khu tái định cư xã Bình Tường, 15 lô tại khu đô thị mới Long Vân, 9 lô ở Khu tái định cư phục vụ dự án nâng cấp Quốc lộ 1D và 12 lô tại Khu tái định cư phục vụ dự án xây dựng Khu Đô thị - Thương mại phía Bắc sông Hà Thanh.
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, với dự báo dân số khoảng 12.000 - 14.000 người, nhu cầu sử dụng đất xây dựng từ 6.000 - 8.000ha. Đến năm 2040, dân số khoảng 200.000 - 250.000 người, nhu cầu sử dụng đất xây dựng khoảng 10.000 - 11.000ha.
Thời hạn nhận hồ sơ từ ngày 15/5/2024 đến 16 giờ ngày 31/5/2024 tại Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, địa chỉ thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
TP HCM giảm mạnh vi phạm trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2024
Chiều 5/7, Đoàn Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM tổ chức Diễn đàn Kết nối công chức trẻ với chủ đề “Quy hoạch và phát triển TP HCM - Tầm nhìn tương lai”.
Ảnh minh họa |
Báo cáo tham luận về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn, ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, cho biết qua gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP HCM, bình quân số vụ vi phạm trật tự xây dựng trong 1 ngày giảm đến 78% so với thời điểm trước khi Chỉ thị 23 được ban hành.
Năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã phối hợp với UBND cấp xã, huyện, Ban Quản lý các khu đô thị mới, KCX - KCN tăng cường thực hiện công tác kiểm tra với 55.435 lượt, phát hiện 423 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, giảm 36 trường hợp so với năm 2022.
Cũng theo ông Huỳnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM đã phối hợp kiểm tra 21.161 lượt, ban hành 106 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng và phát hiện 97 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm giảm đáng kể, với 31 trường hợp sai phép, 29 trường hợp không phép và 37 vi phạm khác.
Ông Huỳnh Lê Công Trường nhấn mạnh, để quản lý trật tự xây dựng hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự giám sát của các tổ chức xã hội và nhân dân, và nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức. Đồng thời, việc tăng cường đào tạo, công khai quy trình minh bạch và ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Nguồn: Tin Xây dựng - bất động sản tuần qua: Nghị định 71 tháo gỡ loạt vướng mắc giá đất cho dự án BĐS