Tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử – Sự vận dụng trong việc phát triển các nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của Việt Nam
Tư tưởng yêu nước thương dân từ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành Tăng cường giáo dục thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh |
Từ khoá: Kỷ nguyên mới; Việt Nam; phát triển; nhà lãnh đạo; tư tưởng lãnh đạo; Khổng Tử.
1. Đặt vấn đề
Khổng Tử tên thật là Khổng Phu Tử (sinh khoảng năm 551 TCN và mất vào năm 479 TCN tại Trung Quốc) – một trong những nhà triết học, nhà giáo dục vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa. Tư tưởng của Khổng Tử tập trung chủ yếu vào việc xây dựng xã hội hài hòa, trong đó con người sống và làm việc theo đạo đức, sự tuân thủ quy tắc xã hội. Các giá trị chủ đạo trong tư tưởng Khổng Tử nhấn mạnh trong các từ nhân, lễ, chí, tín. Ông được xem là người sáng lập và phát triển tư tưởng Nho giáo, một hệ thống triết lý, trong đó con người được giáo dục để sống có đạo đức, có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội (Nguyễn Hiến Lê, 2006). Tư tưởng Nho giáo nhấn mạnh việc duy trì các giá trị truyền thống, tôn trọng tổ tiên, những nguyên tắc về đạo đức, lễ nghĩa trong các mối quan hệ xã hội. Đến nay, Nho giáo vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa, giáo dục không chỉ trong phạm vi Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước ở châu Á cũng như ảnh hưởng đến Việt Nam ngày nay (Lê Ngọc Anh, 1999).
Khổng Tử để lại nhiều tác phẩm, các tác phẩm này ông không tự viết ra, mà tư tưởng của Khổng Tử được ghi chép lại qua các học trò. Nội dung các tác phẩm là lời dạy, triết lý sống và giáo lý của Khổng Tử. Các tác phẩm chính gồm: Luận Ngữ, đây là tác phẩm được xem là “kinh điển” của Nho giáo, gồm tập hợp các lời dạy và cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và các môn đệ về đạo đức, lễ nghĩa, quan hệ xã hội và triết lý giáo dục và các tác phẩm Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử, Nghiêu Đế và Thang Thị, Lễ Ký, Xuân Thu.
Tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử gồm hệ thống các triết lý cốt lõi đó là: đạo đức, nhân ái, tôn trọng, trí tuệ, đến nay các triết lý này tiếp tục có ảnh hưởng mạnh mẽ trong vận hành xã hội. Lãnh đạo phải là tấm gương về đạo đức, công bằng, người lãnh đạo không chỉ sử dụng quyền lực mà phải lãnh đạo dựa trên giá trị và sức mạnh của đức hạnh để giúp đỡ, cảm hoá dân chúng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, dẫn đến thay đổi mạnh mẽ trong kinh tế, xã hội, các nhà lãnh đạo không chỉ có năng lực chuyên môn mà cần phải có đạo đức, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử giúp các nhà lãnh đạo xây dựng phong cách lãnh đạo phù hợp với giá trị truyền thống, đồng thời vẫn có thể đáp ứng tốt yêu cầu của nền kinh tế và chính trị hiện đại. Việc duy trì các giá trị đạo đức, lòng nhân ái và sự công bằng trong lãnh đạo giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam tạo dựng lòng tin trong xã hội và cộng đồng quốc tế (Minh Anh, 2001).
Nghiên cứu tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử, đặc biệt là những triết lý về nhân, lễ, trí, tinh thần học tập rèn luyện bản thân có ý nghĩa quan trọng để phát triển mô hình lãnh đạo bền vững. Vận dụng tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử có thể xây dựng thế hệ các nhà lãnh đạo không chỉ có năng lực mà còn có đức hạnh, người lãnh đạo tận tuỵ vì nhân dân phục vụ, lãnh đạo đất nước tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới.
2. Nội dung tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử
2.1. Tư tưởng nhân – nhân ái, khoan dung
Một trong những giá trị cốt lõi trong triết lý của Khổng Tử có ảnh hưởng sâu rộng trong văn hóa và đạo đức phương Đông. Nhân là sự tổng hoà của yếu tố “nhân” nghĩa là người và “tâm” nghĩa là lòng. Nhân còn là đức tính mà mỗi người cần có, nhân đươc biểu hiện qua ứng xử tử tế, hòa nhã, khiêm nhường với người khác bằng sự yêu thương, tôn trọng. Nhân ái là yêu thương, quan tâm và giúp đỡ để người khác tiến bộ, còn là phẩm hạnh, thể hiện trong mối quan hệ giữa con người với con người (Minh Anh, 2003).
Nhân ái còn là phẩm hạnh của con người, là nền tảng của xã hội hài hòa. Để xây dựng một xã hội tốt đẹp, mỗi người cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đức nhân và thể hiện trong mỗi hành động. Trong gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên phải dựa trên nhân ái, đó là nền tảng quan trọng để hình thành và phát triển những phẩm hạnh tốt đẹp như lễ nghĩa. Làm cha, làm mẹ cần yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ con nên người, ngược lại con phải biết hiếu thảo, hiếu kính cha mẹ. Nhân ái trong gia đình là trách nhiệm, là một hình thức giáo dục đạo đức.
Trong giáo dục, cần phát triển tinh thần nhân ái, mỗi người cần được học hỏi, trau dồi đức tính nhân ái ngay từ khi còn nhỏ, qua từng lời dạy, qua từng chỉ dẫn cụ thể. Trong xã hội, khi nhiều người có đức nhân, mối quan hệ giữa con người với con người sẽ trở nên hài hòa, mọi người cùng theo đuổi giá trị tốt đẹp. Một trong những câu nói của Khổng Tử về nhân ái là kẻ không có nhân thì không thể làm được việc gì lớn, với sự khẳng định rằng nhân ái là phẩm chất đạo đức, tình thương, đức hạnh cao cả, phẩm chất cốt lõi quyết định sự thành công của mỗi cá nhân và xã hội, để làm người, làm nhà lãnh đạo.
Trong tác phẩm Luận Ngữ, phần Nhan Uyên, Khổng Tử bàn về “nhân”, nhấn mạnh “Nhân giả nhân dã” người có lòng nhân là người sống đúng với bản chất làm người, có lòng thương yêu, đức hạnh, người có nhân là người chân chính. Câu 28 chương Ung Dã trong Luận Ngữ, Khổng Tử đã chỉ rõ: “Vi nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân” (Khổng Tử, 1994), người có đức nhân sẽ mong muốn cho người khác đạt được những gì mình mong muốn cho bản thân nhưng cũng mong người khác thành công, thể hiện tinh thần vị tha và lòng nhân ái.
2.2. Tư tưởng lễ – lễ nghi, quy tắc
Một trong những khía cạnh quan trọng trong tư tưởng Nho giáo nhằm phát triển để duy trì trật tự xã hội, đạo đức, sự tôn trọng và việc tuân thủ quy tắc xã hội là tư tưởng “lễ”. Lễ không chỉ đơn thuần là nghi thức, lễ nghi bề ngoài mà còn bao hàm ý nghĩa sâu sắc về đạo đức, phép tắc ứng xử trong đời sống cá nhân và xã hội. Lễ như một hệ thống quy tắc ứng xử trong các mối quan hệ xã hội gắn với 5 mối quan hệ lớn: vua – tôi, cha – con, anh – em, chồng – vợ, bạn – bạn, để duy trì trật tự xã hội. Lễ vừa là nghi thức vừa phản ánh lòng thành, lễ nghi phải xuất phát từ tâm, nếu không đó chỉ là hình thức trống rỗng. Lễ còn là nền tảng của trật tự xã hội, điều hòa mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, giữ gìn hòa khí, hạn chế sự xung đột giữa các cá nhân.
Theo Khổng tử, lễ là công cụ quan trọng để thiết lập và duy trì trật tự xã hội, củng cố cấu trúc xã hội. Xã hội chỉ có thể ổn định khi mọi người hành xử theo lễ. Thực hành lễ giúp mỗi cá nhân tự rèn luyện tính kỷ luật, ý thức về trách nhiệm và tôn trọng người khác, là điều kiện cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Thực hành lễ còn là điều kiện để bảo tồn và truyền lại các giá trị văn hóa và đạo đức giữa các thế hệ.
Lễ được biểu hiện ở ba khía cạnh cơ bản. Trong gia đình, lễ thể hiện ở lòng hiếu thảo, sự kính trọng người lớn tuổi, nền tảng của mọi mối quan hệ xã hội. Trong quan hệ xã hội, lễ là sự tôn trọng thứ bậc, khiêm tốn và trung thực trong giao tiếp. Trong chính trị, người cai trị phải dùng lễ thay vì dựa vào luật pháp hà khắc, chính quyền dựa trên lễ sẽ mang lại sự hòa hợp tự nhiên, không cần cưỡng ép(Nguyễn Tôn Nhan, 2005).
Luận điểm cơ bản trong tư tưởng Khổng Tử: “Bất học lễ, vô dĩ lập”, để sống tốt và thành công, con người cần học cách ứng xử đúng đắn, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức (Nguyễn Thị Nga, Hồ Trọng Hoài, 2003). Không có lễ nghĩa, con người dễ bất kính, vô phép, không thể đạt được sự tín nhiệm hay vị trí xứng đáng trong xã hội, lễ nghĩa là cốt yếu trong phẩm chất đạo đức để xây dựng sự thành công và uy tín cá nhân. Việc học lễ trong xã hội truyền thống là bước đầu trong quá trình rèn luyện nhân cách, phẩm hạnh của con người.
Ngày nay, lễ được hiểu là sự hiểu biết về văn hóa, giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực xã hội. “Nhân mà không lễ thì loạn; lễ mà không nhân thì mệt mỏi”. Nhân và lễ phải cân bằng, nhân cần được điều chỉnh bởi lễ để tránh lạm dụng, lễ cần được dẫn dắt bởi nhân để không trở nên áp đặt hay mất đi tính nhân văn, khoan dung. Trong cuộc sống con người phải có lòng nhân ái, đúng nơi, đúng cách, phù hợp với chuẩn mực xã hội, các quy tắc và hình thức lễ nghĩa phải xuất phát từ lòng chân thành.
2.3. Tư tưởng về chí – trí tuệ, sự khôn ngoan
Trong tư tưởng của Khổng Tử, “chí” và “trí tuệ” nhấn mạnh đến lý tưởng, sự thông tuệ, cách ứng xử chuẩn mực trong cuộc sống, con người nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thiện bản thân, xây dựng xã hội tốt đẹp. Chí được hiểu là lý tưởng, mục tiêu cao đẹp mỗi người hướng tới, chí cần gắn liền với đạo đức và công lý. Người quân tử cần có “chí lớn”, không chỉ vì bản thân, mà còn vì lợi ích của gia đình và xã hội “Quân tử chí ư đạo, tiểu nhân chí ư lợi” có nghĩa người quân tử phải hướng chí đến đạo, kẻ tiểu nhân chỉ chăm lo đến lợi ích nhỏ nhen. Trí tuệ vừa thể hiện sự hiểu biết, vừa là năng lực vận dụng kiến thức để đưa ra quyết định đúng đắn. Trí tuệ gắn liền với đức hạnh, nhận biết điều thiện, tránh xa điều ác, từ đó hành động đúng với đạo lý. Người có trí tuệ biết nhìn xa, thấu hiểu quan hệ giữa các sự vật hiện tượng, từ đó biết cách xử lý các mâu thuẫn, hành động phù hợp với hoàn cảnh để không đánh mất giá trị bản thân. Theo Khổng Tử, chí và trí không tồn tại độc lập mà tương hỗ lẫn nhau. Chí là động lực, khát vọng định hướng hành động, trí tuệ để hiện thực hóa lý tưởng một cách hiệu quả, phù hợp với đạo đức. Có chí mà thiếu trí, con người dễ suy tưởng viển vông, ngược lại, có trí mà thiếu chí, con người có thể trở nên ích kỷ, lạnh lùng.
2.4. Tư tưởng về tín – lòng tin, sự trung thực
Tín là giá trị cốt lõi trong xây dựng nhân cách con người, nền tảng cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Khổng Tử đưa ra lời dạy về tín, nhấn mạnh vai trò của tín trong quan hệ xã hội và trách nhiệm của con người. “Tín” là một trong ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, tức năm giá trị đạo đức cơ bản trong chuẩn mực đạo đức, nền tảng của mọi mối quan hệ. Người có tín tất yếu có lòng tin, giữ đúng lời hứa, sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, đức tính tính trung thực và đáng tin cậy, thiếu lòng tin sẽ không thể có hợp tác tích cực.
