Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai: Kết nối di sản
Gia Lai: Chuyện 2 cô bé Bahnar giỏi tiếng Anh Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023: Nhà hàng, khách sạn sẵn sàng đón khách |
Tôn vinh bản sắc văn hóa Tây Nguyên
Sự kiện mở đầu cho Tuần văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 là Festival Văn hóa cồng chiêng diễn ra ngày 11 và 12-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”, festival là sự kiện tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng và tinh thần kế thừa, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên-những chủ nhân của di sản.
Đây sẽ là một cuộc trình diễn đầy âm thanh và màu sắc của trên 1.000 nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai có 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố với trên 870 nghệ nhân và 140 nghệ nhân của 4 đoàn thuộc các tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.
"Gia Lai-Những sắc màu văn hóa" là chủ đề của Festival văn hóa cồng chiêng năm 2023. Ảnh: H.N |
Festival Văn hóa cồng chiêng sẽ là cuộc trình diễn “tươi rói chất tự nhiên thuần khiết” như một nhà nghiên cứu nhận định: “Các dân tộc Tây Nguyên có tiềm năng nghệ thuật to lớn. Mỗi người Tây Nguyên đều có năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm, một nền nghệ thuật còn tươi rói chất tự nhiên thuần khiết, hồn nhiên và mộc mạc mà nhiều nền nghệ thuật cao đã đánh mất nay đang có khuynh hướng tìm trở lại cái chất tự nhiên ấy”.
Đây sẽ là cuộc hội tụ và trở về của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phố núi Pleiku-nơi 18 năm trước đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO trao cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Người dân và du khách sẽ được sống trong không khí hội hè với sắc màu lấp lánh của di sản văn hóa thế giới.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh tập luyện các tiết mục cho đêm khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023. Ảnh: H.N |
Nếu lễ hội đường phố là hoạt động để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên phô diễn âm nhạc cồng chiêng thì không gian văn hóa sẽ là nơi trình diễn những sắc màu lễ hội-một giá trị đặc sắc, nổi bật của di sản cồng chiêng. Đó là phục dựng lễ đâm trâu của người Jrai huyện Krông Pa hay tái hiện nghi lễ trưởng thành của dân tộc Ê Đê (tỉnh Đak Lak). Đời sống nông nghiệp của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên với nhiều sắc thái cũng được tái hiện qua nghi lễ liên quan đến cây lúa, như tỉnh Kon Tum sẽ tái hiện lễ mừng lúa mới, còn tỉnh Gia Lai có lễ cầu hồn lúa của người Bahnar huyện Đak Pơ. Các tỉnh Lâm Đồng, Đak Nông cũng tái hiện những lễ hội đặc trưng nhất của các dân tộc tại địa phương.
Có trên 1.000 nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên góp sắc màu cho Festival Văn hóa cồng chiêng. Ảnh: H.N |
Đây là lần thứ 3 tỉnh Gia Lai tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng trong nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Năm 2009, Gia Lai tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I với 63 đội đại diện cho 6 quốc gia tham dự. Đến năm 2018, Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai được tổ chức với hơn 1.000 nghệ nhân của 25 đoàn đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Do đó, Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023 được tổ chức với nhiều sự khác biệt, đổi mới để khẳng định một lễ hội xứng tầm khu vực. Qua đó, Gia Lai cũng trở thành nơi kết nối và quảng bá di sản cồng chiêng, đồng thời gắn kết các tỉnh Tây Nguyên thông qua văn hóa.
Và một kỳ festival văn hóa cồng chiêng được tỉnh Gia Lai chuẩn bị kỹ càng, chu đáo đã sẵn sàng để mang đến một đại tiệc văn hóa trên tinh thần tôn vinh và kết nối, xứng đáng với vị thế của một tỉnh sở hữu nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên, đồng thời là nơi diễn ra những sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế liên quan đến di sản cồng chiêng suốt những năm qua.
Festival văn hóa cồng chiêng sẽ có nhiều hoạt động tái hiện không gian văn hóa, sinh hoạt tại cộng đồng. Ảnh: H.N |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023-cho biết: Tôn vinh di sản cồng chiêng Tây Nguyên và chủ nhân của không gian văn hóa cũng là chủ đề xuyên suốt của chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai.
“Chương trình sử dụng âm nhạc mang âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên, trong đó, cồng chiêng là sợi dây xuyên suốt. Thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật sẽ giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào về di sản văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, thôi thúc thế hệ trẻ dốc lòng dốc sức gìn giữ di sản, phấn đấu xây dựng buôn làng, quê hương, đất nước”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Sẵn sàng khai hội
Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 gồm một chuỗi các hoạt động kéo dài từ ngày 11 đến 19-11, mở rộng không gian từ TP. Pleiku đến các huyện lân cận như: Ia Grai, Chư Păh. Dù đầy ắp các sự kiện hấp dẫn nhưng người dân và du khách vẫn có thể trải nghiệm trọn vẹn từng hoạt động. Song song với Festival Văn hóa cồng chiêng là Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (diễn ra trong 3 ngày trọng điểm từ 10 đến 12-11). Khách có thể hòa vào “miền mơ tưởng” cùng các lễ hội Tây Nguyên trong Festival Văn hóa cồng chiêng, sau đó “lên non tìm động hoa vàng” Chư Đang Ya để đắm chìm trong thiên nhiên hùng vĩ, sống trong một miền mơ tưởng khác của mùa lễ hội Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: “Đây là năm đầu tiên lễ hội có thêm hoạt động phục dựng nguyên bản nghi lễ “Cúng lúa mới” tại sân nhà rông làng Ia Gri và chương trình biểu diễn với chủ đề “Sống động nhịp điệu giã gạo”. Cùng với nhiều hoạt động văn hóa khác, chúng tôi mong muốn mang đến cho du khách thập phương cơ hội tiếp cận với bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Qua đó, du khách có thể cảm nhận được sự mộc mạc, gần gũi trong cuộc sống đời thường của người Jrai ở Chư Đang Ya nói riêng và người dân Gia Lai nói chung”.
Du khách đắm mình giữa không gian hoa dã quỳ rực rỡ. Ảnh: Trần Thụy Chiêu Ly |
Một hoạt động hấp dẫn trong Tuần Văn hóa-Du lịch đã sẵn sàng chờ đón người dân và du khách là Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh (diễn ra trong 2 ngày 17 và 18-11) với nhiều nét mới trong lần thứ 4 tổ chức. Hình ảnh hàng trăm tay chèo đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô huyền thoại sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai.
Chương trình khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 được Báo Gia Lai livestream tại các địa chỉ: Baogialai.com.vn, Fanpage Báo Gia Lai điện tử, YouTube Báo Gia Lai, đồng thời được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai và các tỉnh trong khu vực. |
Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023-cho hay: “Năm nay, Ban tổ chức quyết định đưa sân khấu chính xuống gần sát mặt nước sông Pô Cô nhằm mang đến trải nghiệm sống động và gần gũi nhất cho người dân và du khách”.
Trong khi đó, những người yêu thể thao và thắng cảnh thiên nhiên lại chờ đợi Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku (diễn ra từ ngày 17 đến 19-11) tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ và đường Anh Hùng Núp (TP. Pleiku). Kết thúc những chuyến du ngoạn, những sản vật của cao nguyên Gia Lai cùng ẩm thực truyền thống hội tụ trong các hoạt động kể trên sẽ là dư vị đọng lại sau cùng trong đại tiệc đầy sắc màu dịp này.
Khu vườn tượng trước trụ đá tại Quảng Trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) chuẩn bị cho Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023. Ảnh: H.N |
Chuỗi sự kiện trong Tuần Văn hóa-Du lịch cũng là cơ hội để Gia Lai quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, thiên nhiên. Đặc biệt, các lễ hội gắn với với đặc trưng riêng có của vùng đất như: núi lửa Chư Đang Ya, thuyền độc mộc gắn dòng Pô Cô huyền thoại hay giải chạy qua những thắng cảnh nổi bật… được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đầy sức hút của Gia Lai. Nhất là dịp này, ngành du lịch các tỉnh phía Bắc tổ chức hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa Ninh Bình, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên tại phố núi Pleiku.
Hàng chục doanh nghiệp lữ hành của Gia Lai và các tỉnh, thành phố sẽ có các chuyến khảo sát, trải nghiệm lễ hội văn hóa đặc trưng trong Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai. Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đây là cơ hội rất lớn để Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung giới thiệu thế mạnh về du lịch văn hóa đến các thị trường lớn khu vực phía Bắc.
Các vận động viên xã Ia Khai (huyện Ia Grai) tích cực tập luyện để tham gia Hội đua thuyền trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh. Ảnh: Đức Thụy |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai 2023 cho biết thêm: “Tuần Văn hóa-Du lịch là cơ hội để tỉnh Gia Lai giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa-lịch sử, sản phẩm nông sản đặc sắc tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, Festival Văn hóa cồng chiêng còn là dịp trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, các dân tộc Tây Nguyên để thắm tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng chuỗi sản phẩm liên kết và phát triển kinh tế-văn hóa, du lịch. Với mục đích, ý nghĩa đó, tỉnh xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Ban tổ chức đã triển khai kế hoạch cụ thể, chi tiết, tập hợp các nguồn lực với mong muốn có một mùa lễ hội đặc sắc, ý nghĩa.
Sự kiện được sự đồng lòng ủng hộ từ chính quyền đến toàn thể người dân. Từng người dân từ buôn làng đến các huyện, thị xã, thành phố đều chuẩn bị sẵn sàng với tâm thế háo hức, hứng khởi. Bên cạnh đó, có sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành với tâm thế sẵn sàng đón khách; đồng hành cùng chính quyền, người dân với mong muốn xây dựng hình ảnh Gia Lai thân thiện, mến khách”.
Nguồn: Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai: Kết nối di sản