Tràn lan phân bón giả, kém chất lượng
Theo ước tính hàng năm cả nước sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu các loại phân bón hữu cơ vo viên, SA về rồi đóng bao ghi nhãn mác nhập nhèm giống như phân vô cơ như DAP, NPK, URE... bán với giá ngang bằng hoặc thấp hơn phân DAP và NPK chính hiệu, làm gia tăng chi phí cho người nông dân trong khi tác dụng của các loại phân bón nhập nhèm không như mong đợi. Nếu chỉ nhìn vào bao bì người nông dân như lạc vào “ma trận” phân bón, do các loại này rất khó phân biệt.
Trước bối cảnh phân bón giả, kém chất lượng trà trộn vào thị trường ngày càng nhiều, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố đã kiên quyết vào cuộc.
Trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Chỉ trong hơn một năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở buôn bán phân bón tại Tiền Giang |
Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, đó là: Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Hóa Nông Lúa Xanh; Công ty TNHH Cửu Long; Công ty TNHH Phân bón Đất Phúc; Công ty TNHH Nông Vui; Công ty CP Phân bón Long Điền Thanh Hóa; Công ty CP Secpentin và phân bón Thanh Hóa; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Phong Vũ; Công ty CP Kỹ thuật DO HA L E D U S A; Công ty CP Dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp.
Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.
Mới đây, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, xử phạt 1 đại lý kinh doanh phân bón giả trên địa bàn huyện Châu Thành với tổng số tiền gần 220 triệu đồng, trị giá tang vật vi phạm gần 100 triệu đồng.
Theo Cục QLTT tỉnh Hưng Yên, trong tháng 3 năm 2022, Đội QLTT số 1 đã tiến hành lấy 09 mẫu phân bón có dấu hiệu vi phạm về chất lượng hàng hóa của 04 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn thành phố Hưng Yên để kiểm tra chất lượng phân bón với mức chất lượng công bố trên bao bì, nhãn mác. Trong đó có tới 04 mẫu vi phạm. Đặc biệt, có những mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.
Cục Bảo vệ thực vật dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết...
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong đó, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.
Nguồn: Tràn lan phân bón giả, kém chất lượng