Tín giúp duy trì trật tự xã hội, người giữ chữ tín sẽ luôn làm tròn trách nhiệm của bản thân, lan tỏa niềm tin đến cộng đồng, tạo sự ổn định, duy trì sự hài hoà trong xã hội. Trong mọi mối quan hệ cá nhân, gia đình, bầu bạn, đồng nghiệp đều cần có tín. Người không có tín, chẳng làm nên việc gì (nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã). Thiếu trung thực sẽ làm suy yếu mối quan hệ, phá vỡ lòng tin, không giữ lời sẽ làm mất đi sự tín nhiệm. Vì vậy, lời nói và hành động phải nhất quán để tạo dựng, duy trì lòng tin (Hoàng Thị Kim Quế, 2004).
2.5. Tư tưởng về tự rèn luyện, tự cải thiện bản thân
Khổng Tử nhấn mạnh mỗi người phải có trách nhiệm tự rèn luyện bản thân để trở thành người quân tử, đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội. Tư tưởng này phản ánh triết lý nhân văn, theo đuổi hoàn sự thiện đạo đức, trí tuệ của mỗi người. Khổng Tử cho rằng con người sinh ra vốn không hoàn hảo, nhưng mọi người đều có thể phát triển bản thân qua học hỏi, rèn luyện, thực hành đạo đức, chỉ như vậy mới có thể trở thành người quân tử.
Nguyên tắc tự rèn luyện bản thân, trước hết mỗi người phải chủ động tự xét mình, hàng ngày cần nhìn lại bản thân để phát hiện, sửa chữa những sai lầm: “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân” (Mỗi ngày ta tự xét mình ba điều): Bản thân có trung thực trong công việc hay không? Có giữ đúng lời hứa với bạn hay không? Có thực hành đúng những gì được dạy không? Để đạt được nguyên tắc trên, mỗi người cần chủ động, tích cực học tập (Học nhi bất yếm), học không ngừng nghỉ, là cách để con người nâng cao trí tuệ, mở rộng hiểu biết, hoàn thiện đạo đức: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học mà thường xuyên rèn luyện, chẳng phải là điều vui sao?) (Khổng Tử, 1994). Học điều tốt, điều tiến bộ còn là cách để phát hiện và sửa chữa khuyết điểm, biết sửa lỗi là biểu hiện của tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.
Tự rèn luyện bản thân là cách tốt nhất để tu tập đạo đức. Sự phát triển của mỗi con người bắt đầu từ việc tu tập đạo đức ở chính bản thân: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Tu dưỡng bản thân là nền tảng để xây dựng gia đình, quản trị đất nước mang lại thái bình cho thiên hạ). Trong cuộc sống, mỗi người cần không ngừng nâng cao chuẩn mực đạo đức, trí tuệ để hướng tới sự hoàn thiện. Năm phẩm chất cốt yếu mà mỗi người trong quá tình tự rèn luyện bản phải có đó là nhân, lễ, tín, trí, dũng,can đảm đối mặt với khó khăn, dám nhận trách nhiệm, sẵn sàng sửa chữa lỗi lầm.
3. Vận dụng tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử nhằm phát triển các nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của Việt Nam
Bối cảnh hiện đại, tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tử vẫn có giá trị lớn có thể vận dụng trong lãnh đạo xã hội. Các lãnh đạo ngày nay vẫn có thể học hỏi từ tư tưởng này để xây dựng môi trường làm việc tốt đẹp, khuyến khích sự chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau (Phan Đại Doãn, 1998). Trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vận dụng các giá trị khoa học trong tư tưởng lãnh đạo của Khổng Tư có thể phát triển đội ngũ lãnh đạo có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo quan điểm của Đảng được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, với các giá trị như sau:
Thứ nhất, phát triển giá trị nhân ái, khoan dung. Thể hiện sự kết hợp giữa đức hạnh, trí tuệ, lãnh đạo bằng nêu gương, từ đó tính trung thực, nhân ái và lễ nghĩa được coi trọng. Lãnh đạo bằng đức hạnh, nhà lãnh đạo là tấm gương đạo đức cho nhân dân, bởi lãnh đạo không chỉ là quyền lực mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng. Những phẩm chất như nhân ái, trung thực, khiêm tốn là những yếu tố then chốt trong việc xây dựng hình ảnh lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng và bền vững. Lãnh đạo là người phục vụ, không phải là người cai trị, người ra lệnh bắt ép dân chúng thực thi mệnh lệnh mà quan tâm đến lợi ích của người dân, sự phát triển của người dưới quyền.
Trong kỷ nguyên mới, việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo theo tinh thần nhân ái, khoan dung nhằm tạo dựng mối quan hệ gắn bó trong tổ chức, với nhân dân phải gần dân, góp phần thúc đẩy tinh thần nhân ái, xây dựng lòng tin, sự đoàn kết và tính nhân văn trong xã hội. Lãnh đạo nhân ái, khoan dung có thể thấu hiểu, tạo ra môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo và hợp tác. Nhà lãnh đạo nhân ái, khoan dung sẽ biết cách kết nối con người với nhau, tạo môi trường làm việc dựa trên sự tôn trọng, đồng cảm, từ đó thiết lâp văn hóa tổ chức nhân văn, khích lệ sự phát triển cá nhân và tập thể
Đặt con người vào trung tâm trong trong quá trình chính sách. Thấu hiểu khó khăn, nhu cầu của người dân, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp. Lãnh đạo khoan dung đối với khuyết điểm của nhân viên, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, thử nghiệm và có thể thất bại. Để khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Trung ương đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 (Ban Chấp hành Trung ương, 2021). Nhân ái, khoan dung còn là điều kiện để xây dựng môi trường làm việc nhân văn, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các thách thức lãnh đạo ngày càng gia tăng lãnh đạo thiếu kiên nhẫn và nhân ái, khoan dung không đi kèm với kỷ luật sai lầm có thể bị lạm dụng. Vì vậy, trong quá trình vận dụng, cần kết hợp hài hoà nhân ái và khoan dung với nguyên tắc công bằng và minh bạch, cần thiết lập tiêu chuẩn đánh giá lãnh đạo dựa trên yếu tố nhân văn, tính Đảng.
Thứ hai, phát triển lễ nghi, quy tắc. Khổng Tử coi trọng lễ nghi, sự tôn trọng, tuân thủ quy tắc xã hội. Trong xây dựng, phát triển các nhà lãnh đạo cần xây dựng hệ thống thiết chế rõ ràng về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn là rất quan trọng. Lãnh đạo cần nêu gương trong việc tuân thủ quy tắc, chuẩn mực văn hóa, xã hội và pháp luật, trở thành hình mẫu cho cộng đồng và đội ngũ công chức noi theo, lấy đạo đức làm nền tảng để giữ gìn và phát huy phẩm chất chính trực, trung thực, trách nhiệm trước nhân dân. Lễ nghi được thể hiện qua thái độ trọng dân, gần dân, sát dân, lãnh đạo và người dân phải dựa trên sự tương kính, do đó lãnh đạo cần có phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó ra quyết sách phù hợp với lợi ích chung.
Lễ nghi, quy tắc là điều kiện để lãnh đạo cần thiết lập quy tắc rõ ràng, minh bạch trong hoạt động lãnh đạo, phát triển và duy trì kỷ cương, bảo đảm sự tuân thủ, mọi người dân được đối xử công bằng, trong Luận Ngữ, thiên Vi Chính, chương 3 nêu rõ: “Dùng lễ mà trị dân thì dân biết xấu hổ và có trật tự” (Khổng Tử, 1994). Lãnh đạo có “lễ” ứng xử có tình, có lý, truyền cảm hứng bằng chính lời nói và hành động để làm gương, sẵn sàng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Lãnh đạo Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển của cộng đồng, không để lợi ích cá nhân chi phối. Đó còn là cách để xây dựng lãnh đạo về tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời, không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng để lãnh đạo thích ứng với sự thay đổi của bối cảnh lãnh đạo. Lễ nghi, quy tắc còn góp phần trọng yếu trong xây dựng nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các giá trị truyền thống phải được bảo tồn và phát huy, đồng thời kết hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo để đối mặt với thách thức lãnh đạo mới.
