Triển vọng phát triển Du lịch Net Zero tại Việt Nam - Bài 2: Những hoạt động hướng tới Du lịch Net Zero
Điểm đến bền vững
Theo ThS. NCS Lê Văn Viễn (Phó trưởng bộ môn Quản trị Du lịch Khách sạn, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội), để hướng tới du lịch Net Zero, cần lựa chọn các điểm đến được chứng nhận là bền vững, ủng hộ bảo tồn tự nhiên và duy trì văn hóa địa phương.
Điểm đến du lịch bền vững là một khái niệm ngày càng phổ biến, nhằm chỉ các địa điểm du lịch được quản lý và phát triển với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Điểm đến bền vững bao gồm những đặc điểm sau:
Thứ nhất, đó là điểm đến thân thiện với môi trường, duy trì được đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc giảm thiểu rác thải, bảo vệ động thực vật hoang dã và duy trì cảnh quan tự nhiên.
Thứ hai, đó là điểm đến tôn trọng và duy trì di sản văn hóa, truyền thống của cộng đồng địa phương, bảo vệ các giá trị văn hóa và lịch sử.
Thứ ba, đó là điểm đến đảm bảo hoạt động du lịch sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế của cộng đồng địa phương, mang lại lợi ích cho người dân bản địa thông qua việc tạo công ăn việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thứ tư, đó là điểm đến cung cấp những trải nghiệm du lịch chân thực và độc đáo, giúp du khách hiểu rõ hơn về địa phương, từ đó tạo ra sự kết nối giữa du khách và điểm đến.
Điểm đến du lịch bền vững là một khái niệm ngày càng phổ biến, nhằm chỉ các địa điểm du lịch được quản lý và phát triển với mục tiêu tối ưu hóa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường |
Bằng cách lựa chọn và ủng hộ các điểm đến bền vững, du khách không chỉ có những trải nghiệm du lịch thú vị mà còn đóng góp vào việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. Đồng thời, du lịch bền vững cũng khuyến khích du khách áp dụng các thực hành bền vững trong cuộc sống hàng ngày, từ đó lan tỏa ý thức bền vững đến cộng đồng rộng lớn hơn.
Báo cáo Du lịch Bền vững 2024 của nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com cho thấy, có tới 75% du khách Việt cảm thấy được khích lệ hơn trong việc thực hành sống xanh mỗi ngày sau khi chứng kiến các hoạt động du lịch bền vững, 94% trong số họ mong muốn các chuyến du lịch của mình sẽ thân thiện với môi trường hơn. Từ nhu cầu đó, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam, ông Varun Grover đã chia sẻ những điểm đến trên khắp Việt Nam có số lượng cơ sở lưu trú đạt chứng nhận bền vững cao nhất như: Hội An (Quảng Nam); vùng đất “hoa nở trên đá” Hà Giang; Quy Nhơn (Bình Định); Đà Nẵng; Phú Yên;...
Từ những thành phố ven biển yên bình đến những thị trấn nhỏ xinh, mỗi điểm đến đều phù hợp với từng nhóm du khách, giúp họ hòa mình vào nền văn hóa đa dạng và du lịch thông qua việc đi bộ, đạp xe hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng thuận tiện.
Khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc phát triển các khu du lịch khuyến khích sử dụng giao thông xanh là điều vô cùng cần thiết, không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon mà còn nâng cao nhận thức của du khách về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường.
TS. Lê Thu Hương (Giảng viên bộ môn Quản trị du lịch và Truyền thông, Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, các tour du lịch xanh nên tập trung vào việc sử dụng phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường.
Đồng quan điểm với TS. Lê Thu Hương, PGS.TS Nguyễn Đức Thắng (Trưởng Khoa Du lịch - Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cũng nhấn mạnh, để hướng đến mục tiêu Net Zero thì các hãng vận chuyển tại các khu du lịch nên chuyển đổi sớm xe chạy động cơ đốt trong thành xe điện, trong đó cả xe bus và xe taxi.
Việc sử dụng những phương tiện giao thông xanh như xe đạp, xe điện hay thuyền chèo tay,... giúp giảm lượng khí thải CO2 và các chất ô nhiễm khác, bảo vệ không khí trong lành và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, bảo vệ các loài động thực vật và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên.
Việc phát triển các khu du lịch khuyến khích sử dụng giao thông xanh là điều vô cùng cần thiết, không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon mà còn nâng cao nhận thức của du khách về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường |
Những hoạt động như đi bộ hoặc đi xe đạp cũng giúp du khách khám phá các điểm đến một cách chậm rãi, tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương. Giao thông xanh cũng thường ít gây tiếng ồn, giúp du khách thư giãn và tận hưởng không gian yên bình hơn, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện giao thông xanh còn giúp giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng địa phương và tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, như dịch vụ cho thuê xe đạp và xe điện.
Phương tiện giao thông xanh thường có chi phí thấp hơn so với các phương tiện cơ giới, từ đó, giúp tiết kiệm chi phí cho cả du khách và nhà quản lý du lịch. Việc sử dụng xe đạp và xe điện cũng giúp tiết kiệm năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Ngoài ra, giao thông xanh cũng tạo cơ hội nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và khuyến khích lối sống bền vững.
Tại Việt Nam, Hội An là một trong những thành phố đầu tiên khuyến khích sử dụng xe đạp và đi bộ thay cho các phương tiện cơ giới. Khu phố cổ Hội An đã cấm xe máy và ô tô vào một số giờ nhất định trong ngày để bảo vệ môi trường và duy trì không khí trong lành. Nhiều khách sạn và cửa hàng tại Hội An còn cung cấp dịch vụ cho thuê xe đạp, giúp du khách dễ dàng di chuyển trong khu vực.
Hội An là một trong những thành phố đầu tiên khuyến khích sử dụng xe đạp và đi bộ thay cho các phương tiện cơ giới |
Thành phố Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang cũng đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển du lịch bền vững, bao gồm việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường biển và đảo. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn lớn trên đảo thường cung cấp dịch vụ thuê xe đạp và xe điện cho du khách.
Hay tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đây là nơi nổi tiếng với khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đà Lạt khuyến khích sử dụng xe đạp và đi bộ để giữ gìn không khí trong lành và bảo vệ môi trường. Nhiều tuyến đường trong thành phố được thiết kế phù hợp cho việc đi xe đạp và đi bộ, đặc biệt là quanh hồ Xuân Hương.
Ninh Bình là điểm đến du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa phong phú. Tỉnh này đã triển khai các biện pháp khuyến khích du khách sử dụng phương tiện giao thông xanh để bảo vệ môi trường và giảm tải cho cơ sở hạ tầng. Cụ thể, tại khu du lịch Tràng An và Tam Cốc, du khách có thể tham quan bằng thuyền chèo tay và đi xe đạp để khám phá các hang động và danh lam thắng cảnh.
Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính trong du lịch. Du lịch cũng là một trong những trọng tâm hướng đến của nhiều quốc gia hiện nay trong việc phát huy ứng dụng công nghệ năng lượng mới và năng lượng tái tạo nhằm đưa đất nước phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Để hướng tới du lịch xanh bền vững, nhiều quốc gia đã có những chính sách và hành động cụ thể, trong đó có phát triển điện năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế cho nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Chẳng hạn như ở Malpes, đảo quốc tại Ấn Độ Dương này đang nỗ lực thay thế năng lượng điện hóa thạch bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Hầu hết các khu nghỉ dưỡng trên đảo đều trang bị hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt và hệ thống hứng, thu gom nước mưa. Costa Rica ở Nam Mỹ cũng đang tiến tới mục tiêu là quốc gia đầu tiên có lượng carbon trung hòa vào năm 2020, hiện có gần 93% điện từ nguồn năng lượng tái tạo, 30% lãnh thổ quốc gia được bảo tồn. Họ có các khu nghỉ dưỡng siêu xanh, nơi mà cuộc sống xanh đan xen gần như mọi hoạt động thường ngày của du khách.
Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, và năng lượng thủy điện. Ở nước ta hiện nay, điện năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo được xem là một phần quan trọng giúp phát triển du lịch xanh, bền vững. Quyết định số 147/QĐ-TTg Phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh: “Khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm thiểu phát thải khí nhà kính”.
Năng lượng tái tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giảm phát thải khí nhà kính trong du lịch |
Việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời mang lại cho các cơ sở dịch vụ lưu trú nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên, đây là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí điện hiệu quả cho các khách sạn, nhà nghỉ, resort… vì hệ thống sẽ cung cấp điện cho các thiết bị như đèn chiếu sáng, máy nước nóng, máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm ban ngày. Trên thế giới, rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn đã sử dụng toàn bộ hoặc chủ yếu năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành. Thứ hai, việc các cơ sở lưu trú du lịch đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời sẽ chủ động nguồn điện tại chỗ, giảm áp lực về nguồn cung điện cho địa phương, nhất là ở những khu vực đang phát triển “nóng” về du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng điện chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, thiếu điện sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động và lợi nhuận của các cơ sở dịch vụ, lưu trú. Ngoài ra, việc chung tay phát triển năng lượng sạch còn góp phần tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường, tăng thiện cảm của khách du lịch quốc tế, nhất là những du khách văn minh và có mức chi tiêu cao, sẽ mang lại giá trị lâu dài cho cả ngành du lịch.
Bên cạnh năng lượng mặt trời, các khu nghỉ dưỡng hoặc điểm du lịch cũng có thể lắp đặt turbine gió để tạo ra điện từ năng lượng gió, đặc biệt là ở các khu vực ven biển hoặc nơi có điều kiện gió thuận lợi. Hay một số điểm du lịch đã kết hợp cả năng lượng gió và mặt trời để tối ưu hóa việc sản xuất điện, đặc biệt trong những khu vực có điều kiện khí hậu thay đổi.
Có thể kể đến đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), nơi đây có bãi biển hoang sơ và phong cảnh đẹp. Để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Cô Tô đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Các hệ thống pin mặt trời và turbine gió được lắp đặt trên đảo để cung cấp điện cho dân cư và các cơ sở du lịch, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ đất liền. Việc sử dụng năng lượng tái tạo giúp bảo vệ môi trường biển, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cả người dân và du khách.
Hay Ninh Thuận cũng là tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời, nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi như khí hậu khô nóng và gió mạnh quanh năm. Các dự án kết hợp năng lượng mặt trời và gió đã được triển khai tại Ninh Thuận, với các trang trại điện mặt trời và turbine gió được lắp đặt để cung cấp năng lượng cho các khu du lịch và dân cư.
Ngoài việc sử dụng năng lượng tái tạo, việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng cũng là một giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính trong du lịch. Các chuyên gia cho rằng, các cơ sở lưu trú, khu du lịch, và các phương tiện vận chuyển du lịch cần được nâng cấp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Giảm thiểu sử dụng rác thải
Rác thải luôn là vấn đề môi trường nghiêm trọng mà mọi khu du lịch đang phải đối mặt. Với sự gia tăng về số lượng du khách, lượng rác thải sinh ra cũng tăng theo, gây áp lực lớn lên hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Việc giảm thiểu rác thải trong hoạt động du lịch không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài.
Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết, ước tính, trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi ni-lông/ngày; 2 - 4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 10 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển.
Báo cáo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) cung cấp nhận định, sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có rác thải nhựa.
Một số điểm đến tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa như: tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày, đêm; trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày, đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày. Tại Tuy Hòa (Phú Yên), rác thải nhựa chiếm 18,31% trong 524 tấn rác thải/ngày,đêm. Tại Rạch Giá (Kiên Giang), lượng rác thải nhựa mỗi ngày lên tới 32,1 tấn, chiếm 19% trong 155 tấn rác thải/ngày, đêm.
ITDR đưa ra dự báo, nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch vào năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019, ở mức 336.400 tấn/năm.
