Vì sao tuyển Việt Nam bế tắc trước Indonesia?
HLV Park Hang Seo có cuộc họp kỳ lạ trước trận bán kết Indonesia - Việt Nam Việt Nam đá bại Myanmar, sẵn sàng trận chiến với Indonesia |
Đáng nói hơn, không một lần nào ĐT Việt Nam có thể tạo ra cơ hội dứt điểm trong vùng cấm địa đối phương từ một tình huống bóng mở.
Trái ngược với những phát biểu đầy tự tin trước trận đấu, cả hai chiến lược gia người Hàn Quốc đều quyết định có những lựa chọn chiến thuật đầy tính cẩn trọng.
Tuyển Việt Nam lựa chọn hệ thống 5-4-1 khi phòng ngự. |
Sự thận trọng của đôi bên
Bên phía đội khách, dù không có sự thay đổi đáng chú ý nào về mặt nhân sự, HLV Park Hang-seo quyết định sử dụng hệ thống chiến thuật 3-4-3 khi có bóng và 5-4-1 khi phòng ngự.
Trong cả 4 trận đấu ở vòng bảng, ĐT Việt Nam đều chơi với sơ đồ 3-5-2 với hai tiền đạo trên hàng công. Một lựa chọn cho thấy ông Park đánh giá cao khả năng tham gia tấn công của cặp đôi hậu vệ biên Asnawi Mangkualam và Pratama Arhan bên phía Indonesia.
Đại diện chủ nhà thậm chí còn cẩn trọng hơn. Ông Shin Tae-yong cất cả Egy Maulana và Witan Sulaeman trên băng ghế dự bị, từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1 và sử dụng hệ thống 5-4-1 trong trận đấu được diễn ra trên sân nhà Bung Karno. Trung vệ Rizky Ridho có mặt trong đội hình xuất phát bên cạnh đội trưởng Fachruddin Aryanto và cầu thủ nhập tịch Jordi Amat.
Ở tuyến trên, tiền vệ trung tâm có xu hướng phòng ngự là Rachmat Irianto được lựa chọn, trong khi hai cái tên chạy cánh cũng là những người có kỉ luật chiến thuật cao: Yakob Sayuri và Maselino Ferdinan.
Indonesia chuyển sang hệ thống 5 hậu vệ. |
Một hình ảnh tương tự như trận đấu với Thái Lan được Indonesia thiết lập, theo cách thậm chí cực đoan hơn. Đội bóng của ông Shin Tae-yong thay đổi sơ đồ chiến thuật, nhưng không hề thay đổi ở cường độ chơi trong thời điểm phòng ngự. Họ gây áp lực mạnh và liên tục khi đối phương kiểm soát bóng từ 1/3 giữa sân.
Một điểm đặc trưng trong định hướng phòng ngự mà ông Shin áp dụng cho các học trò là việc Indonesia luôn giữ được cấu trúc phòng ngự hẹp ở khu vực trung lộ, buộc đối phương phải hướng bóng ra biên trước khi gây áp lực mạnh ở phạm vi này. Dù là sơ đồ 4-4-2 hay 3-4-3/5-4-1, công thức này vẫn được áp dụng một cách thuần thục.
Khối phòng ngự hẹp của Indonesia. |
Phương án chiến thuật này hoàn toàn khiến ĐT Việt Nam gặp khó khăn với các miếng tấn công sở trường của mình. Một trong những hình ảnh đặc trưng nhất mà đội bóng của HLV Park Hang-seo đã thể hiện tại vòng bảng là những tình huống kiểm soát bóng nhịp nhàng ở một biên, rồi chuyển hướng sang biên đối diện đã bị Indonesia phong toả hoàn toàn.
Đẩy đối phương ra biên, rồi gây áp lực mạnh. |
Đội chủ nhà không để đối phương dễ dàng kiểm soát bóng ở một biên, song song với việc chủ động gây áp lực mạnh và không cho các cầu nối chuyển hướng tấn công của ĐT Việt Nam có thời gian để chuyển hướng. Nếu không thành công, hàng ngang phòng ngự 5 người của Indonesia cũng đủ khả năng để Văn Hậu hay Văn Thanh không thể nhận bóng ở tư thế thuận lợi.
Indonesia gây áp lực mạnh khi bóng ở sát hành lang cánh. |
Trong 30 phút đầu tiên của hiệp một, cả hai bên thậm chí không tạo ra bất kì pha dứt điểm nào từ tình huống bóng sống. Thậm chí, 30 phút thi đấu đầu tiên của hiệp hai không chứng kiến bất kì một pha dứt điểm nào.
Kiểm soát cầu nối luân chuyển bóng của ĐT Việt Nam. |
Hình ảnh Indonesia lì lợm, tốc độ, sức mạnh nhưng cũng đầy tính tổ chức đã khắc chế hoàn toàn sức tấn công của đội khách.
Kiểm soát cầu thủ nhận bóng ở biên đối diện với hàng thủ 5 người. |
Phương án nào cho ông Park?
Những phương án tấn công chấp nhận rủi ro vẫn là thứ không thường xuyên xuất hiện ở đội bóng của HLV Park Hang-seo. Nhưng đôi khi, những lựa chọn không mạo hiểm mới là điều mang đến rủi ro cao nhất. Trước Indonesia, ĐT Việt Nam đã có những thời điểm có thể chơi bóng tự tin hơn để chiếm lĩnh khoảng trống sau lưng các trung vệ luôn dâng cao gây áp lực của đối phương.
Tình huống lợi thế 3 đấu 2 với khoảng trống sau lưng mà ĐT Việt Nam có thể khai thác. |
Trước cường độ cao ở khả năng phòng ngự trước mặt của hệ thống phòng ngự đối phương, việc thực hiện những đường chuyền trực diện ra ra sau lưng hàng ngang 5 hậu vệ dường như là một phương án tối ưu hơn cả. Không chỉ khiến Indonesia rơi vào trạng thái khó đoán định hơn, phương án ấy có thể hạn chế tốt hơn khả năng chuyển trạng thái ấn tượng mà đội bóng được dẫn dắt bởi ông Shin Tae-yong có thể tạo ra.
Tuyển Việt Nam cố gắng lựa chọn những đường chuyền xuyên tuyến, nhưng bất thành. |
Chính Indonesia, với sơ đồ 3-4-3 khi tấn công, và với những miếng đánh như thế đã khiến Đặng Văn Lâm phải đối mặt với những tình huống hãm thành nguy hiểm.
Ngay lập tức đối mặt với tình huống phản công của Indonesia. |
Bài toán cho ĐT Việt Nam ở trận lượt về sẽ là không hề đơn giản. Indonesia đã cho thấy một hình ảnh cực kì khó chịu trong lối chơi ở trận lượt đi và chắc chắn sẽ tiếp tục tin tưởng vào phương án ấy trong cuộc đối đầu tại Mỹ Đình.
Cơ hội của Indonesia. |
Ở một trận đấu buộc phải ghi bàn nhiều hơn đối phương, ông Park cần tìm ra những phương án trực diện hơn hướng đến khung thành Indonesia, song song với việc kiềm tỏa khả năng tăng tốc của đội bóng xứ vạn đảo.
Trực diện, tốc độ là những thứ cơ bản trong phương án tấn công của đội chủ nhà ở trận lượt đi. |
Đó chắc hẳn là một thử thách không hề dễ chịu cho vị chiến lược gia người Hàn Quốc.
Nguồn: Vì sao tuyển Việt Nam bế tắc trước Indonesia?