TP. HCM đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh
Theo thống kê, đến cuối năm 2023, TP. HCM có 10 triệu phương tiện giao thông với hơn 7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố. Mỗi năm, TP. HCM phát thải khoảng 35 triệu tấn CO2, trong đó ngành công nghiệp là 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.
Tại TP. HCM, hệ thống xe buýt hiện có khoảng 2.209 phương tiện. Trong đó có 546 xe điện, xe CNG; 1.663 xe sử dụng nhiên liệu diesel. Tổng lượng phát thải hiện tại là CO2 là 553.299 tấn/năm 2024. Dự kiến số lượng xe trên các tuyến mở mới giai đoạn năm 2025-2030 là 1.108 xe, nâng tổng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 là 3.317 xe.
Theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM, nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, ô nhiễm môi trường từ giao thông ở thành phố sẽ trầm trọng hơn vào năm 2030 do số lượng xe buýt tăng trên 50%, gây hại sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế.
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Ảnh: MQ. |
Theo Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, sẽ có 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tại TP. HCM, Kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đang được Sở GTVT thành phố lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM cùng các sở, ban, ngành liên quan.
Theo kế hoạch của Sở GTVT TP. HCM, việc chuyển đổi xe buýt sẽ được thực hiện từ năm 2025 và kết thúc vào năm 2030. Trong giai đoạn này, TP. HCM sẽ đầu tư gần 3.000 xe buýt điện với mục tiêu thay thế dần các xe buýt chạy bằng dầu diesel và CNG hiện có. Trong 6 năm (2025-2030), sẽ có tổng cộng 2.771 xe buýt điện được triển khai. Trong đó, 1.663 phương tiện sẽ được thay thế cho các tuyến xe buýt hiện hữu và 1.108 xe còn lại sẽ được đầu tư mới cho các tuyến mở mới.
Lộ trình này được chia thành nhiều giai đoạn nhỏ. Từ năm 2025 đến 2029, những xe buýt chạy dầu diesel và khí CNG sẽ tiếp tục hoạt động đến khi hết thời hạn hợp đồng. Sau đó, chúng sẽ bị thay thế hoàn toàn bằng xe điện. Đặc biệt, các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ 100% sử dụng phương tiện điện, năng lượng xanh.
Bên cạnh việc đầu tư phương tiện, TP. HCM cũng tập trung vào việc phát triển hạ tầng phục vụ cho hệ thống xe buýt điện. Sở GTVT thành phố đã đề ra kế hoạch xây dựng 25 trạm sạc điện trên toàn thành phố. Mỗi trạm sạc sẽ được trang bị 269 trụ sạc (4 thiết bị sạc/trụ), với công suất mỗi trụ là 480 kW.
TP. HCM rà soát vị trí xây dựng hệ thống cấp điện, hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện trên địa bàn thành phố. Ảnh: MQ. |
Mới đây, UBND TP. HCM vừa có văn bản gửi các sở, ngành và các địa phương về rà soát vị trí xây dựng hệ thống cấp điện, hạ tầng trạm sạc phục vụ xe điện trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP. HCM giao Sở GTVT thành phố chủ trì phối hợp sở ban ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa, bến xe, nhà ga,... trên địa bàn thành phố và lập danh sách các vị trí đủ điều kiện để xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm sạc cho xe điện.
Các vị trí làm trạm sạc phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch tổng thể khu vực, có nơi đậu xe và phương án đấu nối giao thông phù hợp; trình cấp thẩm quyền xét duyệt theo quy định.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi giao thông xanh, Sở GTVT TP. HCM cũng được giao phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc; báo cáo, tham mưu UBND TP chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện. Nhiệm vụ này hoàn thành trong quý IV/2024.
UBND TP. HCM cũng giao Sở Công Thương TP. HCM chủ trì ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn về thiết kế, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho các trạm sạc và thực hiện việc kết nối hệ thống trạm sạc vào hệ thống điện lưới. Kết quả báo cáo UBND TP trước ngày 30/11.
Để khuyến khích các doanh nghiệp vận tải tham gia vào quá trình chuyển đổi này, TP. HCM cũng đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ tài chính. Đối với doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện sẽ được phép vay vốn lên tới 85% tổng mức đầu tư dự án (tối đa 300 tỉ đồng/dự án), với lãi suất vay cố định 3%. Phần chênh lệch lãi suất giữa thị trường và lãi suất cố định này sẽ do ngân sách thành phố hỗ trợ. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện còn được miễn phí trước bạ đối với xe mới; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng; trợ giá trực tiếp một phần phương tiện khi mua xe mới,... Đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng, trạm sạc sẽ được hỗ trợ 5% lãi suất (tối đa 7 năm); miễn tiền thuê đất cho phần diện tích bố trí trạm sạc,.../.
Nguồn: TP. HCM đẩy mạnh chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh