Triển khai các giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng điều
Xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp hạt điều lỗ nặng, vì sao? |
Bình Phước được xem là thủ phủ của cây điều Việt Nam với diện tích trồng điều trên 150 nghìn ha, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước; sản lượng điều khoảng 170 nghìn tấn/năm, giá trị xuất khẩu hàng năm hơn 1 tỷ đô la, đóng góp từ 30-45% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cùng với đó, Bình Phước đã hình thành ngành công nghiệp chế biến điều lớn nhất cả nước với hơn 1.400 cơ sở, công suất chế biến hạt điều 500 nghìn tấn/năm. Ngành điều đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 nghìn lao động.
Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn. Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất đi trên 50 quốc gia trên thế giới như: Liên minh EU, Mỹ, Nhật, Úc, Trung Quốc…, chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới.
Tỉnh Bình Phước triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương. |
Bình Phước cũng đã quy hoạch phát triển ngành điều của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển ngành điều bền vững trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, trước tình hình phát triển của kinh tế thị trường trong nước và thế giới hiện nay, việc phát triển cây điều còn không ít khó khăn, thách thức trên nhiều lĩnh vực như: Sức cạnh tranh một số sản phẩm; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị; liên kết với các đối tác nước ngoài có thị trường tiềm năng liên kết vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; kỹ thuật canh tác, chuyển giao giống điều. Đặc biệt, cây điều hiện nay cũng phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng của rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu là rất lớn, nhất là mưa trái mùa thường xảy ra.
Cụ thể, cơ sở chế biến hạt điều của tỉnh chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn cung hạt điều thô của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, khoảng 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, Châu Phi. Một số cơ sở chế biến hạt điều chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với cơ sở trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong nước để chế biến... Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa chặt chẽ. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chế biến hạt điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng Bình Phước cần tập trung chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; ưu tiên sản xuất và kiểm tra chất lượng giống, phân bón, công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến sản phẩm. Áp dụng sản xuất theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng hạt điều. Quả điều hiện nay có nhiều tiềm năng phát triển, có thể làm ra rất nhiều sản phẩm như nước ép điều lên men, ô mai, mứt điều, rượu vang điều, gia vị, chất màu tự nhiên... Các sản phẩm từ điều có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Qua đó, có thể thấy tính khả thi tận dụng được các thành phần khác nhau của quả điều, góp phần chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao theo định hướng sản xuất không phụ phẩm.
Các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn chú trọng ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ trong chế biến hạt điều. Ảnh: NH. |
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, để ngành điều phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh đã đề ra các giải pháp. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, tuyển chọn để có được giống điều cho năng suất cao, ổn định, phù hợp với nhiều vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và quản lý vườn điều giống đầu dòng chất lượng cao tại các đơn vị nghiên cứu và các địa phương; tổ chức nhân giống điều ghép đạt chất lượng, cung cấp đủ cho nông hộ và trang trại trồng điều; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất điều cho cán bộ khuyến nông và người dân, hỗ trợ công tác khuyến nông để đẩy mạnh việc cải tạo, tái canh vườn điều, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, chú trọng quản lý chất lượng giống điều; hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống điều theo đúng quy định pháp luật; sử dụng giống điều ghép có năng suất, chất lượng cao để trồng tái canh, trồng mới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác và thâm canh điều. Cải tạo vườn điều tạp, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên; diện tích trồng xen, chăn nuôi dưới tán điều đạt ít nhất 10.000ha; ổn định công suất thiết kế của mạng lưới chế biến hiện có là 500 ngàn tấn/năm; chế biến sâu nhân điều đạt 10 ngàn tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 800 triệu USD.
Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ chế biến điều, nhất là các công nghệ chế biến sâu từ điều, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng điều. Có cơ chế kiểm soát chặt quy trình sản xuất đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng. Đồng thời, không ngừng đẩy mạnh việc đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm và từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm mang chỉ dẫn “Hạt điều Bình Phước” trên thị trường.
Nguồn:Triển khai các giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng điều