Thứ ba, phát triển giá trị chí – trí tuệ, sự khéo léo, điều kiện quan trọng để phát triển tư duy chiến lược và tầm nhìn lãnh đạo trong dài hạn. “Chí” nhấn mạnh trí tuệ dựa trên sự học hỏi không ngừng, nhà lãnh đạo cần nâng cao tri thức, hiểu biết và thực hành lãnh đạo. Tri thức, hiểu biết là năng lực dự đoán xu hướng, cơ hội và thách thức để định hướng chiến lược phát triển dài hạn. Nhà lãnh đạo không ngừng phát triển tri thức, hiểu biết, để có tư duy lãnh đạo, tiên phong trong lĩnh hội và vận dụng kiến thức mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, quản trị để đưa ra quyết định sáng suốt, lấy lợi ích của người dân làm động lực phấn đấu, chính trực trong quyết sách lãnh đạo. Luôn giữ vững bản lĩnh trước áp lực lãnh đạo, tinh tế và khéo léo trong xử lý tình huống.
Thực hiện lãnh đạo với đức trí song hành. Trí tuệ phải đồng thời đi đôi với đạo đức, nhà lãnh đạo có bản lĩnh, trí tuệ để dám làm những điều đúng đắn, hợp đạo lý, tạo niềm tin cho người dân, dám dấn thân trước khó khăn, thử thách, là tấm gương sáng trong hành động. Nhà lãnh đạo có trí tuệ, có đạo đức sẽ luôn có phương pháp kiến tạo và lan tỏa tri thức để mọi người cùng học hỏi và phát triển, tạo động lực để mọi người dân đóng góp trí tuệ và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước. Xây dựng trí tuệ ở nhà lãnh để có năng lực ứng phó chủ động, sáng tạo với thách thức bằng sự nhạy bén, tìm kiếm giải pháp tối ưu mà không mất đi sự chính trực, xử lý tốt mọi mối quan hệ một cách khéo léo, thuyết phục giữa Việt Nam với các nước, các khu vực là biểu hiện cao nhất của sự nhạy bén, tinh tế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thứ tư, phát triển giá trị tín – lòng tin, sự trung thực. Tư tưởng “Tín” của Khổng Tử thể hiện tin thần kế thừa giá trị truyền thống, đồng thời xây dựng thế hệ lãnh đạo Việt Nam có bản lĩnh, đạo đức và tầm nhìn. Trong kỷ nguyên mới của đất nước, coi trọng niềm tin, sự trung thực tạo nền tảng cho sự phát triển và củng cố vị thế của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển toàn diện.
Nhà lãnh đạo có tín để xây dựng lòng tin thông qua đức tính trung thực và minh bạch. Minh bạch trong các quyết định lãnh đạo để tạo dựng lòng tin ở nhân dân, cam kết lời nói với hành động, giữ lời hứa và thực hiện cam kết, đó còn là biện pháp để củng cố uy tín cá nhân, gia tăng niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tín là cách để nhà lãnh đạo giữ vững đạo đức cách mạng, tránh xa những biểu hiện tiêu cực, lãng phí, đặt lợi ích chung lên trên hết, để nhà lãnh đạo tự giác làm gương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong đời sống, một cách hiệu quả để truyền cảm hứng, xây dựng niềm tin với người dân. Trong bối xây dựng chính phủ số, ứng dụng công nghệ, tín còn được ứng dụng giúp lãnh đạo công khai hóa quy trình, giảm thiểu tiêu cực, lãnh đạo có thể sử dụng các kênh truyền thông số để giao tiếp, đối thoại với người dân. Trong hội nhập, xây dựng các nhà lãnh đạo thể hiện tính trung thực, đáng tin cậy trong ngoại giao và hợp tác để khẳng định vị thế, giữ vững sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Thư năm, phát triển giá trị tự rèn luyện, tự cải thiện bản thân. Vận dụng tư tưởng tự rèn luyện, tự cải thiện bản thân của Khổng Tử có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn xây dựng các nhà lãnh có đạo đức, trí tuệ, và bản lĩnh chính trị. Khổng Tử nhấn mạnh: “Người quân tử cầu ở mình”, người có đạo đức, trí tuệ thì luôn tự nhìn nhận, rèn luyện, và cải thiện bản thân (Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2009). Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhà lãnh đạo không chỉ ra quyết định mà còn là tấm gương thực hành đạo đức cách mạng, tinh thần cầu thị khiêm tốn học hỏi từ những người xung quanh “Ba người đi đường, tất có người làm thầy ta”, học tập suốt đời để tiếp cận tri thức mới, tự cải thiện tư duy, đổi mới phương pháp lãnh đạo để phù hợp với sự thay đổi của xã hội và công nghệ.
