Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt
Tuyên Quang có hệ thống sông suối khá dày và phân bố tương đối đều giữa các vùng. Hệ thống sông suối này ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Tuyên Quang có các sông lớn, trong đó Sông Lô chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây.
Sông Gâm, chảy qua tỉnh dài 170 km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km. Tiềm năng thủy điện trên sông Gâm tương đối lớn, hiện trên sông Gâm đã xây dựng nhà máy thủy điện Na Hang và nhà máy thủy điện Chiêm Hóa. Mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối dày với mật độ 0.9km/km² và phân bố đồng đều.
Hệ thống đê điều, tiêu thoát nước thủy lợi tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua được đầu tư cơ bản hoàn thiện nên hàng năm hầu như không bị chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang, tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa được quan tâm và bảo vệ hiệu quả, hiện tượng ô nhiễm, lấn chiếm bờ sông, hồ vẫn diễn ra. Trong khi, chất lượng nước ở một số nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, suy thoái.
Tình trạng suy giảm về nguồn nước mặt vào mùa khô đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là các hồ, ao nằm ở gần các khu dân cư tập trung, khu chăn nuôi lớn, khu công nghiệp, khu khai thác khoáng sản... Chất thải, nước thải xả vào nguồn nước mặt dẫn tới nguy cơ ô nhiễm, suy thoái, làm mất khả năng sử dụng nước cho các mục đích khác, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Đơn cử tại con ngòi dẫn nước vào hồ Như Xuyên, xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương gần như không thể tự làm sạch mình bởi lượng rác thải từ sinh hoạt, sản xuất trút xuống ngày một nhiều hơn.
Theo người dân sống trong khu vực cho biết, nhiều người ở trong thôn và các thôn khác mang rác từ nhà ra ngòi vứt như chai, lọ, túi nilon, xác động vật... đều trút xuống khiến con ngòi ngập rác. Cũng trên địa bàn huyện Sơn Dương, ngay tại khu vực bờ sông thuộc thôn Kim Xuyên, xã Hồng Sơn, rác thải sinh hoạt của các hộ dân trong thôn và khu vực lân cận cũng đổ ra rất nhiều. Nguyên nhân được cho là bãi rác quy hoạch của xã đã quá tải, chưa thể xử lý nên rất nhiều hộ gia đình làm liều vứt rác xuống sông, suối. Tương tự, tại các xã: Đạo Viện, Hùng Lợi, Tân Long, huyện Yên Sơn; Hùng Đức, Bằng Cốc, huyện Hàm Yên tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý… được xả thẳng vào nguồn nước mặt là các dòng suối, ao hồ.
Thông tin từ Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang có mật độ sông suối cao, khoảng 0,9 km/km2. Trên địa bàn có 3 sông lớn chảy qua, gồm sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Trữ lượng nước có thể khai thác trên lưu vực sông chính vào khoảng 4,2 triệu m3/ngày.
Hồ Ngòi Là 2 cung cấp nước sản xuất cho huyện Yên Sơn và TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang). (Ảnh minh hoạ).
Ngoài 3 sông lớn, tỉnh Tuyên Quang còn có trên 500 suối nhỏ và trên 2.000 ao hồ, tạo thành mạng lưới thuỷ văn khá dày theo các lưu vực sông chính. Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang nhận định, trong thời gian tới sẽ gia tăng các nhóm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do tác động của nhiều yếu tố nếu không có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, kiềm chế thì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt rất cao. Trước thực trạng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt gia tăng, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt “Đề án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và sức chịu tải của các con sông, suối, ao, hồ”.
Theo đó, ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thải. Đại diện phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang, cho biết, Sở đang tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xác định đặc điểm hiện trạng môi trường nước của các sông, suối, hồ trên địa bàn, làm cơ sở để giám sát diễn biến chất lượng nước sông, hồ; điều tra, xác định, thống kê các nguồn xả thải ô nhiễm vào nguồn nước, các nguồn tiếp nhận.
Trên cơ sở đó, đánh giá được hiện trạng xả nước thải, biến động số lượng, tổng lượng nước thải của các đối tượng xả nước thải và đặc điểm ô nhiễm của các nguồn thải; xác định được dòng chảy tối thiểu trên các sông, hồ… nhằm cung cấp thông tin phục vụ công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường và quy hoạch phát triển bền vững.
Từ đó đề xuất các giải pháp khả thi để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường nước sông, hồ. Với nguồn tài nguyên nước phong phú đã mang lại cho tỉnh nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thủy điện đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số gây áp lực đối với tài nguyên nước.
Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn nước mặt có nguy cơ bị ô nhiễm cao, nhiều biện pháp, giải pháp được các cấp, ngành, địa phương Tuyên Quang tổ chức triển khai, thực hiện, phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao công tác quản lý tài nguyên nước nhất là bảo vệ, quản lý chất lượng nguồn tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Sông Gâm có ý nghĩa quan trọng trong việc phân bổ nguồn nước cho tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh minh hoạ).
Bên cạnh đó, ngay từ năm 2017, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó xác định mục tiêu cụ thể đó là đánh giá số lượng, chất lượng của nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động dòng chảy, mực nước của các tầng chứa nước, nhu cầu sử dụng nước; phân vùng chức năng của nguồn nước.
Xác định tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước, thứ tự ưu tiên và tỷ lệ phân bổ trong trường hợp hạn hán, thiếu nước; xác định nguồn nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Xác định yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước và các hệ sinh thái thủy sinh; xác định các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; đánh giá diễn biến chất lượng nước, phân vùng chất lượng nước….
Đồng thời đánh giá, quy hoạch phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả tình trạng suy giảm tài nguyên nước cả về số lượng và chất lượng trên địa bàn tỉnh. Duy trì dòng chảy vào mùa khô trên các sông chính: sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy và các nhánh của các sông này.
Khôi phục chất lượng các hồ chứa, các đoạn sông đang bị ô nhiễm. Phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Bảo vệ sinh thái ngập nước ở các vùng hồ thủy điện Tuyên Quang và các hồ nước khác trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát được tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt các nguồn nước…
Ngoài ra, trước tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, có nguy cơ cạn kiệt, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 53/KH - UBND ngày 21/3/2023 của UBND tỉnh thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó là các quyết định về phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước về quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn. Nhờ đó đến nay Tuyên Quang đã phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, cụ thể là 138 đoạn sông, suối phải lập hành lang bảo vệ.
Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, cần có sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng, hệ thống chính trị. Bởi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, mỗi cá nhân, tổ chức đều phải có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững.
Nguồn: Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt