Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp
Ngày nay, việc sản xuất các thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng bằng chế phẩm sinh học (CPSH) trong sản xuất nông nghiệp đã chứng minh được nhiều ưu điểm vượt trội. Từ đó đem lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, như: giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng, giảm mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Mô hình trồng ớt mang lại hiệu quả cao nhờ chế phẩm sinh học tại HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc). |
CPSH là những chế phẩm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, có nguồn gốc từ động vật, thực vật, vi sinh vật... rất an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Các CPSH sản xuất phục vụ trong canh tác nông nghiệp mà nông dân thường sử dụng, như: phân bón sinh học, thuốc trừ sâu sinh học phục vụ cho trồng trọt; đệm lót sinh học, cám vi sinh phục vụ cho chăn nuôi; các chế phẩm bổ sung vi khuẩn có lợi cho nguồn nước, thức ăn vi sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản hay chế phẩm vi sinh, thảo mộc giúp xử lý chất thải môi trường... Từ những hiệu quả mà CPSH đem lại, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng các CPSH để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Là một trong những HTX lâu đời trong tỉnh, HTX nông nghiệp Phú Lộc, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) luôn hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn; các sản phẩm rau, củ, quả đều được HTX sử dụng CPSH EM trong quá trình canh tác. Theo ông Hoàng Văn Toàn, giám đốc HTX, chia sẻ: Lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp sẽ mang đến hệ quả xấu cho môi trường và sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy, sau khi nghiên cứu qua sách báo, tôi đã học cách sản xuất ra CPSH EM và sản xuất phân bón vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp. Nguyên liệu đơn giản là các phế phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả được thái nhỏ rồi trộn đều với đường, ớt và một số gia vị khác để ngâm, ủ lên men sau đó mới lấy nước xịt cho cây trồng. Bằng cách này, các sản phẩm trong quá trình canh tác có thể tránh được sự gây hại của sâu bọ và các mầm bệnh nấm các loại, từ đó cây trồng cũng tăng được sức đề kháng, sau khi thu hoạch sẽ có sản phẩm chất lượng đem đến cho người tiêu dùng. Điển hình như trước đây, mỗi sào ớt thu hoạch được 30 - 45kg quả, sau khi dùng chế phẩm EM đã tăng lên 60kg/sào. Cây cũng ít sâu bệnh hơn, trọng lượng quả cao, cứ khoảng 5 ngày thu hái 1 lần. Ngoài ra, bã của chế phẩm EM cũng tận dụng được làm phân bón cho cây trồng”.
Tại xã Yên Ninh (Yên Định), gia đình chị Phạm Lan Anh đã xây dựng trang trại trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 2ha. Với mong muốn nâng cao chất lượng quả, chị Lan Anh đã tìm hiểu các kỹ thuật để ủ phân cá bằng CPSH EM, từ đó tạo ra phân bón hữu cơ hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng. Theo chị Lan Anh, trong phân cá, vi lượng và khoáng chất sẽ giúp cải thiện môi trường đất cũng như bổ sung nhiều dinh dưỡng tuyệt vời cho cây trồng. Từ đó kích thích ra hoa, đậu quả và ức chế các tác nhân gây hại. Theo đó, chị đã nghiền nát cá tươi hoặc phụ phẩm từ cá, sau đó trộn cùng chế phẩm men vi sinh rồi ủ khoảng 30 ngày, sau đó lấy phân cá ra để làm phân bón cho cây. Qua thời gian thử nghiệm, chị Lan Anh cho biết cây đậu quả cao hơn, năng suất và chất lượng đều tăng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa: Việc sử dụng các CPSH đã góp phần không nhỏ vào việc giảm ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Nhiều mô hình đã được nhân rộng, từ đó nâng cao hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và dựa vào tự nhiên để phát triển. Hiện nay, các loại CPSH đã được người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sử dụng CPSH trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách phối trộn cũng như sử dụng CPSH đúng quy trình kỹ thuật; xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập, ứng dụng, nhân rộng mô hình. Đồng thời, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, các chất tăng trọng.
Nguồn: Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp