Tư tưởng của V.I. Lênin về sức mạnh, lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Từ khóa: V.I.Lênin; sức mạnh; lực lượng; bảo vệ Tổ quốc; xã hội chủ nghĩa.
1. Đặt vấn đề
Nhà nước, tổ quốc ra đời khi xã hội xuất hiện sự phân công lao động, hình thành các giai cấp, tầng lớp có lợi ích khác nhau. Trước nhu cầu phát triển của sản xuất, phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, cùng với sự gia tăng các xung đột lợi ích không thể điều hòa giữa các giai cấp, tầng lớp, các tập đoàn kinh tế và sự lớn mạnh của nhà nước thể hiện ở sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự, thì các quốc gia, dân tộc luôn phải đối phó nhiều hơn với các cuộc chiến tranh xâm lược với quy mô, hình thức khác nhau. Do đó, từ khi Tổ quốc ra đời, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng đất nước, giai cấp thống trị xã hội còn phải phát động nhân dân đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ để bảo vệ thành quả, lợi ích giai cấp, bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, có rất nhiều tư tưởng khác nhau về bảo vệ Tổ quốc, song chỉ đến V.I.Lênin tư tưởng về bảo vệ Tổ quốc mới trở thành một học thuyết khoa học và cách mạng trên tất cả các nội dung, đặc biệt là tư tưởng về sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Thời kỳ C.Mác và Ph.Ăngghen, do điều lịch sử quy định nên vấn đề về bảo vệ Tổ quốc, “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” chưa được đề cập nhiều. Song, các ông đã vạch ra những quan điểm rất cơ bản, khoa học về bảo vệ Tổ quốc. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen dưới chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân chưa có Tổ quốc, họ chỉ có tổ quốc khi nào lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập được chuyên chính vô sản. Như vậy, Tổ quốc không chỉ đơn thuần bao gồm yếu tố tự nhiên về mặt lãnh thổ mà còn các yếu tố về mặt chính trị – xã hội như chế độ chính trị. Trong Các bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ năm 1845, Ph.Ăngghen, khẳng định: “Xin quý vị lưu ý rằng, khi xảy ra chiến tranh và đương nhiên chỉ có thể là chiến tranh chống lại các quốc gia chống cộng sản thì mỗi thành viên xã hội phải bảo vệ tổ quốc chân chính, mái nhà chân chính, do đó sẽ chiến đấu với tinh thần hăng hái, tính cương nghị và lòng dũng cảm khiến cho quân đội hiện đại được huấn luyện một cách máy móc phải tan tành như đụn rạ.”1. Tổ quốc mà Ph.Ăngghen đề cập ở đây là Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và khi đó bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan. C.Mác và Ph.Ăngghen đưa ra luận điểm nổi tiếng: giai cấp vô sản phải bảo vệ thành quả cách mạng của mình, đó là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tổng kết những bài học kinh nghiệm của Công xã Pari, trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp, C. Mác chỉ ra sự cần thiết phải có giai cấp nông dân ủng hộ, phải đặt lợi ích căn bản của mình đồng nhất với lợi ích của giai cấp công nhân. C. Mác cho rằng, giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện cuộc cách mạng vô sản và bảo vệ thành quả cách mạng là một tất yếu khách quan là quy luật của cách mạng vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã sớm đặt vấn đề vũ trang bảo vệ những thành quả cách mạng của giai cấp vô sản bằng vũ trang toàn dân, bằng các đội dân cảnh công nhân, nông dân trên cơ sở sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
3. Tư tưởng của V.I. Lênin về sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện lịch sử mới, từ thực tiễn công cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền Xô viết non trẻ, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới được ra đời sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. V.I.Lênin (1870 – 1924), lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động trên thế giới đã nghiên cứu, bảo vệ một cách toàn diện, sâu sắc và đã tổng kết thành hệ thống quan điểm lý luận mới, bổ sung, phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, xây dựng nên “Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Tên tuổi của V.I.Lênin gắn liền với sự ra đời của lực lượng vũ trang Liên Xô, với việc tổ chức phòng thủ nước Cộng hòa Xô-viết trẻ tuổi. Trong Học thuyết về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã khẳng định: bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan, là một trong những quy luật cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã chỉ rõ: Một cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ, và “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”2. Tại Đại hội IV bất thường các Xô-viết toàn Nga, V.I.Lênin tuyên bố: “Nước Cộng hòa liên bang xô-viết Nga nhất trí lên án những cuộc chiến tranh ăn cướp, từ nay nhận thấy mình có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa chống lại tất cả các cuộc xâm lược có thế xảy ra do bất kỳ một cường quốc đế quốc chủ nghĩa nào gây ra”3. Cùng với tư tưởng về mục tiêu, tính chất, phương thức bảo vệ Tổ quốc, V.I. Lênin đã khái quát và làm rõ sức mạnh và lực lượng bảo vệ Tổ quốc.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là vấn đề hết sức quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại trong bảo vệ tổ quốc. Trong lịch sử, giai cấp thống trị qua các thời đại đều nhận thức sâu sắc quy luật của chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc là “mạnh được, yếu thua”, nên cũng đã tập trung tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa non trẻ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi kẻ thù có thế và lực to lớn, luôn tìm cách cấu kết để giành lại chính quyền và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin đã cảnh báo, giai cấp vô sản sau khi đã nắm được chính quyền cần sẵn sàng đối phó với việc chính phủ tư sản tập hợp lực lượng chống lại cuộc cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân; rằng giai cấp vô sản phải tổ chức quần chúng nhân dân lao động sẵn sàng tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ chống lại các nước đế quốc xâm lược. Cho nên, Người nhấn mạnh: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại được. Giai cấp thống trị không bao giờ nhường chính quyền cho giai cấp bị trị. Nhưng giai cấp bị trị phải chứng minh trên thực tế rằng, họ không những có khả năng lật đổ bọn bóc lột, mà còn có khả năng tự tổ chức, huy động hết thảy để tự bảo vệ lấy mình”4.
Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, sức mạnh tổng hợp của Nhà nước và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, là sức mạnh của nền quốc phòng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu, tính chất chính nghĩa được xây dựng, củng cố cả về lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng. Đặc biệt, V.I.Lênin rất coi trọng sức mạnh của ưu thế chính trị – tinh thần của chế độ mới và con người mới xã hội chủ nghĩa đó là cơ sở trực tiếp của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.
Trong tác phẩm Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!, ngày 21 tháng Hai năm 1918, đăng trên báo “Sự thật”, số 32, ngày 22 tháng Hai 1918, V.I.Lênin viết: “1) Tất cả mọi lực lượng, mọi tài nguyên của đất nước đều phải dành cho công cuộc bảo vệ cách mạng. 2) Tất cả các Xô-viết và các tổ chức cách mạng có trách nhiệm phải bảo vệ từng vị trí cho đến giọt máu cuối cùng”5. Bởi, trong chiến tranh nếu bên nào có khả năng huy động được toàn bộ nền kinh tế quốc dân, bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, vận tải, các ngành kinh tế và khoa học, v.v.. thì bên đó sẽ có nhiều cơ hội để giành thắng lợi. Mặt khác, mục tiêu bảo vệ tổ quốc cũng là toàn diện mọi lĩnh vực, cả yếu tố tự nhiên và chính trị – xã hội. Do vậy, V.I.Lênin yêu cầu: “một khi chúng ta đã bắt tay vào công cuộc hòa bình kiến thiết của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem hết sức mình ra để tiếp tục tiến hành công cuộc đó không ngừng”6.
V.I.Lênin cũng đã nhận thấy mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nếu tập trung hết nguồn lực cho bảo vệ tổ quốc thì sẽ không thúc đẩy phát triển đất nước và dẫn đến suy giảm sức mạnh bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải đi đôi với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cơ sở sâu xa của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là đẩy mạnh phát triển kinh tế văn hoá, khoa học – kỹ thuật, có đường lối đối ngoại khôn khéo, kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù. Thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật mới là cơ sở để hiện đại hóa nền quốc phòng, hiện đại hóa lực lượng vũ trang và quân đội cách mạng.
Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin khẳng định: Đảng Cộng sản phải lãnh đạo trực tiếp và toàn diện sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là nguyên tắc chiến lược cao nhất và là cội nguồn sức mạnh của bảo vệ tổ quốc. Bởi vì, Đảng Cộng sản lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành cuộc cách mạng vô sản, khi cách mạng thành công, giai cấp công nhân và nhân dân lao động có Tổ quốc của mình thì tất yếu Đảng Cộng sản phải tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đảng Cộng sản đề ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, khoa học và xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, dám hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản phải tích cực tiến hành các biện pháp để cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của cách mạng, bản chất âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, giúp họ nêu cao ý chí quyết tâm, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tập hợp, thu hút, tổ chức, hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Ban chấp hành trung ương yêu cầu tất cả các tổ chức của đảng, trước tiên phải đem toàn lực ra để thực hiện những biện pháp sau đây, mà các tổ chức của đảng và nhất là các công đoàn phải thi hành, nhằm làm cho các tầng lớp đông đảo hơn nữa của giai cấp công nhân tham gia tích cực vào công cuộc phòng thủ đất nước”7. Có như vậy, mới tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Về lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, theo V.I.Lê nin là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn dân tộc, toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong đó quân đội làm nòng cốt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý, tổ chức của chính quyền Xôviết. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động khi đã giành được chính quyền, đã có Tổ quốc của mình thì phải quyết tâm bảo vệ nó: “nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước chúng ta, khôi phục lại lực lượng quân sự của nó theo nguyên tắc tổ chức dân quân xã hội chủ nghĩa và huấn luyện những kiến thức quân sự và nghệ thuật quân sự cho toàn thể nam nữ thiếu niên và công dân”8. Chỉ có sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, trực tiếp và chủ yếu là giai cấp công nhân, nhân dân lao động, với tinh thần trách nhiệm cao mới tạo nên sức mạnh to lớn cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin khẳng định: “Không bao giờ người ta có thể chiến thắng được một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân đã biết, đã cảm và trông thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của mình, Chính quyền xô-viết, chính quyền của những người lao động, rằng họ bảo vệ sự nghiệp mà một khi thắng lợi sẽ đảm bảo cho họ, cũng như con cái họ, có khả năng hưởng thụ mọi thành quả văn hóa, mọi thành quả lao động của con người”9. Đồng thời, V.I.Lênin yêu cầu mọi người dân phải có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề bảo vệ Tổ quốc, tuyệt đối không được lơ là, xem nhẹ, mất cảnh giác.
4. Tư tưởng của V.I. Lênin về lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Bảo vệ Tổ quốc là hoạt động toàn diện trên các lĩnh vực gắn với đặc trưng đấu tranh vũ trang, cho nên V.I.Lênin rất chú trọng đến việc xây dựng quân đội cách mạng vững mạnh làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quân đội “là công cụ mà quần chúng nhân dân và các giai cấp trong nhân dân sử dụng để giải quyết những cuộc xung đột vĩ đại trong lịch sử”10. V.I.Lênin đã khẳng định: “Sự vững bền của nước cộng hòa trong chiến đấu chống đế quốc, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Nga và trên toàn thế giới đều tùy thuộc vào sự tăng cường quân đội”11. Bởi, để tiến hành bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước âm mưu và hành động xâm lược của kẻ thù có quân đội tư sản chính quy, được trang bị và huấn luyện đầy đủ thì phải thành lập quân đội công nông thường trực, chính quy, được trang bị và huấn luyện tốt. Do đó, đầu năm 1918, V.I.Lênin đã ký Sắc lệnh thành lập Hồng quân và Hải quân công nông và đã kêu gọi tăng cường sức mạnh của các lực lượng vũ trang Xôviết: “hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng, chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”12.