Như vậy, để tiến đến mục tiêu Net Zero trong hoạt động du lịch, các cơ sở du lịch cần có các biện pháp để giảm thiểu sử dụng rác thải, bao gồm phân loại rác thải, tái chế, và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức cho du khách, cộng đồng địa phương…
Việc giảm thiểu rác thải trong hoạt động du lịch không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài |
Để giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, các điểm du lịch và khách sạn có thể cung cấp túi vải và chai nước tái sử dụng cho du khách, đồng thời khuyến khích họ mang theo khi tham quan và mua sắm. Các nhà hàng và quầy ăn uống có thể thay thế nhựa dùng một lần bằng các vật liệu phân hủy sinh học như giấy, tre, hoặc gỗ. Ngoài ra, Ban quản lý các khu du lịch có thể thực hiện các chính sách cấm sử dụng nhựa dùng một lần trong khu vực, từ chai nước đến ống hút và dao kéo.
Các cơ sở du lịch cũng có thể thúc đẩy tái chế và tái sử dụng rác thải bằng những hành động cụ thể như cung cấp các thùng rác phân loại tại các điểm du lịch để khuyến khích du khách phân loại rác thành giấy, nhựa, kim loại, và rác hữu cơ. Về việc tái chế, các cơ sở có thể hợp tác với các công ty tái chế để thu gom và xử lý rác thải tái chế, đảm bảo rằng vật liệu được tái sử dụng hoặc tái chế một cách hiệu quả. Trong các công trình xây dựng và nâng cấp, sử dụng vật liệu tái chế và tái sử dụng để giảm thiểu rác thải xây dựng.
Để giảm lượng rác thải, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng địa phương cũng vô cùng quan trọng. Các đơn vị du lịch có thể tổ chức các buổi hội thảo và hoạt động giáo dục để nâng cao nhận thức của du khách và nhân viên về tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải. Sử dụng biển hiệu và tài liệu giáo dục tại các điểm du lịch để hướng dẫn du khách về cách thức giảm thiểu và phân loại rác thải. Đồng thời, khuyến khích du khách thực hiện lối sống bền vững bằng cách tiết kiệm nước, điện và giảm thiểu rác thải trong suốt chuyến du lịch.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác với cộng đồng địa phương cũng sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc phát triển các dự án bền vững, như nông nghiệp hữu cơ và tái chế tại chỗ. Từ đó, tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường; phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch thân thiện với môi trường để hỗ trợ kinh tế địa phương và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Hiện nay tại Việt Nam, đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã áp dụng thí điểm việc không sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, thu hút sự tham gia của các công ty du lịch và cơ sở lưu trú. Hay tại Hội An đã triển khai mô hình “Khách sạn không rác thải nhựa” và khuyến khích cộng đồng hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần…
Du lịch thân thiện, hỗ trợ cộng đồng
Du lịch thân thiện và hỗ trợ cộng đồng là một phần không thể thiếu của du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero. Hoạt động này không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương. Theo các chuyên gia, du lịch thân thiện và hỗ trợ cộng đồng sẽ tập trung vào 4 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Cụ thể, khách sạn, nhà hàng, và các cơ sở du lịch nên ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương để tạo công ăn việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Cùng với đó, tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người dân địa phương để họ có thể tham gia vào ngành du lịch một cách hiệu quả; cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương để họ có thể phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh trong ngành du lịch.
Thứ hai, phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Khách sạn và nhà hàng nên ưu tiên sử dụng sản phẩm địa phương, từ thực phẩm đến đồ thủ công mỹ nghệ, để hỗ trợ kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành nên tạo ra các tour du lịch do người dân địa phương dẫn dắt, giúp du khách khám phá văn hóa và truyền thống độc đáo của địa phương. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đồng thời tạo điều kiện để du khách tham gia vào các hoạt động sản xuất thủ công.
Du lịch thân thiện và hỗ trợ cộng đồng là một phần không thể thiếu của du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero |
TS. Lê Thu Hương (Giảng viên bộ môn Quản trị du lịch và Truyền thông, Học viện Hành chính Quốc gia) cũng cho rằng, du khách có thể thực hiện các hoạt động bù đắp carbon như tham gia trồng cây, sử dụng nông sản địa phương, mua đồ thủ công mỹ nghệ, hoặc tham gia một số hoạt động khác để bù đắp lượng carbon phát thải trong suốt chuyến đi.