Khổng Tử đặt đạo đức là giá trị hàng đầu của con người, là nền tảng của lãnh đạo. Nhà lãnh đạo giỏi không ngừng tự soi xét, sửa bản thân để giữ vững liêm chính, trung thực, đó là cách nhà lãnh đạo không ngừng tiến bộ. Tự rèn luyện bản thân để duy trì kỷ luật lãnh đạo, để bản thân không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực như lợi ích cá nhân, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, từ đó đề cao tinh thần phục vụ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển của xã hội, lấy việc phụng sự làm động lực cải thiện bản thân, để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Rèn luyện tinh thần kỷ luật và nỗ lực cải thiện thay đổi bản thân là cách làm gương tốt, trở thành hình mẫu, từ đó lan tỏa tinh thần học tập, truyền cảm hứng cho mọi thành viên nỗ lực hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức công vụ.
4. Kết luận
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hội nhập, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, tư tưởng của Khổng Tử mang đến nhiều giá trị nhân văn sâu sắc và có tính ứng dụng cao trong việc xây dựng các nhà lãnh đạo. Vận dụng tư tưởng của Khổng Tử không chỉ là sự kế thừa tinh hoa văn hóa phương Đông mà còn là nền tảng để tạo ra những đổi mới trong lãnh đạo phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tư tưởng của Khổng Tử có thể vận dụng trong xây dựng các nhà lãnh đạo có đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng tinh thần tự rèn luyện và phục vụ cộng đồng, tạo dựng nền tảng để các nhà lãnh đạo ra quyết sách thích ứng linh hoạt với những thay đổi, duy trì và phát triển niềm tin trong nhân dân về các nhà lãnh đạo. Các giá trị cần vận dụng để phát triển các nhà lãnh đạo đó là nhân, lễ, trí, tín, xây dựng năng lực lãnh đạo qua tự rèn luyện, cải thiện bản thân, thúc đẩy trách nhiệm xã hội, đặt lợi ích tổ chức, của cộng đồng trên lợi ích cá nhân, để hình thành các nhà lãnh đạo có đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo trong kỷ nguyên mới của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
1. Minh Anh (2001). Chúng ta kế thừa tư tưởng gì ở Nho giáo. Tạp chí Triết học – số 8, tr. 34 – 37.
2. Minh Anh (2003). Tư tưởng Lễ và Chính danh của Nho giáo. Tạp chí Triết học, số 5, tr. 42 – 46.
3. Lê Ngọc Anh (1999). Về ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam. Tạp chí Triết học, số 3, tr. 19 – 21.
4. Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
5. Ban Chấp hành Trung ương (2021). Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
6. Phan Đại Doãn (1998). Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia.
7. Nguyễn Hiến Lê (2006). Khổng Tử. H. NXB Văn hóa – Thông tin.
8. Nguyễn Thị Tuyết Mai (2009), Quan niệm Nho giáo về con người, về giáo dục đào tạo con người. H. NXB Chính trị quốc gia.
9. Nguyễn Thị Nga, Hồ Trọng Hoài (2003). Quan niệm của Nho giáo về giáo dục con người. H. NXB Chính trị quốc gia.
10. Nguyễn Tôn Nhan (2005), Nho giáo Trung Quốc. H. NXB Văn hóa Thông tin.
11. Hoàng Thị Kim Quế (2004). Những nét đặc thù và giá trị đương đại trong tư tưởng pháp luật của Khổng Tử. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9, tr. 32 – 38.
12. Khổng Tử (1994). Luận Ngữ (dịch giả Nguyễn Hiến Lê). H. NXB Văn Học.