V.I.Lênin cũng chỉ rõ những vấn đề cơ bản nhất về lý luận xây dựng quân đội kiểu mới, trọng tâm là về bản chất giai cấp, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, những nguyên tắc chủ yếu trong tổ chức và xây dựng quân đội kiểu mới. Người khẳng định: Hồng quân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quan tâm xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho Hồng quân; tăng cường kỷ luật sắt tự giác, nghiêm minh; thiết lập công tác chính trị; trang bị, huấn luyện tốt cho Hồng quân; thực hiện chế độ chính ủy trong Hồng quân.
Tư tưởng của V.I.Lênin về sức mạnh, lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một bộ phận quan trọng trong Học thuyết bảo vệ Tổ quốc. Những tư tưởng đó mang tính cách mạng và khoa học sâu sắc, phản ánh toàn diện những vấn đề lý luận có liên quan đến sức mạng và lực lượng bảo vệ tổ quốc. Tư tưởng đó vừa là sự khái quát đúc rút từ thực tiễn, đồng thời có giá trị to lớn giúp Đảng Cộng sản vận dụng lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện nước Cộng hòa Xô viết non trẻ đứng trước những khó khăn và thử thách khắc nghiệt của thời kỳ nội chiến (1918 – 1920), phải đồng thời đối phó với các thế lực phản cách mạng và sự can thiệp của 14 nước đế quốc. V.I.Lênin đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga và Hội đồng Dân ủy tăng cường lãnh đạo và điều hành công cuộc phòng thủ quốc gia, xác định những vấn đề chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp với thực tiễn để đánh bại thù trong, giặc ngoài. Chỉ tính “từ ngày 01/12/1918 đến ngày 27/2/1920, V.I.Lênin đã trực tiếp chủ trì gần 100 cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, riêng năm 1919, Người đã chủ trì 14 hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, 40 cuộc họp của Bộ Chính trị để thảo luận và quyết nghị những vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, Người cũng đã gửi gần 600 thư và điện cho các đơn vị quân đội để chỉ đạo các tình huống chiến dịch, chiến lược nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”13.
5. Kết luận
Trong giai đoạn hiện nay tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều biến đổi và diễn biến phức tạp. Học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói chung và tư tưởng của V.I.Lê nin về sức mạnh, lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói riêng vẫn còn nguyên giá trị. Đó là cơ sở lý luận để các Đảng Cộng sản đề ra chủ trương, đường lối chiến lược xây dựng nền quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu và nắm vững những tư tưởng cơ bản trên và vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đất nước sẽ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Chú thích:
1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995). Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.725.
2, 3, 8. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 36. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.102; 153; 153.
4, 7, 9. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 38. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.165 – 166; 325; 378.
5. V.I.Lênin (2006). Toàn tập. Tập 35. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.435.
6, 12. V.I.Lênin Toàn tập. Tập 44, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.368.
10. V.I.Lênin Toàn tập (2005). Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.378.
11. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.114.
13. Nguyên soái G.K.Giucốp. Nhớ lại và suy nghĩ (Hồi ký). H. NXB Quân đội nhân dân, 2001 (dịch theo bản tiếng Nga, Matxcơva, 1969).
Nguồn: Tư tưởng của V.I. Lênin về sức mạnh, lực lượng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Đại tá. PGS. TS. Bùi Xuân Quỳnh
Học viện Chính trị – Bộ Quốc phòng
Thượng tá, ThS. Bùi Vương Phùng
Trường Sĩ quan Lục quân 1 – Bộ Quốc phòng