Thứ ba, bảo tồn văn hóa và di sản địa phương. Cần đầu tư vào việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử và văn hóa để thu hút du khách và giữ gìn di sản của địa phương. Tổ chức các sự kiện và lễ hội văn hóa để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Cùng với đó, tạo ra các chương trình giáo dục về tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa và di sản địa phương.
Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ cộng đồng. Cần đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống cấp thoát nước, và điện lưới để cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng; phát triển các dịch vụ y tế và giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách; cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án xây dựng nhà ở cho người dân địa phương.
Thứ năm, khuyến khích du lịch có trách nhiệm. Cần thiết lập các quy tắc và hướng dẫn để du khách có thể tham gia vào hoạt động du lịch một cách có trách nhiệm và tôn trọng môi trường và văn hóa địa phương. Tổ chức các chương trình giáo dục và hội thảo để nâng cao nhận thức của du khách về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường; tạo cơ hội cho du khách tham gia vào các hoạt động bảo tồn môi trường và văn hóa, như trồng cây và tham gia các lễ hội truyền thống.
Cuối cùng, cần tạo dựng môi trường sống thân thiện bằng việc xây dựng và duy trì các không gian xanh như công viên, vườn hoa và khu bảo tồn thiên nhiên để cải thiện môi trường sống của cộng đồng. Hỗ trợ và phát triển các dự án cộng đồng như trồng cây xanh, làm sạch môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; tạo điều kiện để cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý và phát triển du lịch bền vững.
Một số điểm du lịch cộng đồng nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến như: Sapa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Mộc Châu (Sơn La), Hội An (Quảng Nam),...
Giáo dục và tạo nhận thức
ThS. NCS Lê Văn Viễn (Phó trưởng bộ môn Quản trị Du lịch Khách sạn, Trưởng Đại học Tài nguyên Môi trường) cho rằng, cần tổ chức các hoạt động giáo dục để tăng cường nhận thức về du lịch bền vững, du lịch Net Zero. Đồng thời, chia sẻ những thông tin về lợi ích của Net Zero Tourism, từ đó khuyến khích mọi người tham gia vào mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường.
Theo đó, cần cung cấp thông tin rõ ràng và dễ hiểu. Cung cấp tài liệu giáo dục như sách hướng dẫn, tờ rơi, và bài viết trên website về các quy tắc và thực hành du lịch bền vững. Sử dụng biển hiệu và đề can tại các điểm du lịch để nhấn mạnh các thông điệp về bảo vệ môi trường và thực hành du lịch bền vững. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin về du lịch bền vững trên các ứng dụng du lịch và các nền tảng trực tuyến mà du khách thường sử dụng.
Ngoài ra, cần tổ chức các buổi hội thảo và workshop tại các điểm du lịch để giáo dục du khách về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, và tôn trọng văn hóa địa phương. Cung cấp các chương trình đào tạo cho nhân viên du lịch để họ có thể truyền đạt thông tin về du lịch bền vững một cách hiệu quả cho du khách. Tổ chức các chuyến tham quan giáo dục để du khách có thể trải nghiệm trực tiếp các thực hành bền vững và học hỏi từ các chuyên gia.
ThS. NCS Lê Văn Viễn (Phó trưởng bộ môn Quản trị Du lịch Khách sạn, Trưởng Đại học Tài nguyên Môi trường) cho rằng, cần tổ chức các hoạt động giáo dục để tăng cường nhận thức về du lịch bền vững, du lịch Net Zero |
Để tăng hiệu quả giáo dục, nâng cao nhận thức, các chuyên gia cho rằng nên sử dụng công nghệ và truyền thông xã hội để tổ chức các chiến dịch truyền thông trên nhằm nâng cao nhận thức về du lịch bền vững và chia sẻ thông tin hữu ích; cung cấp các blog và video hướng dẫn về du lịch bền vững để du khách có thể tìm hiểu và áp dụng các thực hành bền vững trước khi bắt đầu chuyến đi hay phát triển các ứng dụng di động cung cấp thông tin và hướng dẫn về du lịch bền vững, bao gồm bản đồ, quy tắc và các mẹo hữu ích.